Cầu Việt Trì (bên trái) song song với cầu Hạc Trì |
Người dân, tài xế cho rằng việc này là ép ôtô đi vào cầu Hạc Trì để thu phí nhưng thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định cầu Việt Trì đã xuống cấp, không kham nổi ôtô chạy chung với đường sắt.
Việc cấm ôtô đi qua cầu Việt Trì được thực hiện từ cuối năm 2015 và nhiều tài xế phản ứng vì cho rằng bị ép đi sang cầu Hạc Trì để thu phí BOT với mức thu thấp nhấp 35.000 đồng/lượt cho xe 12 chỗ ngồi trở xuống.
Tuy nhiên, cách đây 3 ngày, Công ty CP BOT cầu Việt Trì xây thêm trụ bê tông giữa đường lên cầu Việt Trì để chặn triệt để ôtô.
Theo những người dân phường Bạch Hạc, ngoài việc phải trả phí, họ phải đi thêm 5-6 km để qua cầu Hạc Trì tới trung tâm thành phố Việt Trì. Vì vậy, người dân nghị phải bỏ trụ bê tông để xe ôtô của họ được đi qua cầu Việt Trì.
Ông Chu Việt Bằng Phi - Giám đốc điều hành Công ty CP BOT cầu Việt Trì (Nhà đầu tư cầu Hạc Trì) - lý giải sau khi kiểm định thấy cầu Việt Trì bị xuống cấp, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã cấm ôtô qua cầu Việt Trì, phân luồng cho ôtô qua cầu Hạc Trì.
Tuy nhiên, việc ôtô vẫn tìm cách đi qua cầu Việt Trì để né trạm thu phí cầu Hạc Trì ảnh hưởng đến việc hoàn vốn cho cầu Hạc Trì.
Công ty CP BOT cầu Việt Trì được Tổng cục Đường bộ cho phép thực hiện giải pháp ngăn ôtô né trạm thu phí bằng cách qua cầu Việt Trì. Những trụ này được sơn phản quang, có đèn cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông cho xe máy qua lại.
Cũng theo ông Phi với những người dân có hộ khẩu ở phường Bạch Hạc và có ôtô dưới 7 chỗ chính chủ được Nhà đầu tư giảm 72% mức phí vé tháng qua cầu Hạc Trì từ khi thực hiện thu phí từ tháng 12-2015.
Lý do người dân phản ứng là do phải đi xe thêm chứ không phải do mức phí cao. Nhưng nếu cho ô tô của người dân phường Bạch Hạc đi qua cầu Việt Trì thì cũng không đảm bảo an toàn cho cầu và những xe khác cũng qua cầu Việt Trì để né trạm thu phí cầu Hạc Trì.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cầu Việt Trì được xây dựng từ lâu dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Nhiều năm qua cầu Việt Trì thường phải nâng cấp. Việc xây thêm cầu Hạc Trì cũng nhằm để thay thế cầu Việt Trì vì năng lực cầu Việt Trì có giới hạn, sửa chữa tốn kém.
Vào năm 2015, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ thuê tư vấn kiểm định cầu Việt Trì. Kết quả cho thấy cầu Việt Trì chỉ có khả năng đảm bảo cho tàu hỏa đi qua, hai bản đường bộ chạy xe hai bên cầu đã rất yếu.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị quản lý cầu Việt Trì) đề nghị không cho ô tô qua cầu.
Ông Trường cho biết thêm Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Vĩnh Phú đưa ra hai phương án là nâng cấp cầu Việt Trì nếu để ôtô đi qua hoặc sẽ chỉ cho xe máy và xe sửa chữa, duy tu đường sắt lưu thông, ôtô đi qua cầu Hạc Trì.
“Do không có kinh phí nâng cấp cầu Việt Trì nên tỉnh Phú Thọ đồng ý phương án phân làn, cấm ô tô qua cầu Việt Trì.
Nguyên nhân là như vậy chứ không phải cấm để ép ôtô đi vào cầu Hạc Trì”- ông Trường cho biết.
Người dân phản ứng khi đường lên cầu Việt Trì được xây trụ ngăn ôtô - Ảnh facebook otofun |
Đến chiều 4-3 người dân dỡ bỏ một trụ bê tông giữa đường lên cầu Việt Trì.
Cầu Hạc Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng. Đây là dự án được Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (CIENCO 1) - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) - Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn- Bộ Quốc phòng (Thái Sơn) (Liên danh Cienco1 - Yên Khánh - Thái Sơn) thực hiện theo hình thức BOT.
Cầu được khánh thành vào 19-5-2015, và thu phí hoàn vốn từ 7-12- 2015. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 20 năm 8 tháng.
Vào cuối giữa tháng 12- 2015, Công ty CP BOT cầu Việt Trì có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép công ty này phối hợp Công ty TNHH MTV đường sắt Vĩnh Phú phối hợp với để làm rào chắn, ụ nổi ngăn xe lưu thông qua cầu Việt Trì vì có nhiều ôtô không chấp hành lệnh cấm, vẫn qua cầu Việt Trì làm mất an toàn cầu Việt Trì và ảnh hưởng kế hoạch hoàn vốn cầu Hạc Trì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận