Ông Phạm Văn Trai (đội khăn tang) và các đồng đội của anh Quang đau buồn trước sự ra đi của anh - Ảnh: DUY THANH
Anh Quang qua đời khi mới 26 tuổi, chưa lập gia đình riêng, còn ở với cha mẹ tại thôn Mỹ An 2 (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Tiếc thương
Hai ngày qua, bà Nguyễn Thị Thúy (mẹ Quang) hầu như không còn tỉnh táo. Bà ngất lên ngất xuống, khi tỉnh dậy lại gào tên cậu con trai cả trong tiếng nấc. Còn ông Phạm Văn Trai, cha Quang, thờ thẫn như mất hồn, không tin đứa con trai mạnh khỏe, hằng ngày vẫn cùng ông đi làm thợ xây, giờ nằm yên bất động.
Cậu em ruột Phạm Hoàng Trung, 20 tuổi, đang đi làm thuê ở Đà Nẵng, hay tin anh mất đột ngột đã vội bắt xe về, trải chiếu nằm yên lặng bên quan tài anh. Ngồi ngoài sân, những anh dân quân, những đoàn viên cùng làm việc, cùng giúp dân với Quang những ngày qua đỏ hoe mắt tiếc thương.
Sáng 11-12, 9 dân quân, 9 thanh niên cùng một số người dân đã lên mặt cầu máng (rộng khoảng 1,5m) dùng cây đẩy theo dòng nước, dùng tay kéo bèo bỏ lên mặt cầu.
"Trong lúc dùng tay kéo một mảng bèo lớn, anh Quang mất đà, ngã ngửa ra phía sau và rơi luôn xuống dòng lũ. Chúng tôi chỉ thấy anh trồi lên một lần rồi bị nhấn chìm dưới dòng nước xoáy, dưới dòng lũ hung dữ" - anh Nguyễn Văn Nhiệm, một dân quân cùng đi cứu cầu máng hôm đó với Quang, nghẹn ngào kể lại.
Phải gần 30 phút sau, đồng đội và những người tìm kiếm mới mò được thi thể Quang cách nơi gặp nạn khoảng 150m và anh đã tử vong.
Làm bằng nhiệt huyết, không có thù lao
Thường xuyên có mặt ở gia đình Quang hai ngày qua, ông Nguyễn Văn Thuận - chủ tịch UBND xã Hoài Thanh - cho biết trận lũ lớn đổ về địa phương trong tối ngày 9, kéo sang ngày 10-12, nên lãnh đạo xã chỉ đạo lực lượng dân quân cơ động trực 24/24 để sẵn sàng giúp dân.
Theo ông Thuận, tối 10-12, anh Quang cùng một số dân quân đã giúp dân vùng trũng thấp trong xã kê kích đồ đạc tránh lũ. Sáng 11-12, khi được tin cầu máng dẫn nước tưới ruộng ở thôn Trường An 1 có nguy cơ bị lũ giật sập do lục bình dồn về quá nhiều, chặn dòng chảy.
"Lãnh đạo xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân và thanh niên tổ chức vớt, đẩy lục bình để cứu cây cầu máng này" - ông Thuận cho biết.
Ông Thuận cũng nói, đối với người dân xã Hoài Thanh, cây cầu máng này có ý nghĩa rất quan trọng. Đã mười mấy năm qua, 16,2ha lúa ở cánh đồng Bình Phú luôn khô hạn, thiếu nước tưới vì không có hệ thống dẫn nước về.
Năm ngoái, từ nguồn hỗ trợ của huyện Hoài Nhơn và một phần vốn địa phương, xã mới xây dựng được chiếc cầu máng này. Bởi vậy, bảo vệ cây cầu máng dẫn nước là điều mà lãnh đạo xã chỉ đạo thực hiện khẩn cấp. Hơn nữa, việc đẩy lục bình cũng giúp ruộng của dân sạch để làm đất khi lũ rút đi.
Anh Huỳnh Thanh Bình - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Hoài Thanh - nói rằng làm dân quân cơ động không có lương hay thù lao, chỉ có những người nhiệt huyết mới tham gia và Quang là một người như thế.
"Đi làm thợ hồ mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn, nhưng khi có việc, chúng tôi gọi thì Quang luôn có mặt, hăng say, nhiệt tình. Như sáng 11-12, lẽ ra là đến lượt Quang nghỉ, nhưng khi nghe tôi gọi đi cứu cầu máng là em ấy tham gia ngay, không nề hà" - anh Bình ngậm ngùi nói về đồng đội.
Truy tặng bằng khen "Thanh niên sống đẹp" cho dân quân Trương Văn Được
Ngày 13-12, Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Quảng Nam đã đến thăm, động viên gia đình anh Trương Văn Được (30 tuổi, dân quân tự vệ thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) và truy tặng bằng khen "Thanh niên sống đẹp" cho anh Được vì đã có tinh thần xung kích vì cộng đồng trong bão lũ.
Trước đó, vào hai ngày 9 và 10-12, nước lũ dâng cao tại khu vực xã Tam Thăng, anh Được gia nhập đội thanh niên xung kích, giúp di dời, sơ tán dân bị cô lập, mắc kẹt ở vùng lũ, giúp dân vận chuyển đồ đạc, lúa gạo lên cao. Tuy nhiên đến đêm 10-12, khi trở về nhà do lạnh cóng người, anh Được đã kiệt sức và ngã xuống nước tử vong.
LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận