15/09/2022 09:50 GMT+7

Dấn thân của thanh xuân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Một Sài Gòn rất khác, một thời tuổi trẻ rất khác, một thanh xuân rực rỡ trong máu lửa...

Dấn thân của thanh xuân - Ảnh 1.

Sách có nhiều hình tư liệu của phong trào sinh viên - học sinh Sài Gòn. Trong ảnh: Sinh viên - học sinh công kênh Huỳnh Tấn Mẫm vừa trúng cử chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn - cuộc bầu cử được tổ chức trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn vào ngày 15-10-1970 - Ảnh: P.VŨ chụp lại

Ấy là những gì được tái hiện trong cuốn sách ra mắt ngày hôm nay - Chúng ta đòi hòa bình, do Ban liên lạc phong trào thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định trước 1975 thực hiện.

Không khái quát và bài bản theo từng giai đoạn lịch sử như bộ sách Chúng ta đã đứng dậy mà Thành Đoàn TP.HCM từng thực hiện, Chúng ta đòi hòa bình chọn Huỳnh Tấn Mẫm, thủ lĩnh nổi bật nhất của giới sinh viên giai đoạn 1969-1975, làm trung tâm để làm sống dậy trước bạn đọc một giới trẻ miền Nam vì yêu đời yêu người, vì khát khao tri thức nên phải xuống đường tổ chức những cuộc biểu tình, phải đấu tranh từ ôn hòa đến bất bạo động.

"Một người có học không thể không xuống đường biểu tình đòi hòa bình", anh sinh viên y khoa Trương Thìn (tức nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - PV) đã trả lời trước cảnh sát như vậy, và đàn em của anh - Huỳnh Tấn Mẫm - đã cứ tự nhiên mà được những "người có học" ấy chọn làm thủ lĩnh.

Những ai vốn từng thắc mắc khó lý giải, đọc hết những hồi ức sẽ hiểu được vì sao một người luôn thân thiện, hiền hòa, nhỏ nhẹ, từ tốn như bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm lại có thể từng là thủ lĩnh dẫn đầu hàng vạn sinh viên đi giữa những rừng kẽm gai, ma trắc, phi tiễn, lựu đạn cay, vòi rồng; mấy lượt bị bắt, bị tra tấn, bị mua chuộc nhưng khi trở về vẫn nguyên vẹn một gương mặt thư sinh... lại có thể được sự ủng hộ mọi hướng từ tướng lĩnh, dân biểu, giáo sư đến bạn học, đồng bào, tôn giáo... 

Thì ra để lãnh đạo phong trào, Huỳnh Tấn Mẫm đã không hề dùng đến những diễn văn, khẩu hiệu, mà những bài diễn thuyết của chàng thủ lĩnh bốc lên ngọn lửa thật từ trái tim yêu nước, yêu mẹ, yêu thầy cô, bạn bè, các ba má phong trào.

Cậu bé Mẫm - vốn có cái tên đầu tiên là Thật - của làng Tân Sơn Nhì đã nuôi ngọn lửa ấy từ câu chuyện về cái chết uất ức của cha, của ông nội, từ những ngày chăn bò trên ruộng, từ hình ảnh mẹ cầm ngọn đuốc giữa đường vắng chờ con đi học về mỗi đêm, từ những dạy bảo chăm chút đầy hy vọng của ông thầy giáo làng. 

Ngọn lửa mỗi lúc mỗi nóng thêm, sâu thêm khi cùng với từng năm lớn lên, Huỳnh Tấn Mẫm nhìn thấy quê hương mình bị giày xéo, bạn bè mình phải đi lính, phải chết trận, những kỳ thi khắc nghiệt cốt để gạt sinh viên vào quân trường, những ước mơ phải dang dở, những cuộc đời bị cắt đứt.

Từng đợt "chống quân sự hóa học đường" mà Huỳnh Tấn Mẫm tổ chức trên cương vị chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn bắt nguồn từ khát khao rất thật về hòa bình cho đất nước, cho mọi người, khát khao rất thật tri thức cho bạn bè và cho mình như thế. Và từng bước, từng bước, anh cùng bạn bè mình bước đi, bình thản trước bạo lực bao phủ và âm mưu vây quanh. 

Trái tim sắt son với hòa bình, bước đi không chần chừ tính toán dù trên đường là chông gai hay vực thẳm, Huỳnh Tấn Mẫm đã chiếm trọn được niềm tin của những người xung quanh mình và cả tổ chức khi ấy vẫn trong vòng bí mật. Hàng vạn người trẻ đã cùng trải nghiệm thanh xuân dấn thân bên ngoài giảng đường, ngoài sách vở, cùng hát cùng hô, cùng nếm lựu đạn cay, chịu đựng đòn ma trắc, cùng vào tù ra khám...

Một giới trẻ Sài Gòn đã chọn cho mình thanh xuân như thế, bên cạnh những hoa lệ đô thành. Hôm nay, họ đã là những ông - bà với độ tuổi trên 70, nhưng lạ thay trái tim lại vẫn nóng như tuổi 20 ngày ấy.

Mỗi ngày chúng ta vẫn gặp họ trong rất nhiều những hoạt động, sinh hoạt của thành phố, từ khoa học, lịch sử đến văn hóa, văn nghệ, và đến cả những cuộc thảo luận tìm giải pháp cho những vấn nạn của phát triển kinh tế. Trái tim vẫn nóng bỏng, niềm tin vẫn sắt son, bước chân vẫn chưa chồn, vẫn dấn thân như thanh xuân ngày ấy.

"Hãy sống hết mình, sống cuộc đời đáng sống", các cô chú chọn lời nhắn nhủ thật giản dị đến lớp trẻ đi sau như vậy ở cuối cuốn sách và khẳng định: "Mọi so sánh đều khập khiễng. Chúng tôi vẫn thường nhắc nhau lời của tiền nhân: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có". Hòa bình nay đã có rồi, nhưng cuộc đời vẫn rất cần những dấn thân của thanh xuân.

"Hát cho đồng bào tôi nghe" tại Đường sách TP.HCM

Sáng nay (15-9), đến với Đường sách TP.HCM, độc giả sẽ được gặp những người già mà vẫn rất thanh xuân ấy khi tham dự chương trình giao lưu và ra mắt sách Chúng ta đòi hòa bình.

Rất nhiều cựu thanh niên, sinh viên, học sinh phong trào trước 1975 từ các nơi sẽ tụ về tổ chức họp mặt thân hữu và giao lưu văn nghệ tái hiện các hoạt động "Hát cho đồng bào tôi nghe", "Nuôi con khôn mai này giữ nước". Chương trình ra mắt sách Chúng ta đòi hòa bình sẽ tổ chức để độc giả giao lưu với các tác giả - cũng chính là những người trong cuộc và nhân chứng lịch sử.

Chương trình do Ban liên lạc phong trào thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định trước 1975, Đường sách TP.HCM và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.

'Sài Gòn COVID-19 - 2021' tràn ngập yêu thương của Trần Thế Phong

TTO - Tác giả quen thuộc, phóng viên ảnh tự do Trần Thế Phong vừa có tác phẩm mới: 'Sài Gòn COVID-19 (2021)', một lần nữa kể lại nhiều câu chuyện của TP.HCM trong trận đại dịch năm qua bằng nhiều góc nhìn ấn tượng.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp