Phóng to |
Anh Trần Hoàng Nam (đứng), phó công an xã Tân Thạnh, thừa nhận khuyết điểm và hứa khắc phục - Ảnh: V.TR. |
Ông Nguyễn Văn Phương, bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết cứ chiều thứ sáu thì tất cả lãnh đạo và công chức xã phải đến tận ấp ngồi nghe dân chất vấn, phê bình. “Dân góp ý càng nhiều, phê bình càng nặng thì chúng tôi càng vui vì họ tin chúng tôi lắng nghe thật thì mới trút hết những bức xúc chất chứa trong lòng” - ông Phương nói thêm.
Nói thẳng
15g ngày 15-11, gần 100 người dân ở ấp Nam, xã Tân Thạnh tề tựu về khu di tích “đền thờ Trần Văn Năng” để dự buổi tiếp xúc với cán bộ, công chức xã. Tất cả “bộ sậu” của xã từ bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ địa chính, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội đến bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp... đều có mặt để lắng nghe dân góp ý, chất vấn.
Ông Hồ Văn Dồi móc trong túi ra tờ giấy viết tay “tố” các doanh nghiệp nuôi cá tra trong ấp gây ô nhiễm môi trường. Ông Hà Văn Diệp cũng nói nước ô nhiễm, tắm thì ngứa chịu không nổi. Cán bộ địa chính - môi trường Nguyễn Minh Hoàng giải đáp: “Đầu năm nay Sở Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Nếu bây giờ vẫn còn thì bà con làm đơn gửi Phòng tài nguyên - môi trường giải quyết theo thẩm quyền”.
Liền lúc này ông Lê Phú Kiều đứng bật dậy tỏ ra khó chịu: “Ủa, sao lại bắt dân chúng tôi làm đơn chứ. Dân chúng tôi dốt nát, chữ nghĩa đâu mà viết đơn. Dân tụi tui thấy nước dơ thì phản ảnh với xã. Mấy ông là chính quyền thì phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của dân chứ”.
Thấy cấp dưới của mình lỡ lời, chủ tịch Phương đứng lên từ tốn xin lỗi người dân và hứa: “UBND xã sẽ làm việc với Phòng tài nguyên - môi trường về các kiến nghị của bà con ngay trong tuần sau”. Đến lúc này người dân mới chịu chuyển sang vấn đề khác.
Bà Lê Thị Ái hỏi: “Chồng tôi là thương binh đã mất, nhà tình nghĩa xuống cấp, tôi có được Nhà nước hỗ trợ tiền sửa nhà không?”. Cán bộ lao động - thương binh và xã hội trả lời theo quy định thì không được. Nghe vậy, bà Ái căng thẳng: “Nhà cửa tôi sắp sập vậy thì thờ phượng chồng con thế nào đây?”.
Ông Phương vội “dập lửa” bằng cách hứa sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ bà Ái sửa lại nhà trong thời gian sớm nhất, có thể trước tết này.
Thấy chủ tịch xã trả lời hoài, ông Nguyễn Văn Thi khó chịu: “Nãy giờ tui thấy dân hỏi công chức xã về mấy vụ cụ thể mà chủ tịch xã cứ trả lời thay hoài là không được. Chuyện của anh nào, anh đó phải nắm thật chắc thì mới làm được”. Ông nói thêm: “Vấn đề đường nông thôn bị sạt lở tui nhớ đã được chính quyền hứa giải quyết 3-4 năm nay đến giờ vẫn chưa xong. Chính quyền phải thừa nhận khuyết điểm này. Ngoài ra, tui thấy một số cán bộ xã mình có khuyết điểm lớn nữa là chưa gần dân. Xuống ấp chạy xe máy vù vù rồi về nên không thể hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của người dân; chẳng giải quyết được gì”.
Phóng to |
Ông Lê Phú Kiều - một người dân - góp ý, chất vấn chính quyền xã Tân Thạnh - Ảnh: V.Trường |
Cán bộ không có quyền nạt nộ dân
Tại buổi tiếp dân ở ấp Trung trước đó, một loạt cán bộ bị người dân “quần” te tua vì có thái độ quan liêu. Ông Cao Văn Đặng nói: “Sổ hộ nghèo của tui hết hạn. Tui đến ấp nói ông Hồ Văn Cần (trưởng ấp) xem đổi giùm. Ổng nạt tui: Ông không thấy tui đang làm công chuyện hay sao mà hỏi hoài. Tui thấy cán bộ mà nói chuyện như vậy là không được”. Rồi ông quay qua chất vấn công an xã: “Anh Nam phó công an xã đưa lực lượng đến sòng bài tứ sắc ở cụm dân cư ấp Trung nhưng chỉ giải tán chứ không bắt về phạt. Vậy là sao?”.
Trưởng công an xã Lê Văn Kính trả lời: “Vụ đó công an có yêu cầu những người chơi bài viết cam kết không tái phạm, vì ai cũng nghèo mà đánh nhỏ mỗi ván vài ba ngàn đồng”. Ông Đặng chất vấn: “Nếu vậy thì đưa cam kết cho chúng tôi xem đi”. Ông Kính hứa sẽ công khai.
Tiếp đó, ông Lâm Thành Long phản ảnh: “Tui là thành viên tổ dân phòng, tui lên công an xã báo cáo tình hình. Đúng lúc bước vô công an thì thèm thuốc lá nên tui có đốt điếu thuốc. Một anh công an nạt nộ: Ông vô đây mà hút thuốc hả? Lẽ ra phải nói nhỏ nhẹ là chú ơi cơ quan có quy định không được hút thuốc, chú ra ngoài bỏ giùm con, hút thuốc sẽ bị phạt... thì hay quá”.
Thấy mọi người góp ý công an sôi nổi, bà Nguyễn Thị Lan cũng lên tiếng: “Tui vừa làm xong giấy khai sinh cho cháu bên tư pháp xã liền đem hồ sơ qua công an để nhập hộ khẩu. Mới bước vô gặp cô thư ký Nguyễn Thị Kim Thoa nói yêu cầu của mình thì bị cô này nạt: Chuyện này không phải của tui, tui không biết! Cô Thoa không làm chuyện đó thì phải chỉ cho tui biết ai làm để tìm chứ sao nạt như vậy”.
Tình thế của công an xã căng quá khiến chủ tịch xã phải yêu cầu trưởng công an xã và bí thư chi bộ ấp phải nghiêm túc nhận trách nhiệm và tổ chức kiểm điểm cán bộ về những vụ việc dân phản ảnh.
Ông Lâm Thành Long quay qua góp ý cán bộ lao động - thương binh và xã hội Trần Văn Tuần. “Tui có dịp đến ủy ban xã và thấy bà con đến gặp cán bộ Tuần nhận chế độ của người cao tuổi rất đông. Tui nghe cán bộ Tuần nói với một số người dân rằng: Lu bu quá, để chút xíu người ta làm.
Biết là đông người, làm việc mệt mỏi nhưng cán bộ thì không được nói với dân như vậy”. Ngoài ra, những vấn đề tồn tại ở địa phương như trộm chó, thanh thiếu niên chạy xe máy nẹt pô, xe tải chạy vào đường nông thôn... cũng được người dân phản ảnh, yêu cầu chính quyền địa phương xử lý.
Dân mới là chủ
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết ông chỉ mới về xã công tác khoảng sáu tháng. Trước đó, Tân Thạnh là điểm “nóng” về an ninh trật tự của cả tỉnh. Cán bộ địa chính, tư pháp, văn hóa thông tin, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp, văn thư... đều chưa có bằng đại học. Còn hầu hết lực lượng công an xã chưa được học qua bất kỳ lớp nghiệp vụ nào.
“Tôi muốn cán bộ, công chức phải bỏ hẳn suy nghĩ rằng mình là chủ, có quyền. Nếu đưa họ xuống ấp, tức là xuống nhà dân thì có lẽ họ không dám hạch sách, nói năng lung tung như ở trụ sở UBND xã được” - ông Phương nói. Và ông quyết định chiều thứ sáu hằng tuần đưa hết anh em xuống nghe dân góp ý, phê bình và giải quyết những việc mà người dân yêu cầu tại chỗ luôn. Buổi tiếp xúc, đối thoại với dân đầu tiên tổ chức ngày 30-9 ở ấp Bắc, sau đó tới ấp Trung, ấp Nam, ấp Tây. Xong một lượt thì vòng trở lại. Đến nay đã tổ chức được sáu lần. Thấy hoạt động này có hiệu quả nên người dân tham gia ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Minh Hoàng (29 tuổi, cán bộ địa chính) nói mặc dù đã dự sáu lần đối thoại với dân nhưng lần nào anh cũng sợ xanh mặt. “Trước khi họp dân 2-3 ngày là tui không thể ngủ được, nghĩ lại xem mình có nói câu gì làm phật lòng dân không, có nợ chuyện gì chưa giải quyết không, kiểm tra lại những việc đã hứa với dân xem tiến độ tới đâu. Quan trọng nhất là phải đọc kỹ lại các quy định có liên quan đến lĩnh vực của mình” - anh kể. Còn ông Trịnh Bá Giang, phó chủ tịch UBND xã, nói bây giờ tiếp xúc với dân ông luôn để ý từng câu chữ, tuyệt đối không nóng tính. Còn những việc đã hứa với dân, dù thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh thì cũng phải đi hỏi cho rõ để về trả lời dân.
Ông Nguyễn Văn Phương đánh giá: “Qua sáu lần xuống dân, cán bộ, công chức đã tự tin hơn. Tác phong, ngôn phong khi làm việc với dân đã thay đổi rất rõ. Họ cũng chịu khó nghiên cứu học tập về chuyên môn, nghiệp vụ hơn trước, giải quyết công việc của dân nhanh hơn, chủ động hơn”. Người dân trong xã cũng rất đồng tình cách làm này.
Ông Lâm Thành Long (ở ấp Trung) kể: “Mười ngày sau khi tui góp ý công an có thái độ cửa quyền, tui có trở lại trụ sở công an để quan hệ công tác, tui thấy anh em niềm nở, lễ phép lắm. Mấy cháu còn hỏi thăm tui công việc gia đình, làm ăn thế nào nữa. Còn các cán bộ bên ủy ban cũng không thấy nạt nộ dân nữa. Thấy vậy bà con tụi tui rất mừng”.
Có mặt dự buổi đối thoại với dân ở ấp Nam chiều 15-11, ông Nguyễn Ngọc Nhã (phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Thanh Bình) nói cách làm của xã Tân Thạnh là rất sáng tạo. Ông nói: “Cách làm này cho thấy chính quyền xã dân chủ thật sự. Người dân cũng phát huy quyền làm chủ của mình đúng nơi, đúng chỗ. Còn cán bộ, công chức cũng hiểu rõ mình không phải là bề trên mà là đày tớ, là công bộc của dân. Tui thấy rất nhiều vấn đề sát sườn của cuộc sống được nêu ra và giải quyết làm người dân rất phấn khởi. Điều này sẽ không thể thấy ở những nơi cán bộ chỉ ngồi trụ sở. Vì thế huyện ủy đã yêu cầu tất cả các xã trong huyện học tập kinh nghiệm xã Tân Thạnh để làm theo”.
Cái gì tốt cho dân thì cần làm ngay Ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói mục tiêu quan trọng hàng đầu mà tỉnh đang thực hiện là xây dựng chính quyền gần dân, thân thiện với người dân. Hiện nay từ bí thư Tỉnh ủy đến chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã đều phải ngồi nghe dân góp ý, hiến kế với quan điểm: “Cái gì cũng phải hỏi dân trước khi làm, không để làm rồi thì dân phản đối, khiếu nại”. Kinh nghiệm của tỉnh là các vụ khiếu nại nếu lãnh đạo tỉnh, huyện xuống dân giải quyết thì chỉ 1-2 lần là xong, còn nếu mời dân lên 10 lần cũng không xong. Riêng những trường hợp người nghèo, người già yếu, tuyệt đối chính quyền phải xuống gặp dân chứ không được mời lên. “Hiện tất cả các xã trong tỉnh thì bí thư, chủ tịch đã xuống dân tiếp hằng tuần. Riêng xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình đưa tất cả bộ máy xuống dân nghe dân góp ý, giải quyết kiến nghị của họ như vậy là rất hay. Tui sẽ đến dự một cuộc tiếp dân ở đây và sẽ chỉ đạo nhân rộng ra toàn tỉnh. Cái gì tốt cho dân thì cần làm ngay” - ông Dương nói. |
Bỏ danh hiệu, làm theo ý dân Ông Nguyễn Văn Phương nói: “Tiêu chí ấp văn hóa quy định nếu trong năm, ấp có ba vụ xử phạt hành chính mức 1,5 triệu đồng trở lên hoặc hai vụ án hình sự thì không được xét. Xã Tân Thạnh có tình hình an ninh trật tự phức tạp như thế mà làm ngơ để được danh hiệu thì dân sẽ mắng không ngóc đầu lên được. Tui quyết định xử thật nghiêm theo ý dân. Trung bình mỗi tháng xã phạt 25 triệu đồng, có tháng lên 40 triệu đồng. Vì vậy đã có ba trong bốn ấp mất danh hiệu ấp văn hóa rồi”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận