Phóng to |
Những cây dùi cui trên tay dân phòng có lúc trở thành hung khí - Ảnh: L.A.Đ. |
Ngày 27-10, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi và hỏi các nơi để xem có văn bản nào qui định về qui chế hoạt động của lực lượng dân phòng hay không? Câu trả lời là không.
Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ trật tự ở địa phương, hầu hết các phường tại TP.HCM đều có lực lượng dân phòng. Lực lượng dân phòng do UBND cấp phường đứng ra tuyển, ký hợp đồng, trả tiền trợ cấp hằng tháng. Lực lượng này sau đó được giao cho công an phường quản lý, phân công công việc và điều động khi cần thiết. Dù phường nào cũng có dân phòng nhưng hiện nay TP.HCM chưa có một qui chế nào cho lực lượng này hoạt động.
Ông Hoàng Bá Thư, bí thư, chủ tịch phường Bến Nghé (quận 1), cho biết do không có qui chế cụ thể nên không có nguồn ngân sách để trả phụ cấp cho đối tượng này, phường phải tự cân nhắc từ các nguồn quĩ. Đối tượng được chọn vào lực lượng dân phòng là những bộ đội xuất ngũ, thanh niên không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, có hồ sơ lý lịch rõ ràng. Tại phường Bến Nghé hiện có hai loại dân phòng là dân phòng chuyên trách và dân phòng khu phố.
|
Công an phường Bến Nghé giải thích thêm, công việc và cũng là nhiệm vụ của dân phòng là: đi tuần tra với công an, tham gia giải tỏa, chốt chặn những nơi vừa được giải tỏa; hỗ trợ đưa phương tiện, con người vi phạm về trụ sở công an; cô lập, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn, đưa người đi cấp cứu... Nhưng tuyệt đối không được kiểm tra và xử lý các vụ việc, vì phần việc này thuộc trách nhiệm, quyền hạn của công an.
Có lẽ do không có một qui chế chung nên dân phòng mỗi nơi mỗi khác, nhất là về trang phục. Có phường mua vải về may, có phường ra chợ mua đồ may sẵn mà không biết đồ đó đã có lực lượng khác mua mặc.
Thượng tá Trần Văn Nhận, trưởng phòng phong trào Công an TP.HCM, cũng thừa nhận dân phòng là một tổ chức quần chúng, hiện chưa có một qui chế nào qui định về hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự. Họ chỉ được luật điều chỉnh ở góc độ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tức trong Luật PCCC, nghị định 35 (qui định chi tiết thi hành Luật PCCC) có qui định về việc thành lập quản lý, chế độ chính sách cho đội dân phòng ở thôn, ấp, bản, tổ dân phố. Đội dân phòng do UBND cấp phường xã thành lập và chịu sự chi phối của cảnh sát PCCC, thực hiện các nhiệm vụ về phòng cháy và chữa cháy.
Theo ông Nhận, lực lượng dân phòng tại TP.HCM đã có từ lâu, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, được công an huấn luyện, đã lập được nhiều công. Nhưng dù gì thì việc dân phòng kể cả công an đánh người, nếu không phải là tự vệ chính đáng thì không chấp nhận được.
----------------------------------
Trưởng công an phường bến nghé: Dân phòng chỉ hơi quá tay (?)
Hôm qua (27-10), trả lời về vụ va chạm giữa dân phòng phường Bến Nghé với anh Hồ Trọng Long sáng 26-10, ông Phạm Văn Sáu, trưởng Công an phường Bến Nghé, giải thích là do hiểu lầm (!). Trong đó anh Tài, dân phòng khu phố 2, ngộ nhận anh Long là bạn của hai đối tượng đang bị công an phường khống chế, đến tham gia giải vây cho bạn mình, nên đã hơi mạnh tay.
Chiều 27-10, văn phòng Công an TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của giám đốc Công an TP, Công an quận 1, Công an phường Bến Nghé phải kiểm tra vụ việc một cách cụ thể, xem ai đúng ai sai để có hình thức xử lý đúng đắn.
Đến chiều tối cùng ngày anh Hồ Trọng Long vẫn còn nằm tại Bệnh viện Sài Gòn để các bác sĩ theo dõi các vết thương còn đau ở bên sườn. Theo anh thì Công an phường Bến Nghé, Công an quận 1 đã đến thăm hỏi.
------------------------
Những người chứng kiến nói gì?
Phóng toAnh Huỳnh Thanh Vân và một cây ma trắc bị gãy làm đôi sau vụ dân phòng đánh anh Long - Ảnh: MINH LUẬN* Anh Huỳnh Thanh Vân (công tác tại Khu liên cơ, 8 Lê Duẩn, Q.1): Vụ việc xảy ra ngay trước cổng cơ quan chúng tôi, không chỉ có tôi mà hầu hết các cán bộ khác đều thấy và rất bất bình. Dù thấy anh Long bị sáu dân phòng vây đánh, nhưng chúng tôi chỉ biết đứng bên ngoài la hét phản ứng chứ không dám vào can ngăn. Thật đau xót khi nghĩ lại cảnh anh Long vùng vẫy kêu cứu, không có hành động phản ứng gì hết mà vẫn bị dân phòng vừa túm cổ áo kéo đi vừa đánh tới tấp đến độ gãy đôi cây ma trắc.
* Anh Nguyễn Bình Phục (lái xe Công ty Kim khí TP): Sau khi anh Long bị đánh ngất xỉu, một anh dân phòng lớn tuổi nhất trong đám còn nói: “Tụi nó đánh rồi, bây giờ đến lượt tao”, rồi anh này đá một cái vào giữa mặt anh Long. Chứng kiến cảnh đó, tôi thấy không khác gì kiểu hành xử dã man của bọn côn đồ, mấy anh dân phòng lúc đó quá hung hăng. Chúng tôi vây lại phản ứng với trung úy Nguyễn Thành Phương vì để dân phòng đánh dân mà không can thiệp, thì anh này có thái độ thách thức rồi còn đưa biển tên và số hiệu ra nói: “Mấy người muốn gì cứ ghi tên và số hiệu của tôi lại đi”. Chúng tôi rất bất bình, mong rằng những người có hành vi bạo lực trên phải bị xử lý thích đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận