Làm sao để nguồn nhân lực dồi dào thành sức bật kinh tế? Làm sao để lượng thành chất? Làm sao để những thách thức biến thành cơ hội?...
Nhân dịp Quốc khánh lần thứ 78, Tuổi Trẻ đã tổ chức cuộc thảo luận giữa một số chuyên gia và nhà quản lý về những câu hỏi ấy để cùng tìm kiếm những giải pháp, những đóng góp cho tương lai của Việt Nam.
G20 - Bao giờ và Làm thế nào?
* TS PHẠM VĂN ĐẠI đến từ ĐH Fulbright Việt Nam đã mở đầu cuộc thảo luận bằng một câu hỏi mang đầy kỳ vọng: "Việt Nam đã nằm trong G20 của thế giới về dân số và chắc chắn sẽ còn tiếp tục ở trong danh sách này một thời gian dài nữa, vậy bao giờ chúng ta sẽ vươn đến G20 về kinh tế?".
Và TS Đại phân tích: Cơ hội trở thành một thành viên G20 của Việt Nam là khá rõ ràng trong 10-20 năm tới - giai đoạn 2040 nếu chúng ta vẫn duy trì được quy mô dân số và mức tăng trưởng, cải cách tốt như hiện nay, tức trên 6%/năm.
Một nghiên cứu của ĐH Harvard đã chỉ ra rằng: để trở thành một nước thu nhập cao thì phải thỏa mãn hai điều kiện: duy trì được tỉ lệ công nghiệp cao trong GDP và duy trì được năng suất lao động cao.
Những năm gần đây, Việt Nam thuộc nhóm số ít các quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp dương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khác.
Hiện nay chúng ta không chỉ phải cạnh tranh với các quốc gia phát triển, kém phát triển hơn để giành được hợp đồng sản xuất - việc làm mà còn phải cạnh tranh với lực lượng hùng hậu của robot, AI vốn có những lợi thế không thể phủ nhận như ngày càng thông minh, ngày càng rẻ, ngày càng đơn giản trong lập trình.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Con đường của chúng ta là tìm cơ hội trong thách thức. Hiện nay, các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam ký thường đi kèm các điều kiện kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Để có được đơn hàng, tham gia chuỗi lao động toàn cầu, chúng ta phải tra soát để đảm bảo những yêu cầu này. Đây là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc các cơ sở lao động, đào tạo người lao động chuyên môn cao, tuân thủ các tiêu chuẩn cao để lấy được đơn hàng, nâng chất lượng lao động.
Các ngành dệt may, da giày của Việt Nam hiện đã đáp ứng được những tiêu chuẩn này, và các ngành khác cũng cần phải tái cấu trúc để được như vậy.
Khi đó, đơn hàng không dễ mất, người lao động không dễ bị sa thải. Tuân thủ cuộc chơi thì chúng ta vẫn có nhiều lợi thế như lực lượng dồi dào lao động trẻ, dễ tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới…
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
100 triệu dân là lực lượng lao động và tiêu thụ đủ để nuôi sống nền kinh tế, và bây giờ là lúc dùng lợi thế của lượng để thay đổi chất. Không thể chỉ dừng ở các nhà máy lắp ráp công nghệ cao, đã đến lúc cần dành nguồn lực cho những phòng thí nghiệm, nghiên cứu cơ bản về công nghệ.
Độ mở của nền kinh tế cũng cần suy nghĩ. Hiện các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) rất mạnh, tận dụng rất tốt lực lượng lao động của chúng ta trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng 10-15 năm nữa, khi họ rút đi và thời kỳ dân số vàng đã qua thì sao?
Đấy là lý do chúng ta nhất định phải xây dựng nền tảng công nghệ cao trên chính các doanh nghiệp Việt Nam, duy trì và phát triển các ngành công nghiệp của chính Việt Nam, ví dụ ngành ô tô.
Đào tạo lao động nhiều ngành nghề, kỹ thuật, kỹ năng cao là tâm điểm các giải pháp. Không để trường hợp dây chuyền sản xuất hiện đại đã có nhưng không tuyển được lao động đủ kiến thức, kỹ năng.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Đúng vậy, khi máy móc phát triển, doanh nghiệp và người lao động cần phải nâng cấp phân khúc kỹ năng sản xuất, nghề nghiệp của mình lên, như trước đây may gia công thì giờ phải đi vào thiết kế, marketing…
Điều rất đáng tiếc trong 30 năm qua là các doanh nghiệp Việt chưa giành được thị phần công nghiệp phụ trợ mà đáng ra phải chuẩn bị trước khi phát triển FDI đến tỉ trọng cao.
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
Doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu thuộc hai dạng: một là doanh nghiệp rất lớn của khu vực FDI, hai là các doanh nghiệp nhỏ li ti trong nền kinh tế. Chúng ta đang thiếu lực lượng doanh nghiệp bậc trung có khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ từ FDI và từ đó phát triển.
Lực lượng lao động hùng hậu hiện đủ để cho Việt Nam sức mạnh thương lượng, yêu cầu các dự án FDI đầu tư chất lượng cao, đi kèm điều kiện chuyển giao công nghệ để bảo vệ và phát triển khu vực sản xuất trong nước.
Ngoài thế mạnh dân số, chúng ta còn thế mạnh về địa chính trị, lợi thế về giao thông, chi phí logistics trong kết nối với các vùng sản xuất khác của khu vực. Hiểu sức mạnh đang có, Việt Nam sẽ lựa chọn và thu hút được các FDI tầm cao hơn và hợp tác đôi bên cùng có lợi hơn.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Tôi đồng ý. Lúc này chúng ta càng phải thu hút đầu tư có chọn lọc, có mối tương quan với các doanh nghiệp trong nước để có thể chuyển giao công nghệ, tiếp quản chuỗi sản xuất khi họ rút đi. Về mặt nhân lực: phải đào tạo theo chiến lược phát triển dài hạn, chuẩn bị nhân lực cho các chuỗi sản xuất giá trị cao của toàn cầu.
Ví dụ hiện Việt Nam có rất ít trường đại học đào tạo ngành kỹ năng cao liên quan đến dệt may, là ngành mà Việt Nam có thế mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cùng với đó, thu hút FDI cần nằm trong chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia, không để các tỉnh tự cạnh tranh lẫn nhau trong mời gọi đầu tư, dẫn đến mất lợi thế. Nhất quán trên một lộ trình hướng đến hình ảnh đất nước mấy mươi năm tới, đi có thể chậm nhưng chắc chắn sẽ đến đích.
Xuất khẩu lao động
* Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG:
Đúng là trong Đại hội Đoàn năm rồi có người đặt ra vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nhưng chủ trương vẫn là chọn lọc để giải quyết việc làm, tìm hướng đi có lợi lâu dài cho người lao động.
Chính sách luôn là vậy nhưng thực tiễn có những đơn vị không tuân thủ, đưa người đi xuất khẩu lao động rồi gây ra những sự việc xấu xí, gây ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt và chính sách quốc gia.
Chúng ta rất cần những người làm chính sách chuyên nghiệp, có tính dự báo cao để theo kịp sự diễn tiến muôn màu của cuộc sống.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Câu chuyện của xuất khẩu lao động là câu chuyện con người, rất cần thiết phải có chiến lược định hướng, chủ trương tính toán cẩn thận.
Công nhân là nhân lực quý của đất nước, thực hiện xuất khẩu lao động phải lựa chọn những nước có công nghệ cao, các doanh nghiệp có công nghệ cao, tiêu chuẩn lao động quốc tế để đưa người đi, vừa cải thiện thu nhập vừa học hỏi được kỹ năng, kiến thức, văn hóa, công nghệ.
Không nên kéo dài tình trạng tự phát tràn lan, tuyển người đi làm những công việc khó khăn, phải chịu đựng ô nhiễm, nguy hiểm nhưng lại không học được gì thêm như những năm qua.
Bài toán nhân lực & Tinh thần kiến tạo quốc gia
* Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG:
Bài toán nguồn nhân lực của chúng ta đang thay đổi. Trước đây lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là lao động giá rẻ, số lượng đông đảo, tới đây với sự phát triển công nghệ, lợi thế của chúng ta sẽ là gì?
Thành Đoàn TP.HCM đã thực hiện nhiều khảo sát trên thanh niên và nhận thấy chúng ta đang có sự lãng phí lao động rất lớn. Lực lượng lao động vẫn đông nhưng không mạnh vì các bạn đi làm trái ngành nghề được đào tạo rất nhiều, thậm chí nhiều bạn học đại học xong lại chọn đi chạy xe công nghệ.
Nguyên nhân có thể do học không đúng ngành yêu thích, hoặc học đúng ngành nhưng lại không đủ kỹ năng cho công việc. Có lẽ số này cũng nằm trong 70% lao động không được đào tạo như thống kê.
Điều này đặt ra yêu cầu ngay từ khâu đầu tiên của đào tạo lao động là phân luồng và hướng nghiệp. Chuyên nghiệp hóa được khâu đầu tiên này, định hướng đúng thì giá trị của người lao động sẽ tăng lên rất nhiều.
Về lý thuyết, để kinh tế khấm khá, công nghiệp phải chiếm tỉ trọng cao trong GDP nhưng Việt Nam vẫn có ưu thế của một nước nông nghiệp. Không thể bỏ quên mảng lợi thế này, nhất là khi nó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực ở một nước có dân số lớn. Công nghệ hóa nông nghiệp vẫn là xu hướng rất cần khuyến khích đầu tư.
Ngoài sản xuất, dịch vụ cũng là lĩnh vực thế mạnh, và lao động trong ngành dịch vụ càng cần được đào tạo chuyên nghiệp và hoàn toàn có thể làm giàu từ lực lượng này.
Tóm lại, thay cho lao động giá rẻ, chúng ta phải xác định lợi thế sắp tới của Việt Nam là lao động chất lượng.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Tôi rất đồng ý. Chúng ta phải trở lại làm đúng tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tức là phải làm chủ được công nghệ.
Thứ hai là phải chuyên nghiệp hóa. Người Việt có lợi thế khả năng thích ứng tốt, dẫn đến cái gì cũng làm được, cuối cùng không có chuyên nghiệp.
Về chính sách cũng phải chuyên nghiệp, tư duy theo chuỗi để giúp chuyên nghiệp hóa các khâu từ sản xuất đến thị trường, đưa đến hiệu quả tốt nhất.
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
Thay cho tư duy sử dụng lực lượng lao động đông đảo để làm thuê thì bây giờ chúng ta phải xây dựng tư duy làm chủ.
Khi người sử dụng lao động là người Việt thì giá trị lao động của người Việt mới tăng lên tương xứng với khu vực được, vì thật sự kể cả trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), tiền lương của người Việt Nam đang bị đánh giá thấp so với chất lượng lao động.
Một quốc gia làm chủ công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp thì mới thịnh vượng được. Và chúng ta phải nhanh lên để đuổi kịp và vượt lên tốc độ già hóa dân số của chính mình.
Rút ra bài học từ sự phát triển của Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam càng nên tự tin. Chỉ ba thập niên trước thôi, chuyện sản xuất con chip với họ vẫn là một chuyện viễn tưởng, nhưng nay họ đã có những nhà máy chip lớn nhất thế giới. Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể làm được.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Để khơi dậy được tinh thần nghĩ lớn - làm lớn, chúng ta nên xác định lại với xã hội, nhất là với giới trẻ, mục đích của sáng tạo là gia tăng giá trị lao động, mục đích của khởi nghiệp là tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp không phải mục đích duy nhất mà sự thịnh vượng của quốc gia mới là mục đích cuối cùng. Tinh thần kiến tạo quốc gia nghe có vẻ to tát và lý thuyết nhưng là điều cần thiết phải khơi dậy và sẽ là điểm quy tụ người Việt - trong nước cũng như hải ngoại.
Lực lượng kiều bào của chúng ta rất đông và giàu tiềm lực cả về chất xám lẫn tài chính nhưng gần như chưa có sự kết nối về mặt quốc gia. Thống kê cho thấy lượng kiều hối gửi về nước rất cao nhưng vốn đầu tư lại rất thấp. Tinh thần kiến tạo quốc gia nếu khơi dậy được sẽ sửa chữa điều ấy.
* Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG:
So với các thế hệ trước, gen Y và gen Z - vốn chiếm gần 1/4 dân số - có sự khác biệt rất lớn. Các bạn bây giờ có nhiều điều kiện học tập, việc làm phúc lợi cao hơn, tính độc lập rất cao, sẵn sàng theo đuổi sở thích, đam mê, thế mạnh của mình, sẵn sàng chờ đợi để có công việc thật sự phù hợp, sẵn sàng làm việc trong thế giới phẳng, không ràng buộc bởi không gian, thời gian hay mối quan hệ.
Đây cũng là thế hệ lợi thế nhất trong công cuộc chuyển đổi số, công nghệ hóa, công nghiệp hóa quốc gia. Để giữ chân họ, nhất là những người thuộc lớp tinh hoa - nhân tài ở khu vực công hay rộng hơn - ở Việt Nam cần phải có những chính sách mạnh, đột phá về thu nhập, phúc lợi, cần công khai, minh bạch trong các vị trí việc làm. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần được định hướng đúng đắn.
Thành Đoàn chúng tôi đã xây dựng quỹ để đầu tư các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi thường chọn tôn vinh các doanh nghiệp hướng đến cộng đồng như một cách lan tỏa những giá trị xã hội, nhân văn đến các bạn trẻ thay cho lý thuyết.
Cũng như báo Tuổi Trẻ, Thành Đoàn luôn tìm những tấm gương bạn trẻ thành công trong những dự án khởi nghiệp vì cộng đồng để xây dựng thành biểu tượng cho giới trẻ, khơi dậy những ước mơ, khát vọng cống hiến cho xã hội, đất nước.
Việc hướng nghiệp cũng không thể theo lối mòn như trước đây mà cần tiếp cận sớm hơn, nên từ cấp II, để mỗi người có điều kiện nhận ra khả năng, thế mạnh của mình từ đó phát triển bản thân.
* TS SƠN THANH TÙNG:
Cốt lõi vẫn là ở giáo dục. Gen Y, gen Z tính độc lập và phản biện cao nên cần phải có những người hướng dẫn rất tâm lý và hiện đại để trang bị cho các em những giá trị sống nhân văn, những ước mơ lớn hơn cá nhân, những lựa chọn nghề nghiệp và công việc phục vụ được cộng đồng, xã hội. Tất nhiên, sau đó thì tiền sẽ đến.
Vấn đề có nên đào tạo theo thị trường hay không? Tôi cho rằng chính sách nên có những chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là đào tạo với số lượng giới hạn những ngành nghề thị trường cần để đáp ứng nhu cầu việc làm.
Dài hạn là xây dựng những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, xây dựng chiến lược đào tạo đồng bộ - chất lượng cao ở các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, hướng đến phát triển bền vững hơn.
Siêu đô thị và con người
* TS SƠN THANH TÙNG:
Mức sống của người dân nói chung càng lúc càng cao hơn, nhưng khoảng cách thu nhập giữa người giàu - người nghèo không giảm mà tăng lên.
Dân số tăng, với các vấn đề quá tải hạ tầng và dịch vụ cơ bản ở các siêu đô thị như TP.HCM và Hà Nội, phát triển đô thị vệ tinh là giải pháp tốt, nhưng phải đảm bảo được sự kết nối giao thông.
Cùng với đòi hỏi xây dựng hạ tầng và dịch vụ ở các đô thị vệ tinh, giao thông cũng thể hiện tính bình đẳng giữa các khu dân cư, giữa người giàu và người nghèo, không để vấn đề người nghèo ở những khu xa xôi, lụp xụp, xa giao thông, xa thị trường, xa trung tâm giáo dục, dịch vụ trở thành vấn nạn nghèo đa chiều sinh nhiều hệ lụy.
Đô thị, siêu đô thị tự nó có lực hút các nguồn lực: doanh nghiệp, trí thức, lao động kỹ năng cao… Tăng dân số đô thị đa phần là cơ học. Lượng người nhập cư nhiều và đóng góp nhiều cho kinh tế thành phố, tuy nhiên người lao động nhập cư vẫn gặp một số trở ngại từ chuyện hộ khẩu, thành kiến, tuyển dụng…
Các siêu đô thị như TP.HCM cần chú ý vấn đề này hơn để có chính sách bình đẳng cho người nhập cư, xứng đáng với đóng góp của họ.
* Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG:
Một thành phố càng thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao thì càng phát triển. Về phúc lợi xã hội, người TP.HCM hay người lao động nơi khác đến đều hưởng như nhau, vấn đề an sinh xã hội đã hiển hiện ra rất rõ trong mùa dịch năm qua.
Lớp người nhập cư trẻ di dân đến thành phố, và thế hệ sau của họ trở thành người thành phố mà các vấn đề y tế, giáo dục, giải trí… thành phố đều phải lo. Khi đủ điều kiện ổn định, họ mới gắn bó lâu dài, góp phần phát triển cho thành phố.
Chủ trương lãnh đạo và chính sách hiện rất quan tâm đến phát triển vùng, đảm bảo liên kết vùng để cùng thúc đẩy nhau phát triển. Khi giữa các vùng, các đô thị lớn nhỏ đều có điều kiện cơ sở phát triển, dân sẽ tự động giãn ra, giảm áp lực lên các siêu đô thị.
Các dịch vụ cốt lõi sẽ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, các ngành sản xuất sẽ được giãn sang các tỉnh, chọn lựa ngành nào, ở đâu thì tùy vào sự thuận tiện của hệ thống logistics.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Công nghệ phát triển đã khiến xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhiều, xu hướng di cư - định cư cũng bắt đầu xoay chuyển. Người ta có thể sống một nơi, làm việc một nơi chỉ với một chiếc máy tính nối mạng.
Các ngành tài chính, công nghệ, thiết kế rất có lợi thế với xu hướng này. Sau thời gian phát triển kinh tế trọng điểm tạo ra sự chênh lệch giữa các địa phương, hiện giờ hạ tầng các tỉnh thành đã tốt lên, xu hướng tỏa ra để có điều kiện sống tốt hơn đã xuất hiện.
Tôi đang hình dung ra viễn cảnh những người có chuyên môn cao, nghề nghiệp tốt, thu nhập cao lại rời khỏi thành phố, và siêu đô thị của chúng ta lại trở thành nơi tập trung của những người làm trong khối dịch vụ, trở nên thiếu người dẫn dắt, thiếu lực lượng tinh hoa.
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
TP.HCM nên học tập các siêu đô thị trên thế giới: áp dụng chính sách "đổi lồng cho chim", lần lượt đưa các ngành công nghiệp thâm dụng lao động việc làm có chất lượng thấp như dệt may, thủy sản, lắp ráp ra các địa phương khác, để dành quỹ đất cho những ngành công nghiệp, công nghệ tiên tiến hơn. Thực hiện được điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về quá tải đô thị.
100 triệu dân cùng trên đường phát triển
* TS SƠN THANH TÙNG:
Thời kỳ dân số vàng chỉ tối đa khoảng 50 năm, Việt Nam thiệt thòi hơn vì chúng ta vướng chiến tranh, rồi giai đoạn bao nhiêu năm loay hoay đóng cửa - mở cửa. Tận dụng thời kỳ dân số vàng để trở thành quốc gia phát triển không phải đơn giản nhưng là người đi sau, cơ hội của chúng ta có lẽ sẽ đến từ công nghệ.
Nói thì dễ, làm mới khó. 100 triệu dân là con số đẹp, nhưng về chất lượng dân số thì cần rất nhiều sự trăn trở của người xây dựng chính sách. Chiến lược phát triển cần đồng bộ và bình đẳng, công bằng, dẫu không thể tránh thì cũng không thể để quá nhiều người, nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau.
Như chúng ta vừa thảo luận nhiều về sự tham gia các chuỗi sản xuất toàn cầu, tôi xin nhắc đừng quên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ là sức sống của nền kinh tế, cũng cần được chính sách hỗ trợ công bằng để có cơ hội phát triển. Đây cũng là giải pháp để giảm bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo…
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
Đúng vậy, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để kết nối và sản xuất, cộng sinh với doanh nghiệp lớn, cùng với doanh nghiệp lớn, cùng nhau tạo ra hệ sinh thái, cùng nhau phát triển.
Ví dụ, thay vì giảm thuế, phí, hỗ trợ cho vay vốn, làm ra các chương trình kết nối để phát sinh đơn hàng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp vừa và nhỏ... Cần dựa trên lợi thế chủ nhà để tạo được việc làm, hợp đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có điều kiện sống, cải thiện năng suất, công nghệ, phát triển dần thành tầm trung rồi tầm lớn.
* PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC:
Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc phải kèm theo các điều kiện để thúc đẩy nguồn lực cho lao động nội địa.
* Chị PHAN THỊ THANH PHƯƠNG:
Và cũng đừng quên khu vực nông thôn. Nông nghiệp của chúng ta vẫn đang là ngành sử dụng lượng người lao động lớn, tạo tỉ trọng xuất khẩu lớn, và đóng vai trò tối quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực.
Nông nghiệp cũng là ngành thế mạnh nhưng lại đang cần nhiều sự đổi mới trong sản xuất, đầu tư công nghệ cao, xanh và sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
* TS PHẠM VĂN ĐẠI:
Tôi rất chia sẻ với chị Phương, chúng ta phải có lực lượng lao động chất lượng cao trong khu vực nông nghiệp, không chỉ là máy móc, thiết bị lao động mà còn là con giống, cây giống, phân bón, kiểm soát chất lượng…
Khu vực nông thôn đang rất thiếu. Lực lượng tư vấn cũng phải chuyên nghiệp chứ không phải là lời quảng cáo của người bán hàng.
Lao động trong nông nghiệp phải là chất lượng cao. Nông nghiệp chính là khu vực mà máy móc tự động hóa sẽ thay thế con người nhiều nhất chứ không phải là công nghiệp.
"Gen Y, gen Z là đối tượng chính trong các hoạt động của chúng tôi.
Thành Đoàn luôn cố gắng nghiên cứu và tham mưu các chính sách và đối sách trong đào tạo, hướng nghiệp phù hợp với khả năng nhạy bén và sự độc lập rất cao của các bạn, bồi dưỡng và xây dựng những tấm gương, biểu tượng thành công và cống hiến vì cộng đồng để định hướng lý tưởng sống của các bạn…
Các bạn chính là lực lượng sẽ nắm giữ hình ảnh và tương lai Việt Nam nên các bạn phải thành công".
Bí thư Thành Đoàn PHAN THỊ THANH PHƯƠNG
"Tôi mong rằng Việt Nam sẽ đi tới trên đường phát triển với tất cả 100 triệu người dân của mình một cách thật bình đẳng, công bằng, vì đó mới là con đường bền vững".
TS SƠN THANH TÙNG
"Thế giới của chúng ta đang phẳng hơn bao giờ hết, những người Việt tài giỏi hôm nay đều đã là những công dân toàn cầu, và họ luôn muốn chọn một quốc gia có tham vọng để cống hiến. Khi khát vọng vươn lên của Việt Nam được chứng minh mạnh mẽ, tôi tin rằng họ sẽ ở lại, sẽ trở lại bằng tất cả trí tuệ và tình yêu của mình".
TS PHẠM VĂN ĐẠI
"Đây có thể là cơ hội để một lần nữa khơi lên trong các thế hệ người Việt sự thiêng liêng của tinh thần kiến tạo quốc gia, lòng tự hào dân tộc và đó sẽ là sức mạnh quy tụ để mỗi người cống hiến cho một Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc".
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
"100 triệu dân - với 23 triệu người thế hệ cực trẻ gen Y, gen Z - cho chúng ta một nguồn tài nguyên khổng lồ, từ "lượng" như lực lượng lao động - thị trường tiêu thụ, đến "chất" như chất xám - nỗ lực - khát vọng của người dân.
Lượng đã có, và chất cũng tiềm tàng. Mốc 100 triệu dân có trở thành cơ hội để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh đến thịnh vượng hay không tùy thuộc vào câu trả lời của tất cả chúng ta".
Nhà báo LÊ XUÂN TRUNG
* Bà NGUYỄN THANH HƯƠNG (giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam):
Việt Nam cần thêm nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhìn một cách tổng quan, Việt Nam đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao về cả số lượng và chất lượng.
Báo cáo "Chỉ số lao động Việt Nam 2022" của ManpowerGroup cho thấy sự chênh lệch lớn về trình độ lao động tại
Việt Nam khi chỉ có 11% lao động có kỹ năng tay nghề cao. Theo kinh nghiệm của ManpowerGroup, trở ngại đầu tiên trong quá trình tuyển dụng là tìm kiếm nhân tài có kỹ năng mềm phù hợp, bao gồm trình độ ngoại ngữ; tư duy phân tích, logic và phản biện; sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định.
Ngoài ra, những ứng dụng của công nghệ thông tin (tự động hóa, robotics, điện toán đám mây, an ninh mạng…) dẫn tới sự ra đời của những vị trí việc làm mới và nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, quy mô đào tạo của những ngành này chưa được cao, mức độ đào tạo chưa chuyên sâu, dẫn tới sự khan hiếm và khó khăn trong việc tuyển chọn. Theo DxReport năm 2023 của FPT Digital, ngành công nghệ thông tin Việt Nam chỉ có 30% nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyên môn và kỹ năng công việc thực tế.
Tuy nhiên một lợi thế lớn của lao động Việt Nam là độ tuổi lao động trẻ, tính cần cù và chịu khó, đặc biệt lực lượng lao động trẻ (gen Z) có nhiều tiềm năng phát triển, với kỹ năng số hóa và kỹ thuật khá cao.
Để tận dụng ưu thế dân số trẻ, theo quan điểm cá nhân tôi, nên có những chính sách thắt chặt hệ sinh thái giữa Chính phủ - doanh nghiệp - đơn vị đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam bắt kịp với xu thế và yêu cầu thị trường, tập trung đào tạo kiến thức chuyên sâu và nâng cao các kỹ năng mềm cho người lao động.
Các chương trình đào tạo phải thiết kế mang tính thực tiễn, theo kịp xu thế thị trường và nhu cầu xã hội. Người lao động cần được rèn luyện các kỹ năng tự học (khả năng học hỏi - learnability), để có thể thích ứng với các xu hướng thị trường mới.
* TS VŨ MINH TIẾN (viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Dịch chuyển trọng tâm cơ cấu kinh tế
Động lực để nâng cao chất lượng lao động phải đến từ thực tế sản xuất. Hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở vị trí còn thấp, các ngành chế biến hải sản, lắp ráp điện tử, may gia công…
Kể cả ngành điện tử, cơ khí chế tạo thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ tham gia khâu lắp ráp, gia công hoặc sản xuất phụ tùng thay thế.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chủ yếu vẫn chỉ sử dụng sức lao động, chưa tạo ra sự thúc đẩy để người lao động phải học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Do đó, để nâng cao chất lượng lao động, tận dụng thế mạnh về sức sáng tạo, học hỏi của lực lượng dân số trẻ, các doanh nghiệp phải thay đổi vị trí tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cần có giải pháp vĩ mô để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, dịch trọng tâm vào các ngành có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hàm lượng công nghệ cao như sản xuất phần mềm, gia công cơ khí chính xác…
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ tạo ra động lực cho định hướng đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy người lao động học hỏi, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn để tham gia các ngành nghề mới. Nhà nước cần đầu tư vào đào tạo, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp để kết nối cung - cầu, tránh thừa nhân lực ngành này nhưng lại thiếu nhân lực ngành khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận