Căn nhà của ông Bùi Văn Sắc, ấp Cầu Muống đã bị sóng biển đánh sập, gia đình ông phải dời nhà đi chỗ khác - Ảnh: Thanh Tú
Nhiều hộ vẫn chưa có chỗ di dời nên đành phải bám víu, sống tạm bợ trong những căn nhà sơ sài, chấp vá... mà sóng biển có thể đánh trôi bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Phận, 87 tuổi, ngụ ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, cho biết mấy năm trước biển ở tuốt ngoài kia. Do bị sóng biển xâm thực, gia đình bà gần chục nhân khẩu phải dời nhà đi chỗ khác. Riêng bà vì không có chỗ di dời nên ráng bám trụ ngày nào hay ngày nấy.
Trong một diễn biến khác, các hộ dân sinh sống gần đê biển Gò Công (từ Tân Thành đi Vàm Láng) luôn nom nóp lo sợ khi sóng biển có thể đánh sập đê bất cứ lúc nào do đai rừng phòng hộ đã bị xâm thực sát chân đê.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Tiền Giang, cho biết từ đầu năm 2018, ngành chức năng của tỉnh phải khẩn cấp xây dựng khoảng 300m đê biển ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông vì đai rừng phòng hộ đã bị sóng biển đánh sập.
Còn theo ghi nhận năm 2017, tuyến đê biển từ Tân Thành đi Vàm Láng đã bị sóng biển xâm thực mất thêm 3,3ha.
Một đoạn rừng phòng hộ đê biển Gò Công bị sóng biển đánh sập phải thi công đê bằng bê tông khẩn cấp - Ảnh: Thanh Tú
"Cứ tính 100m đê hiện nay là 4 tỉ đồng thì nếu hoàn thành hết 20 km của toàn tuyến thì sẽ thấy số tiền sẽ rất lớn" - ông Pháp cho biết
Cũng theo ông Pháp, năm 2006 diện tích rừng phòng hộ của huyện Gò Công Đông là 1.073ha thì nay chỉ còn 499ha. Riêng các vị trí xung yếu từ Tân Thành đến Vàm Láng thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền,Tăng Hòa ...có nguy cơ mất trắng.
Nhiều đai rừng phòng hộ dài khoảng 20km ở các xã này đã mất sạch nên phải xây đê bằng bê tông kiên cố để bảo vệ hàng ngàn hecta đất nông nghiệp vùng ngọt hóa Gò Công, một dự án thủy lợi có hiệu quả bậc nhất ở ĐBSCL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận