Doanh nghiệp đã đưa xáng cạp đến sông Hậu nhiều ngày qua để chuẩn bị nạo vét thông luồng làm người dân ăn ngủ không yên - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 5-10, ông Trần Hòa Hợp - chủ tịch UBND huyện An Phú, An Giang, đã chủ trì buổi họp dân tại ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu để tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai "dự án nạo vét thông luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu (đoạn từ đuôi Cồn Cóc đến bến đò Chợ Mới) liên quan đến 3 xã: Phước Hưng, Quốc Thái và Phú Hữu.
Hiện nay đã thực hiện nạo vét xong 1km, còn lại 3,5km chưa thực hiện thì vấp phải sự phản ứng của nhiều hộ dân nơi đây.
Dẫn chúng tôi về tận nhà cặp sông Hậu để xem hiện trường sông Hậu chuẩn bị nạo vét, bà Nguyễn Thị Lệ, 72 tuổi, ấp Phú Hòa cho biết gia đình bà không đồng ý cho nạo vét vì hiện tại ở khu vực này đã có hiện tượng sạt lở.
"Bây giờ tụi tôi không đồng ý cho xáng cạp múc. Nếu múc phải cho thống kê toàn bộ và bồi thường thiệt hại trước cho dân di dời. Nếu không sạt lở, chúng tôi sẽ trả tiền lại. Chúng tôi sợ sạt lở nhà cửa lọt xuống sông chết rồi ai bồi thường? Nếu múc thì tính mạng của người dân bị đe dọa. Từ ngày đưa xáng cạp lại nhánh sông này, chúng tôi không ăn ngủ gì được. Nếu đưa xáng xuống múc thì chúng tôi sẽ bơi ra sông phản ứng," - bà Lệ nói.
Theo quyết định của UBND tỉnh An Giang, "dự án nạo vét thông luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu từ đuôi Cồn Cóc đến bến đò Chợ Mới", huyện An Phú, An Giang có tổng chiều dài 4,5km, có 250 hộ dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng.
Liên danh công ty TNHH Hiệp Phát và Công ty TNHH Hiệp Phát Châu Phú thực hiện nạo vét trong 3 năm với chiều rộng luồng (2 làn) là 126m, dự kiến lượng cát tận thu sau nạo vét là trên 1,1 triệu khối cát.
Cận cảnh đoạn sông Hậu ở khu vực xã Phú Hữu - nơi bị người dân phản ứng gay gắt không cho nạo vét - Video: BỬU ĐẤU
Ông Trần Hòa Hợp - chủ tịch UBND huyện An Phú - cho hay dự án được triển khai từ cuối tháng 11-2019 đến tháng 6-2020 thì tạm dừng do xảy ra hiện tượng sụp, lún ở khu vực xã Phú Hữu.
Từ đó đến nay, huyện đã yêu cầu tạm dừng thi công khi vấp phải phản ứng của người dân khu vực rất nhiều, đồng thời tổ chức nhiều đoàn, tổ để vận động tuyên truyền và họp dân từ cuối tháng 6 đến nay.
Ông Trần Hòa Hợp - chủ tịch UBND huyện An Phú - phát biểu tại buổi họp dân nhưng bà con vẫn không đồng tình rồi bỏ ra về, không ký tên vào biên bản - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Sắp tới huyện sẽ tiếp tục mời đơn vị thi công thông kê toàn bộ nhà, vật kiến trúc, cây trồng lại và yêu cầu doanh nghiệp phải có hướng bồi thường rõ ràng cho dân mới tiến hành thi công" - ông Hợp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận