09/06/2020 12:13 GMT+7

Dân Phú Quốc mong sớm từ huyện lên thành phố

KHOA NAM - HOÀNG TRÍ DŨNG
KHOA NAM - HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Việc lấy ý kiến người dân vừa được triển khai nhưng theo lãnh đạo huyện Phú Quốc, qua thăm dò, đa số người dân Phú Quốc đều ủng hộ thành lập thành phố biển đảo càng sớm càng tốt để Phú Quốc hoàn thiện bộ máy, tăng tốc phát triển.

Theo quy định, sau khi thăm dò ý kiến người dân, đề án thành lập thành phố Phú Quốc phải thông qua HĐND các cấp, sau đó trình Bộ Nội vụ, trình Thủ tướng, Thủ tướng sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dương Đông, An Thới - hai đô thị điểm nhấn

Dân Phú Quốc mong sớm từ huyện lên thành phố - Ảnh 1.

Du khách tham quan và ăn uống tại chợ đêm Phú Quốc - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo dự thảo đề án, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 575,29km2 và quy mô dân số 177.540 người (giảm về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thổ Châu) với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn), giảm xã Hòn Thơm do nhập vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới.

Khu đô thị Dương Đông: rộng 2.518,9ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến đến năm 2030 đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240.000 người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183.000 người, khách du lịch lưu trú khoảng 12.000 người.

Đô thị Dương Đông được quy hoạch phát triển với ý tưởng là đô thị năng động và ấn tượng. Nơi đây sẽ tạo ra cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của toàn đảo. Điểm nhấn quan trọng nhất của đô thị Dương Đông sẽ là đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Con đường này sẽ là trục đông - tây có điểm đầu là trung tâm hành chính và quảng trường. Đại lộ Võ Văn Kiệt trong tương lai còn là chuỗi cung cấp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng tạo ra những giá trị mới nhờ vào sự khôi phục dọc sông Dương Đông và mạng lưới du lịch kết nối hài hòa các yếu tố tự nhiên - đô thị - du lịch.

Toàn bộ đô thị Dương Đông sẽ được chia thành 6 phân khu đặc trưng là: khu vực trung tâm đô thị rộng 467,4ha, khu vực cửa ngõ ven hồ Dương Đông rộng 387ha, khu vực ven biển Tây Bắc rộng 522,2ha, khu vực ven biển Tây Nam rộng 400,1ha, khu vực ven biển Đông Bắc rộng 513,4ha và khu vực ven biển Đông Nam rộng 228,8ha.

Khu đô thị An Thới: rộng 1.022ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch. Ngoài ra còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Dự báo đến năm 2030, đô thị An Thới sẽ có trên 70.000 dân.

Đô thị An Thới cũng được chia thành 6 phân khu chức năng gồm: cảng hành khách, khu đô thị mới phía nam với nhiều dự án hỗn hợp dọc trục chính nam - bắc đảo, khu đô thị mới phía bắc, khu resort dạng trải nghiệm phức hợp, khu cảng vận tải hàng hóa và khu quy hoạch phát triển hiện hữu.

Đô thị An Thới sẽ bố trí điểm nhấn tại 3 nút giao thông của các đường trục chính, tạo ra cảnh quan mang đặc trưng riêng. Tại đây cũng sẽ bố trí khu bãi tắm công cộng, dịch vụ du lịch cộng đồng, bố trí cáp treo tại núi phía cực nam An Thới kết nối với các hòn đảo phía nam.

* TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế):

Kỳ vọng Phú Quốc tăng tốc khi lên thành phố

Việc phấn đấu để Phú Quốc trở thành "thành phố đảo" đầu tiên của cả nước đã được tỉnh Kiên Giang chuẩn bị từ nhiều năm trước, từ tạo nền tảng hạ tầng và nội lực, tăng cường thu hút đầu tư và tăng tốc thời gian gần đây.

Đảo ngọc đang tăng tốc trên đường đến vị thế một thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, đang tạo nhiều kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng cần nhận thấy những "điểm yếu" khắc phục, các "điểm nghẽn" cho phát triển cần tháo gỡ như môi trường, xử lý rác thải, nước thải... vẫn đang là điểm nghẽn.

Thời gian qua, việc Phú Quốc phát triển nóng trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý đô thị, nông thôn, an ninh trật tự. Các cơn sốt đất, sai phạm trong quản lý đất đai Phú Quốc từng bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp huyện, xã đi tù nhưng vẫn lặp lại đáng lo ngại. Vì thế, chiếc áo huyện đảo đã quá chật, đòi hỏi một mô hình quản lý mới đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư, đất đai, đầu tư xây dựng, đảm bảo môi trường.

Từ đó, có thể kỳ vọng mới cho một giai đoạn phát triển mới của một thành phố đảo đặc thù, độc đáo chưa có tiền lệ trong nước.

Phú Quốc có thể là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam Phú Quốc có thể là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

TTO - Chính quyền tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Phú Quốc sẽ là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam ngay trong năm 2020.

KHOA NAM - HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp