Trước mặt đền thờ ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường ở chợ Cao Lãnh, Đồng Tháp - Ảnh: Q.T. |
Tên ông gắn liền với tên gọi TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh của Đồng Tháp ngày nay.
Ngày 17-3, điêu khắc gia Lâm Quang Nới đã chở hai pho phác thảo tượng ông bà Đỗ Công Tường xuống đền thờ ông bà ở chợ Cao Lãnh để nhận góp ý chỉnh sửa.
Đây là hai pho tượng đồng, dự kiến cao 1,8m, được làm để đặt trong điện thờ ông bà Đỗ Công Tường.
Sau ông Quách Đàm (1863 - 1927), người góp tiền xây chợ Bình Tây (Sài Gòn) được tạc tượng, thì ông bà Đỗ Công Tường được xem là chủ chợ thứ hai được tạc tượng.
Vậy ông bà Đỗ Công Tường là ai, vì sao một chủ chợ lại được dân lập đền thờ? Đó là một câu chuyện thú vị về vùng đất Cao Lãnh.
Vợ chồng chủ chợ biết nghĩ thương dân
Theo tài liệu của ban quản lý đền, ông bà Đỗ Công Tường gốc miền Trung, theo những người lưu dân vào vùng đất Đồng Tháp ngày nay để khai hoang, lập nghiệp.
Vì là người nhân từ, tính tình cương trực nên ông được phong giữ chức câu đương - một hàm quan nhỏ thời vua Gia Long (1762 - 1820) để phụ trách phân xử những vụ kiện tụng nhỏ trong vùng.
Chỗ vườn quýt nhà ông rộng rãi, thông thoáng mà tấm lòng ông bà cũng rộng mở nên người dân lân cận dần dần tụ họp về đây để họp chợ mỗi lúc mỗi đông. Vì tên thường gọi của ông là Lãnh, giữ chức câu đương nên người dân lấy tên ông đặt tên chợ là chợ Câu Lãnh.
Từ năm 1816 - 1826 xảy ra đại dịch tả càn quét khắp châu Á. Năm 1820 dịch vào VN qua ngả cửa biển Hà Tiên.
Theo thống kê của triều Nguyễn, đại dịch cướp đi 206.835 mạng sống. Khi đại dịch tràn đến nơi ở, xóm làng ngày đêm rền rĩ tiếng mõ báo hết lượt người này đến lớp người khác chết, vợ chồng ông bà hết sức đau xót.
Một đường tìm thầy thuốc để cứu dân, mặt khác ông bà còn tắm gội sạch sẽ, trước hương đàn khấn vái Trời Phật rằng hãy phù độ cho dân chúng tai qua nạn khỏi, dẫu được chết thay thì ông bà cũng cam lòng.
Nào ngờ bà rồi đến ông cùng lần lượt mắc bệnh qua đời. Không lâu sau bệnh dịch hết. Dân làng tin rằng Trời Phật đã chứng nghiệm cho lời khấn của ông bà nên lập miếu thờ cúng.
Tên gọi chợ Câu Lãnh lâu ngày đọc trại thành Cao Lãnh, trở thành tên gọi của thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh ngày nay.
Ông Phạm Văn Thuận - trưởng ban quản lý đền thờ ông bà Đỗ Công Tường - bên mẫu tượng phác thảo - Ảnh: Q.T. |
Dân Cao Lãnh góp tiền đúc tượng thờ người nhân từ
Năm 2012, công trình xây mới đền thờ ông bà chủ chợ Câu Lãnh khởi công và năm 2014 hoàn thành.
Ông Nguyễn Đắc Hiền - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp - cho biết kinh phí xây đền (12 tỉ đồng) đều là tiền của bà con đóng góp.
Mỗi năm vào ngày lễ giỗ ông bà mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 âm lịch, cùng với những ngày lễ giỗ khác trong năm, ban quản lý thu được 300 - 500 triệu đồng, không kể gạo và những nhu yếu phẩm khác.
Hai pho tượng đồng cao 1,8m giá 500 triệu đồng cũng được làm từ tiền đóng góp của người dân. Vì đây là việc liên quan đến nhiều người nên ông Phạm Văn Thuận - trưởng ban quản lý đền - cho biết:
“Trước tết chúng tôi đã phát 1.000 phiếu thăm dò, cộng với 110 phiếu khác phát cho bà con tiểu thương, buôn bán lẻ ở chợ Cao Lãnh. Kết quả chỉ có hai phiếu từ chối, còn lại các phiếu đều đồng ý việc này”.
Về pho tượng của ông bà chủ chợ, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cũng nhận được những lời góp ý như ông Đỗ Công Tường là người hiền, nên mắt và lông mày không cần xếch lên như bậc võ tướng.
Ông mất ở độ tuổi 40 là độ tuổi đàn ông đã có râu, còn bà thì tóc nên cài trâm. Áo hàng năm nút, khăn đội đầu quấn năm nếp tượng trưng cho nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người xưa. Hay vì ông bà là vợ chồng nên vẻ mặt nên hao hao giống nhau...
Ông Nguyễn Đắc Hiền nói: “Vì ông bà mất không để lại di ảnh nên cũng không chấp nhứt gì đâu. Nhưng như tôi đã góp ý là gương mặt ông bà phải thể hiện được đức tính hiền lành, đức hạnh.
Ông bà tuy không có công trạng gì to lớn nhưng có lòng thương dân, lập tràng lễ tế vì dân nên dân Đồng Tháp từ thời ông bà dài dài cho đến giờ tin lắm. Có gì trái ý nhau, hoặc muốn cầu xin điều gì thì họ ra đền thờ ông bà mà thề, mà xin...!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận