Tổng thống Rodrigo Duterte chụp ảnh “wefie” với các sinh viên ở Manila tháng 9-2018 - Ảnh: AFP
Tất nhiên, cũng đã có vài cáo giác mua phiếu hay máy kiểm phiếu hư..., song đó là "số lẻ" và đâu mà chẳng có. Thế cử tri Philippines thích gì và không thích gì về tổng thống của họ, ông Rodrigo Duterte?
Ủng hộ cách bài trừ ma túy
Đầu tiên là chuyện chống ma túy và tội phạm, chính sách cốt lõi của ông Duterte trong nửa nhiệm kỳ qua.
Cách đây hơn một năm, tờ Manila Times 24-4-2018 đã viết với các con số tăng dần: 2.000, 7.000, 12.000, 20.000. Con số sau cùng "hơn 20.000" lấy từ chính báo cáo cuối năm 2017 của chính phủ đã không bị cảnh sát bác bỏ. Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây, số người bị giết không qua xét xử chỉ hơn 5.000 người trong giai đoạn từ tháng 7-2016 đến tháng 11-2018.
Nếu so với 30 năm 8 tháng trước trào Duterte, tức suốt bốn trào tổng thống từ Ferdinand Marcos (khét tiếng là độc tài đến bị lật đổ) cho tới ông Benigno III, tiền nhiệm của ông Duterte, số vụ giết người bên ngoài khuôn khổ luật pháp chỉ là 5.312 vụ, tức chỉ 173 vụ/năm.
So với các con số đó, cho dù là 2.000 hay 20.000 vụ dưới thời ông Duterte, cũng là quá nhiều. Ông Duterte bị một số cá nhân, tổ chức nhân quyền trong, ngoài nước lên án là điều không khó hiểu.
Tháng 4-2017, một luật sư Philippines đã nộp đơn kiện ông Duterte nơi Tòa hình sự quốc tế (ICC). Tháng 8 năm ngoái, một số nhà hoạt động và gia đình 8 người bị giết trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines cũng đã nộp đơn kiện nơi ICC. Sau lá đơn kiện này, ông Duterte rút Philippines ra khỏi ICC.
Thế nhưng, kết quả bỏ phiếu lại cho thấy cảm nhận của đa số cử tri có khác. Đảng ACT-CIS (Chống - tội ác và khủng bố qua sự can dự và hỗ trợ của cộng đồng), một đảng "mới tinh" ủng hộ ông Duterte, về nhất danh sách bầu liên danh theo đảng.
Số phiếu ACT-CIS đạt được gấp đôi số phiếu của danh sách về nhì là nhóm cánh tả Bayan Muna (lần này tái tranh cử) trong một cuộc bầu cử gồm đến 134 liên danh mà chỉ có 9 liên danh đạt trên 2% số phiếu để đắc cử và chia ghế (2% được chia 1 ghế).
Kết quả này cho thấy sự ủng hộ cách bài trừ tội ác và ma túy của ông Duterte, kể cả bằng cách hạ thủ không qua xét xử, lớn tới đâu. Cũng vì thế mà 9/12 ứng cử viên đắc cử Thượng viện kỳ này là cùng cánh với ông Duterte, trong đó có "kiến trúc sư của cuộc chiến chống ma túy" là ông Ronald Rosa, nguyên tư lệnh cảnh sát quốc gia, lần đầu tranh cử Thượng viện.
Việc ông Rosa đắc cử Thượng viện phải chăng là biểu dương việc cảnh sát, ít nhất cũng là các đơn vị "cảnh sát đặc biệt", đã "rạch ròi" với các băng đảng sau khi có nhiều nghi ngờ, đề quyết rằng cảnh sát "đồng hành" với băng đảng. Những nghi ngờ này được đúc kết bằng "lý luận": băng đảng giàu mà cảnh sát cũng giàu thì đó là mafia.
Thành ra, việc có đến 71% cử tri Philippines bỏ phiếu cho những ứng cử viên thuộc cánh ông Duterte sau nửa nhiệm kỳ đầu phải chăng do họ ủng hộ những chính sách "khác thường" của ông Duterte. Tỉ như việc hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 15 xuống 12 nhằm trấn áp tội phạm, vãn hồi tình hình?
Đến... các chính sách vì dân
Song, "an cư" mới chỉ là một trong những điều mà cử tri "chấm" ông Duterte. Sinh viên, học sinh nay đang sung sướng với luật "Toàn dân tiếp cận giáo dục đại học chất lượng" miễn phí toàn quốc được ông Duterte ký ban hành tháng 8-2017. Chưa hết, tháng 3 năm nay, ông Duterte ký đạo luật "Chăm sóc sức khỏe toàn dân" cung cấp miễn phí chẩn đoán, điều trị, phục hồi... từ A đến Z cho 100% công dân Philippines.
Đây là một cố gắng lớn ở một nước mà mới năm 2016 còn có đến 54% chi phí y tế là do bệnh nhân xuất tiền túi. Vẫn biết rằng đây là một yêu cầu được gợi ý từ WHO, song tại sao có nước thành công, có nước lại trầy trật? Phải quyết tâm tập trung ngân sách, giảm lạm dụng, giảm phí phạm, giảm đặc ân, đặc quyền... như thế nào đó, Philippines nay mới có thể "tự động đưa mỗi công dân vào trong chương trình bảo hiểm sức khỏe quốc gia".
Còn nhiều chuyện hài lòng hay bất bình khác, 79% ủng hộ so với 21% không ủng hộ. Tỉ như chuyện chính sách với Trung Quốc. Có một thực tế là trong ba năm qua, mặc cho ông Duterte có nói gì, như thế nào với Bắc Kinh thì ông cũng để mặc cho quân đội nước này đóng tốt vai trò của mình trong hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, vẫn đặt mua và tiếp nhận vũ khí từ Mỹ, Nhật, Hàn..., vẫn tập trận như mới tuần rồi cùng Mỹ, Nhật, Úc thao diễn hải quân.
8.030 người chết vì súng
Nếu biết rằng ở đất nước dân số hơn 108 triệu người này song lại có đến hơn 1,9 triệu khẩu súng đăng ký tư nhân (nguồn: gunpolicy.org), và với 8.030 người chết vì súng năm 2018 (pbs.org), xếp thứ 7 thế giới, chỉ thua những "tên tuổi" đẫm máu vì súng đạn như Mỹ, Brazil, Colombia, Mexico, thì việc ông Duterte ra lệnh thẳng tay nổ súng là không khó hiểu.
Cử tri, trong bất ổn hằng ngày ở khu phố, cần một sự trấn an cụ thể, và ông Duterte đáp ứng nhu cầu đó, nên bỏ phiếu cho phe ông ấy. Một thái độ khá lạ trong bối cảnh một xã hội mà 80% dân số theo Công giáo, 15% theo Tin Lành cùng thông điệp "tình yêu" và điều răn "chớ giết người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận