17/02/2019 12:42 GMT+7

Dân thường chép sử

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Dinh trấn Thanh Chiêm là một địa chỉ lịch sử nổi tiếng, được biết đến như một thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn đặt tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Dân thường chép sử - Ảnh 1.

Ông Đinh Trọng Tuyên với cuốn sách đời người trên tay - Ảnh: B.D.

Năm nay tôi đã 90 tuổi rồi. Thời gian cho tôi có lẽ không còn nhiều, còn Thanh Chiêm giờ đã bị hoang hóa, không còn nhiều dấu tích để lại nữa rồi. Nếu không có dự án xây dựng, làm sớm để thể hiện giá trị của mốc lịch sử này thì con cháu sẽ khó hình dung

Ông ĐINH TRỌNG TUYÊN

Hơn 400 năm từ ngày hiện hữu, nay chỉ còn lại những vết tích ít ỏi, không có quá nhiều sử sách ghi chép lại trọn vẹn.

Thế nhưng, bằng nghiên cứu vô cùng công phu của mình, một người dân không học vị, không chức tước đã xuất bản một cuốn sách dày hàng trăm trang ghi chép khá cặn kẽ về vùng đất này và được giới sử học đánh giá cao.

Người trưởng trạm y tế xã

Cuối năm 2018, một doanh nghiệp tại Quảng Nam đã tổ chức một đoàn nghệ nhân qua Nhật Bản nấu mì Quảng phục vụ quan khách ngoại giao Nhật.

Và cái tên "Dinh trấn mì Quảng" đã lần đầu tiên được nhắc tới như một nơi đầu tiên làm bảo tàng ẩm thực về một món ăn thuần Việt.

Cái tên "dinh trấn" đã gợi nhiều tò mò. Chúng tôi khá bất ngờ khi được tiếp cận cuốn sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam với độ tỉ mỉ, công phu và cặn kẽ trong từng câu chữ, tư liệu.

Càng bất ngờ hơn khi được gặp tác giả của cuốn sách khảo cứu lịch sử này - ông Đinh Trọng Tuyên - 90 tuổi, một người không có học vị gì, từng là trạm trưởng trạm y tế xã, hiện sống lặng lẽ trong căn nhà cũ có nhiều đời làm nghề giáo.

Ông Tuyên giờ đã không còn khỏe mạnh nữa. Tai đã nặng và bước chân cũng đã chậm hơn vì tuổi tác.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn khi nói về ông Đinh Trọng Tuyên đã không giấu cảm mến về sự uyên bác của một người con vùng đất Thanh Chiêm, Quảng Nam: "Ông Tuyên uyên bác và quá xứng đáng để được tôn vinh".

Nếu ai từng đọc cuốn sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam thì sẽ ít nhiều cảm nhận được sự kỳ công và uyên bác của người viết.

Cuốn sách này như một cuốn tư liệu khảo cứu, ghi chép, thuật lại một cách tường tận từng mốc lịch sử, từng con người của các giai đoạn xuất hiện của dinh trấn Thanh Chiêm - thủ phủ thứ hai ở xứ Đàng Trong.

Từng chữ một, từng chi tiết một khi được nhắc tới đều có dẫn nguồn sử liệu và các minh chứng hết sức chắc chắn.

Sẽ khó ai tin rằng một người dân bình thường như ông Đinh Trọng Tuyên đã chép nhặt, tự tìm tòi, nghiên cứu để cùng với con trai mình là Đinh Bá Truyền chấp bút rồi xuất bản và tới nay vẫn là một trong ít cuốn sách về Thanh Chiêm đầy đủ, tường tận và công phu nhất.

Công trình để đời

"Tôi viết cuốn sách đó cả một đời người. Chính xác là tôi có ý định từ khi cha mình còn sống, nghe ông kể về "Ngũ Phụng Tề Phi, về Thanh Chiêm lúc tôi còn nhỏ nên mê vô cùng và chép nhặt, ghi nhớ lại hết. Cho tới năm 1995 bắt đầu ghi vào sổ, rồi khi có điều kiện thì làm bản thảo" - ông Tuyên nói giọng khàn khàn.

"Năm nay tôi đã 90 tuổi rồi. Thời gian cho tôi có lẽ không còn nhiều, còn Thanh Chiêm giờ đã bị hoang hóa, không còn nhiều dấu tích để lại nữa rồi.

Nếu không có dự án xây dựng, làm sớm để thể hiện giá trị của mốc lịch sử này thì con cháu sẽ khó hình dung" - ông nói thêm.

Theo sử sách, dinh trấn Thanh Chiêm là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân.

Đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các thương nhân Nhật và Trung Hoa được mua đất, lập khu phố Nhật và khu phố Hoa ở Cẩm Phô, Thanh Hà (Hội An), mở rộng giao lưu với bên ngoài.

Trong thực tế, nơi đây từng là một căn cứ thủy quân hùng mạnh của nhà Nguyễn không kém gì căn cứ ở Quảng Bình.

Lực lượng hải quân ở đây đã góp phần vào trận chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644 do Dũng Lễ hầu (sau này là Hiền Vương) chỉ huy.

Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi nhất của quân lực Đàng Trong, nhờ đó đánh bại được bảy cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh.

Quảng Nam thời dinh trấn Thanh Chiêm còn giữ vai trò bàn đạp quan trọng của công cuộc mở cõi về phía Nam ở thế kỷ 18.

Ông Tuyên là thế hệ thứ hai trong một gia đình nhiều đời làm nghề dạy học.

Ông từng làm y sĩ quân y, sau giải phóng được mời vào làm việc tại Bệnh viện Quảng Nam, sau đó về phụ trách trạm y tế xã Điện Phương. Hết tuổi hưu, ông về nhà sinh sống, làm vườn và nghiên cứu lịch sử.

Ông Tuyên thông thạo Pháp ngữ, Hán ngữ, Anh ngữ và tường tận nhiều sự kiện lịch sử.

Không nói quá khi nói rằng có "một bụng chữ nghĩa" trong con người vốn khiêm nhường, lặng lẽ này. Ông không nổi tiếng nhưng lại là một người đáng kính đối với nhiều nhà sử học ở miền Trung.

"Chép tay, đi khắp nơi để lùng sục tư liệu"

Để viết được cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, ông Tuyên cho biết đã đi đến rất nhiều thư viện lớn trên cả nước, rồi nhờ con trai qua tận Pháp tìm tư liệu, được sự giúp đỡ trực tiếp của các giáo sư Pháp...

Những tư liệu được ông dịch thuật lại, chép tay ra giấy rồi nhờ người đánh máy và in thành bản thảo.

Cuốn sách được ông thực hiện trong hàng chục năm, được cho xuất bản năm 2010 và đến nay vẫn là "cảo thơm" của giới sử học khi muốn biết về Thanh Chiêm.

Mong chờ những trang sử đổi thay

TTO - Đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai là nỗ lực rất lớn của các nhà biên soạn chương trình lịch sử.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp