Người mẫu Hà Lan Manuel Broekman đốn tim không biết bao nhiêu người đẹp - Ảnh: fatkidscake
Sau vụ lùm xùm chuyện ông trùm làm phim người Mỹ Harvey Weinstein lạm dụng tình dục nhiều diễn viên, rồi đến phong trào #MeToo, rõ ràng là mẫu người đàn ông mà nữ giới muốn có hiện nay là phải biết tôn trọng người khác phái.
Hơn thế nữa, phải xem người khác phái cũng là những "con người" có quyền tự chủ, là không quấy phá họ nơi công cộng, và nhất là không được ép uổng phụ nữ khi họ tỏ dấu hiệu không đồng tình.
Để tìm hiểu thực hư chuyện này ra sao, nữ nhà báo Pháp Sophie Perrier đã cất công đây đó để tìm cho ra một hình mẫu nam giới có thể gọi là "đàn ông hoàn hảo". Cô đã tìm ra được rồi: đàn ông Hà Lan.
Đàn ông Hà Lan số một
Tại xứ sở Bắc Âu này, nam giới sống tuân thủ nghiêm chỉnh nhất theo những chuẩn đạo đức do phong trào nữ quyền thiết lập nên từ thập niên 1970!
Trong tuần, họ làm việc ít hơn một ngày để ở nhà chăm sóc con và cáng đáng nội trợ, họ răm rắp nghe lời vợ trong mọi quyết định, họ với vợ trong công ăn việc làm, ra đường hay đến dự tiệc họ không bao giờ dám liếc mắt đưa tình bất kỳ phụ nữ nào, họ luôn đắn đo suy xét trước hậu quả do quan hệ tình dục rồi mới dám… thực hành!
Nói chung, đàn ông Hà Lan luôn hành xử với phụ nữ theo ba nguyên tắc sau đây: bình đẳng, tôn trọng và trách nhiệm.
Và câu hỏi đặt ra là: vậy liệu phụ nữ từ các nước khác có ý định đổ xô sang Hà Lan để cưới được một ông chồng lý tưởng mà họ hằng mong đợi hay không?
Khi cô Sophie Perrier đi lấy ý kiến nhân chứng để thực hiện quyển sách "L'Anti-macho" (tạm dịch "Chống thói gia trưởng") của mình, cô đã tiếp xúc với khoảng 40 phụ nữ độ tuổi 25 - 35 từ nhiều nước khác nhau đến Hà Lan sinh sống, và đã ghi lại được nhiều ý kiến của họ, gồm cả hoan hỉ và thất vọng.
Thật vậy, các phụ nữ này không ngớt lời ca ngợi tính cách chân thành, chung thủy và tin tưởng của đàn ông Hà Lan, họ cũng ghi nhận một bầu không khí sinh hoạt bình đẳng đến tận gốc rễ giữa hai giới trong xã hội Hà Lan.
Nam người mẫu Ton Heukels thuộc trong số những đàn ông Hà Lan hấp dẫn nhất - Ảnh: DESIGNS FEVER
Nhưng cũng đa số họ lại tỏ ra bối rối, phân vân trước một thực tế khác là nam giới tại Hà Lan quá hờ hững với phụ nữ vì… bình đẳng mà, ai cũng như ai: đàn ông tại thủ đô Amsterdam không bao giờ "biết" xách vali hay vật nặng giùm phụ nữ, không bao giờ đưa bạn nữ về nhà sau những buổi tiệc muộn, không bao giờ bật quẹt khi phụ nữ lấy một điếu thuốc ra hút, và không bao giờ "chịu" đứng ra trả tiền hết cho bữa ăn chỉ có hai người.
Bình đẳng mà: ai ăn thì người đó trả!
Tốt hay xấu? Khi trong một xã hội hoàn toàn bình đẳng giữa nam và nữ, đàn ông tự mình tước mất đi vai trò và vị thế của một "phái mạnh" trước phụ nữ, họ không còn tự đặt mình là một đối tượng phải biết che chở và bảo vệ phụ nữ.
Bình đẳng mà: thân ai nấy lo. Sướng cũng vậy, mà cũng khổ thế!
Suy cho cùng phụ nữ tìm gì?
Sống tại Hà Lan, những phụ nữ ngoại quốc nói trên ban đầu tỏ ra sửng sốt, sửng sốt đến mê ly (!) khi họ có thể ngồi một mình đọc sách hàng giờ liền trong một quán cà phê mà không phải lo sợ cảnh giác bị những ánh mắt "đen tối" nào của đàn ông soi mói.
Họ cũng lạ là mình có thể mặc váy ngắn rất khêu gợi lang thang trên những đoạn đường vắng mà không hề sợ bị những gã "dê xồm" chọc ghẹo bất lịch sự hay "yêu râu xanh" hãm hại.
Và họ cũng hoàn toàn yên tâm trên các phương tiện giao thông công cộng vì chẳng có "bàn tay quờ quạng" nào dám loạn xạ trên xe buýt đâu.
Thế nhưng, song song đó, những phụ nữ này lại tiếc nuối không ít, tiếc là không nhận được những mối quan tâm đúng nghĩa từ phái mạnh, không tìm được những quý ông nhè nhè vui nhộn trong những bữa tiệc hay các quán bar.
Thế là, sau một vài năm sống tại Hà Lan, các phụ nữ ngoại quốc này không còn thiết gì đến chuyện trang điểm cho đẹp hay mặc váy cho "bốc" khi đi ra đường nữa, bởi có làm đẹp thì cũng… thế thôi.
"Đẹp" và "gợi cảm" để làm gì trong một xã hội mà đàn ông luôn "lạnh như tiền" và nhạt nhẽo đến mức… không còn từ nào để diễn tả được! Bản năng làm đẹp của phụ nữ trong một xã hội như thế đã bị triệt tiêu.
Phụ nữ tại đây nhận xét chân thành rằng đàn ông Hà Lan không bao giờ biết… năn nỉ, tỏ tình hay dẫn dụ, nói nôm na là không biết "cua" gái.
Họ chỉ biết hỏi cô gái có "chịu" hay không mà thôi. Mà một khi cô gái không chịu thì đàn ông Hà Lan cũng… chịu luôn, không "ép".
Bình đẳng mà: không chịu thì thôi! Mà là phụ nữ, có ai "gật" liền ngay lập tức đâu, một cái "lắc" cũng có nghĩa là "gật một nữa" rồi còn gì… Thật chán.
Phụ nữ học khiêu vũ trên giày trượt năng động tại một lớp ở thủ đô Amsterdam - Ảnh: YOUTUBE
Từ thực tế đó, chúng ta có thể hiểu được một nội tâm vô cùng "cấm kỵ" và "nhạy cảm" của nữ giới, đó là có rất nhiều phụ nữ từ trong sâu thẳm lòng mình không mong muốn có được một xã hội bình đẳng giới một cách hoàn hảo, một cách quá cầu toàn.
Mặc dù đôi khi chính bản thân phụ nữ cũng không ý thức được điều này, song những nét khác biệt giới tính, những cử chỉ "nịnh đầm" hay bỡn cợt đúng mức trong quan hệ xã hội và trong môi trường làm việc giữa nam và nữ, từ lâu đã là một phong cách sinh hoạt mà phụ nữ muốn có được, bởi khi thiếu nó đi thì kết quả và hậu quả sẽ là: đầu tiên, phụ nữ sẽ cảm thấy được nhẹ nhõm, được cởi trói, được tự do, nhưng rồi họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình bị thiếu đi một "cái gì đó rất quan trọng" nhưng lại rất mơ hồ, rất mông lung không định nghĩa được.
Đó như một chất "muối" thêm vị mặn mà cho cuộc sống hằng ngày, đó như là một chất xúc tác cho cảm xúc thăng hoa mà phụ nữ rất cần có được, mà giờ đây thiếu nó đi thì cuộc sống của phụ nữ sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo và nhàm chán vô cùng.
Nhiều phụ nữ hiện nay mạnh mẽ lên tiếng là họ đã chán ngán việc bị xem là sở hữu vật chất cho những ham muốn sắc dục của đàn ông.
Nhưng trong tiềm thức, đa số họ vẫn mong muốn được hưởng một "đặc quyền" của phái đẹp, là được đàn ông quan tâm chăm sóc, được nhận những ánh mắt đưa tình của nam giới, và được có quyền nũng nịu, thu hút cánh đàn ông để có thể tìm được bạn tình hay người chồng như ý. Không có được tất cả những điều đó, phụ nữ sẽ mủi lòng lắm thay!
Khi tâm tình riêng với nhau, cho dù họ luôn đấu tranh để có được quyền tự chủ và địa vị ngày càng cao trong xã hội, phụ nữ luôn chia sẽ là họ luôn muốn được đàn ông nuông chiều, họ không muốn có một xã hội mà quan hệ nam nữ trở nên "trung tính", bởi từ trong bản năng sinh vật, phụ nữ luôn xem mình là một đối tượng được "lệ thuộc" (theo nghĩa tích cực) vào một đối tượng che chở là người khác phái.
Nếu không thì tạo hóa sinh ra hai giới tính để làm gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận