25/01/2018 15:01 GMT+7

Dân phản đối xáng cạp, lãnh đạo huyện mong 'bà con thấu hiểu'

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Tỉnh An Giang cho phép doanh nghiệp nạo vét sông Hậu với mục đích hạn chế sạt lở bờ, nhưng người dân trên địa bàn không đồng ý, đòi rút ngay xáng cạp ra khỏi lòng sông.

Dân phản đối xáng cạp, lãnh đạo huyện mong bà con thấu hiểu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Huynh - phó chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) đối thoại với người dân về dự án nạo vét sông Hậu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Nguyễn Ngọc Huynh - phó chủ tịch UBND huyện An Phú, An Giang - hôm nay 25-1 đã có buổi đối thoại với 45 hộ dân ở xã Vĩnh Trường liên quan đến việc hàng chục hộ dân kéo nhau ra giữa sông phản ứng xáng cạp nạo vét sông Hậu vừa qua.

Mở đầu buổi đối thoại, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thông tin về việc khảo sát, đánh giá toàn diện dự án "Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Vĩnh Trường, Đa Phước, huyện An Phú, An Giang" được UBND tỉnh An Giang phê duyệt.

Dự án này do Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản Minh Thư thi công trong 2 năm, với chiều dài đoạn nạo vét là 1,4km, rộng 130-180m và sâu 11m. Tổng trữ lượng cát thu hồi được ước khoảng 700.000m3

Mục đích chính của dự án là hạn chế sạt lở bờ xã Châu Phong, đồng thời khơi thông luồng chảy sông Hậu.

Dân phản đối xáng cạp, lãnh đạo huyện mong bà con thấu hiểu - Ảnh 2.

"Bà con sẵn sàng hy sinh cho lấy cát lấp qua nơi sạt lở bờ Châu Phong chứ không thể cho lấy cát 2 năm nơi này được", người dân nằm trong khu vực dự án lên tiếng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, các hộ dân có mặt bày tỏ không đồng ý với dự án. Bà con lo ngại sạt lở và cho rằng dự án triển khai đến 2 năm là quá dài. Bà con yêu cầu chính quyền rút ngay những xáng cạp đang đậu giữa sông Hậu.

Bà Phạm Thị Chi, 47 tuổi, phát biểu tại buổi đối thoại: Nếu triển khai dự án này thì 80 hộ dân trong khu vực sẽ có nguy cơ sạt lở và sụp nhà xuống sông Hậu bất cứ lúc nào, vì nơi này là đất bùn pha cát được bồi lấp nhiều năm qua.

Một người dân khác tên Thúy nói: "Tôi tha thiết yêu cầu chính quyền nếu thương dân thì hãy rút ngay xáng cạp đi nơi khác. Chúng tôi không đồng tình nạo vét cát nơi này vì bên kia sông đã sạt lở nặng lắm rồi. Nếu tiếp tục múc cát thì nơi này sẽ sụp mất đất, mất nhà hết".

Dân phản đối xáng cạp, lãnh đạo huyện mong bà con thấu hiểu - Ảnh 3.

Xáng cạp lấy cát đã xuất hiện trên sông từ trước khi chính quyền họp dân để bàn về dự án - Ảnh: BỬU ĐẤU

Giải đáp thắc mắc của bà con, ông Hồ Văn Quý - trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT An Giang khẳng định dự án có lợi cho người dân.

"Hiện tại bờ xã Vĩnh Trường đã bồi lấp 3/4 dòng sông rồi. Nếu không nạo vét chỉnh trị dòng chảy và làm bờ kè bên xã Châu Phong thì dòng nước xoáy hàng năm sẽ ăn sâu vào bờ xã Châu Phong và thậm chí có thể xóa sổ cả xã này", ông Quý nói.

"Những băn khoăn lo sạt lở của bà con thì Sở TN-MT thấu hiểu hết. Tuy nhiên, dự án này hoàn toàn có lợi cho bà con, không thể nào gây sạt lở được, bởi nạo vét cách đường bờ hai bên sông Hậu 60-100m. Nghiên cứu cho thấy khu vực này mỗi năm bồi lắng khoảng 92 tấn, sau nạo vét lần này thì 7-10 năm sau khu vực này sẽ tiếp tục bồi lắng nữa. Việc sạt lở như bà con lo lắng là không thể xảy ra".

Ông Hồ Văn Quý cũng cam kết nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra sự cố, Sở sẽ đề nghị dừng ngay dự án này.

Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Huynh cho biết sẽ chuyển các ý kiến để UBND tỉnh xem xét.

"Mong bà con hiểu và thông cảm cho chính quyền. Hiện nay tình trạng sạt lở ở Châu Phong đã và đang diễn ra nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp kịp thời hạn chế bờ Châu Phong sạt lở và ổn định dòng chảy tránh sạt lở cho bờ Vĩnh Trường thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ xóa mất cả đường bờ Châu Phong, nước sẽ tấn công hàng ngàn ha lúa 3 vụ của bà con bên đó, thiệt hại sẽ rất lớn", ông Huynh nói.

Trước đó, ngày 16-1, vì lo ngại sạt lở do việc nạo vét sông Hậu, hàng chục hộ dân ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường đã kéo nhau ra giữa sông để phản ứng với xáng cạp đang hút cát. Bà con đã quay phim và đưa lên mạng xã hội, tạo dư luận bức xúc trong khoảng thời gian đầu tháng 1-2018.

Dân phản đối xáng cạp, lãnh đạo huyện mong bà con thấu hiểu - Ảnh 4.

Từ lúc có sà lan và xáng cạp vào lấy cát, người dân ăn ngủ không yên vì lo sợ sạt lở - Ảnh: BỬU ĐẤU

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp