29/09/2013 10:50 GMT+7

Dân tay ngang viết phần mềm "made in Rạch Gốc"

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Dù không qua trường lớp, một người sống ở miệt Rạch Gốc (Cà Mau) đã mày mò viết thành công phần mềm quản lý được Sở Khoa học và công nghệ chọn ứng dụng cho các bệnh viện trong tỉnh.

ytGvcxJv.jpgPhóng to
Anh Huỳnh Ngọc Tiển hướng dẫn nhân viên Phòng khám đa khoa tư nhân Hồng Đức sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện - Ảnh: Tấn Thái

Đó là anh Huỳnh Ngọc Tiển (48 tuổi) - ở Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - đã viết được phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (Hossoft). Hiện phần mềm của anh Tiển “đánh bại” nhiều phần mềm khác và được nhiều bệnh viện công lẫn tư tin tưởng dùng...

Tự học

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Tiển vào một ngày tháng 9-2013. Gặp chúng tôi, anh Tiển phấn khởi cho biết vừa mới chuyển giao phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện cho Phòng khám đa khoa tư nhân Hồng Đức (nằm trên địa bàn TP Cà Mau). Tính đến nay đã có hai phòng khám tư và bảy bệnh viện công sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện của anh, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau - bệnh viện lớn nhất của tỉnh. Anh Tiển cho biết để phần mềm quản lý bệnh viện được sử dụng rộng rãi như hiện nay, anh đã trải qua thời gian dài “ăn ngủ” với máy tính.

Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Tiển học chưa hết lớp 10 thì nghỉ giữa chừng. Sau đó, anh lập gia đình và nghề mưu sinh chính là bán hàng bông ở các chợ. Sau một thời gian sống nghiệp thương hồ, anh Tiển “trôi” về tận xứ Rạch Gốc (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), một trong những xứ tận cùng của Tổ quốc, với nghề mới là sạc bình ăcquy, sửa điện cơ.

Vào những năm 2000, xứ Rạch Gốc cư dân còn thưa thớt, điện đường chưa có nên người dân chưa biết đến tin học. “Tôi cũng vậy, những lúc xem truyền hình nghe nói tin học, máy tính vậy thôi chứ chưa một lần đụng đến bàn phím hay con chuột. Một lần tôi lên TP Cà Mau thấy bảng thông báo chiêu sinh tin học. Nghe nói cái này hay nên tôi ra các tiệm sách mua về đọc xem “cái tin học” nó như thế nào”- anh Tiển kể.

Càng xem “cái tin học” anh càng mê. Tuy nhiên, đọc sách chỉ là lý thuyết suông nên anh Tiển giấu vợ, lấy hết tiền trong nhà đi mua dàn máy vi tính về để thực hành. Khi nghe anh “rinh” dàn máy vi tính về quê thì người dân trong vùng nói anh... “nổ”. Còn vợ anh than: “Tiền không có mà ông mua máy vi tính về để chơi”. Do nhà làm nghề sạc bình ăcquy nên tranh thủ những lúc sạc bình cho khách, anh thực hành trên máy tính. Mới đầu chỉ việc khởi động máy và tắt máy, đóng mở tập tin... thôi anh cũng phải vọc cả tuần mới thuần thục. Học từ cái đơn giản nhất đến cái khó, dần dần đã tự nâng cấp từ Word, Excel đến Access...

Phần mềm “made in Rạch Gốc”

Tự học một thời gian, cuối cùng anh cũng có đất dụng võ. Anh Tiển nói: “Trong những lần uống cà phê, anh Dũng (Nguyễn Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Hiển - PV) than bệnh viện mới thành lập, nhân sự ít, nhiều công việc quản lý bằng thủ công nên gặp nhiều khó khăn. Ảnh nói có mướn một công ty về viết phần mềm quản lý bệnh viện nhưng họ nói chỉ viết phần mềm quản lý từng bộ phận cụ thể như dược riêng, khám chữa bệnh riêng, bảo hiểm y tế riêng... Nhưng anh Dũng muốn phần mềm quản lý được tổng thể bệnh viện để dễ quản lý. Trước yêu cầu như vậy công ty đó “vọt” luôn. Nghe tâm sự vậy, tôi hứa sẽ viết một phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện cho anh Dũng”. Anh Tiển thừa nhận vì “đã lỡ hứa” nên phải giữ lời chứ khi bắt tay vào làm anh không chắc sẽ thành công.

Dù làm không công nhưng anh Tiển suốt ngày đóng quân tại bệnh viện để xem quy trình khám bệnh của bệnh viện như thế nào: tiếp nhận bệnh nhân ra sao, cấp phát thuốc, quản lý thuốc men, thu viện phí... Ròng rã suốt một năm rưỡi, từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, anh Tiển mới viết xong phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện gọi là Hossoft, phiên bản 1.0 và tiến hành chạy thử tại Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Hiển. Dù là “hàng miễn phí” nhưng chất lượng cao. Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Phần mềm của anh Tiển viết đã đáp ứng được mong đợi của tôi, nó đã đơn giản hóa rất nhiều khâu, nhất là khâu khám bệnh, cấp phát thuốc. Nếu như trước đây khâu này cần mười người thì nay chỉ cần bảy người nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Ngoài ra giúp cho việc giám sát, lưu trữ của bệnh viện rõ ràng, chính xác”.

Thấy phần mềm chạy thử thành công, anh Tiển thở phào: “Vì cái này mà tôi rất nhiều đêm thức trắng. Nhiều lúc thiết lập thông tin dữ liệu rồi và viết nhưng gõ câu lệnh lại không hiển thị kết quả. Những lúc như vậy nếu không xử lý xong thì tôi ngủ không được. Tánh tôi như vậy, nếu đã làm cái gì mà gặp trở ngại vẫn không nản lòng, phải làm đến cùng, khi nào xong mới thôi”. Sau khi phần mềm Hossoft phiên bản 1.0 thành công bước đầu, anh Tiển tiến hành nâng cấp Hossoft lên phiên bản 2.0 và triển khai tại bệnh viện có quy mô lớn hơn là Bệnh viện đa khoa huyện Thới Bình vào cuối năm 2008 và cũng được đánh giá cao.

Trong quá trình viết phần mềm, anh Tiển không ngừng hoàn thiện, khắc phục các nhược điểm để ngày càng nâng cao hiệu quả sử dụng. Khi phần mềm Hossoft nâng cao thành phiên bản 3.0, anh Tiển đưa đi dự thi Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 2010 (do Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Cà Mau tổ chức). Tại cuộc thi này, phần mềm Hossoft “made in Rạch Gốc” của anh Tiển đã rinh giải nhất.

Trường hợp đặc biệt

Trước những hiệu quả của phần mềm Hossoft, tháng 5-2011 UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Khoa học và công nghệ tiến hành đàm phán mua phần mềm quản lý bệnh viện Hossoft phiên bản 3.0 cho sáu bệnh viện trên địa bàn tỉnh sử dụng. Tổng số tiền mua quyền sử dụng phần mềm Hossoft phiên bản 3.0 của anh Tiển lên đến 850 triệu đồng. Khi được các bệnh viện mua quyền sử dụng, anh Tiển chuyển lên TP Cà Mau định cư nhằm tiện lợi cho việc tập huấn chuyển giao cho các nhân viên bệnh viện sử dụng. Anh Tiển cũng tiến hành thành lập công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện, anh vừa làm giám đốc cũng vừa là nhân viên.

Câu chuyện một người không qua trường lớp sống tận xứ Rạch Gốc viết phần mềm bán được bộn tiền khiến nhiều người nghi ngờ. Ông Trần Quốc Chính - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau - nói: “Ban đầu nghe nói anh Tiển viết phần mềm quản lý bệnh viện tôi cũng có hoài nghi. Vì trong giới được đào tạo bài bản nhiều khi viết phần mềm nhưng sử dụng không được. Trong khi đó, anh Tiển không qua đào tạo bài bản và sống tận Rạch Gốc nhưng lại viết phần mềm khá quy mô quản lý bệnh viện nên tôi thấy đặc biệt”.

Cũng theo ông Chính, trước khi Sở Khoa học và công nghệ tiến hành mua phần mềm cho các bệnh viện sử dụng, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau có thẩm định. “Phần mềm do anh Tiển viết đã đáp ứng được những tiêu chí là sử dụng dễ dàng, tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu quản lý, độ chính xác cao. Đặc biệt ưu điểm quan trọng nhất là phần mềm viết theo dạng mở nên trong yêu cầu quản lý cần thay đổi thì phần mềm có thể bổ sung thay đổi theo. Hoặc trong quá trình sử dụng có những vấn đề đặt ra mà phần mềm chưa xử lý được thì có thể nâng cấp bổ sung, nên sở tiến cử phần mềm quản lý của anh Tiển” - ông Chính nói.

Ông Huỳnh Quốc Việt - giám đốc Sở Y tế Cà Mau - cho biết trước khi đưa phần mềm Hossoft sử dụng chính thức tại sáu bệnh viện thì trước đó Hossoft đã được “thử thách” một thời gian khá dài, thử nghiệm từ bệnh viện quy mô nhỏ đến quy mô lớn. “Qua sử dụng, các bệnh viện đánh giá cao như rút ngắn được thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm nhân lực cho các bệnh viện. Đặc biệt phần mềm này giúp quản lý tốt nhiều khâu bảo hiểm y tế, dược, tài chính bệnh viện... Trước đây, các bệnh viện trên địa bàn sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, có những phần mềm của các công ty dược biếu không cho các bệnh viện. Tuy nhiên, các phần mềm trước đó chỉ quản lý riêng lẻ, trong khi phần mềm Hossoft quản lý được gần như toàn thể hoạt động của bệnh viện. Dựa trên phần mềm này, lãnh đạo bệnh viện có thể kiểm tra, giám sát được nhiều hoạt động của bệnh viện, do đó hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. Hiện nay phần mềm anh Tiển viết đánh bại nhiều phần mềm khác, không chỉ bệnh viện công mà bệnh viện tư nhân cũng sử dụng”, ông Việt nói.

Hossoft từng bị gọi là phần mềm “hốt xác”

Anh Tiển kể với chúng tôi, có một chuyện mà anh không thể nào quên với Hossoft. Đó là khi phần mềm Hossoft phiên bản 1.0 được Bệnh viện Ngọc Hiển sử dụng hiệu quả, anh có làm CD gửi cho các giám đốc bệnh viện trên địa bàn nhằm giới thiệu họ sử dụng nhưng không thấy ai hồi âm. “Sau này gặp lại, tôi có hỏi các anh có xem CD tôi gửi không thì các anh cho biết có nhận được nhưng thấy “made in Rạch Gốc” thì... cho vào tủ. Vì chuyện viết phần mềm quản lý bệnh viện phải “made in TP.HCM” may ra mới xem” - anh Tiển kể.

Thêm nữa, trong thời gian đầu khi chuyển giao Hossoft cho các nhân viên bệnh viện sử dụng (đa số học thức cao) thì bị nghi ngờ. Vì phần mềm đang sử dụng do các chuyên gia viết chắc ăn hơn anh nông dân tận xứ Rạch Gốc. Nhiều nhân viên bệnh viện đã đổi tên phần mềm Hossoft thành... “hốt xác”.

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp