28/07/2017 14:46 GMT+7

Đàn ông đi biển hồn treo cột buồm

THÁI THỊNH - DUY THANH
THÁI THỊNH - DUY THANH

TTO - Chuyện về tàu câu mực của thuyền trưởng Nguyễn Thành Ngọc ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bị tàu nước ngoài treo cờ Indonesia bắn đêm 22-7 khiến bốn ngư dân bị thương làm rúng động người đi biển.

Con tàu của một ngư dân thôn Vĩnh Hội mới đây ra khơi gặp nạn, dạt vào bờ. Biển cho cá tôm nhưng cũng nhiều bất trắc - Ảnh: THÁI THỊNH
Con tàu của một ngư dân thôn Vĩnh Hội mới đây ra khơi gặp nạn, dạt vào bờ. Biển cho cá tôm nhưng cũng nhiều bất trắc - Ảnh: THÁI THỊNH

 

Chúng tôi cho rằng việc lực lượng chấp pháp các quốc gia dùng vũ khí đối với ngư dân lỡ xâm phạm vùng biển là không phù hợp

Đại tá NGUYỄN NGỌC ANH (chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Định)

Ra khơi mùa này lành ít dữ nhiều, không chỉ dông bão mà còn những con tàu hung dữ rập rình trên biển.

Hiểm nguy chực chờ

Ông Trần Văn Mính - trưởng thôn Vĩnh Hội - cho biết cả thôn Vĩnh Hội có 340 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Biển cả ngày càng khó khăn, cá mắm ít dần, phải đi khơi xa.

Nhưng đi biển xa thì đối mặt với bao bất trắc. “Đàn ông đi biển hồn treo cột buồm mấy chú ơi!” - ông Mính cảm thán.

Đây không phải lần đầu tiên ngư dân làng biển Vĩnh Hội bị tàu nước ngoài bắn. Hồi tháng 5, trên tàu câu mực BĐ 10783 TS, ngư dân trẻ Nguyễn Hữu Thiện (23 tuổi) khi đang bắt mực ngoài khơi cũng bị tàu chấp pháp Indonesia bắn.

Thiện bị một phát đạn găm vào hông phải, giờ vẫn còn một vết sẹo lớn. Tàu sau đó bị kéo về Indonesia. Thiện bị thương nên được gắp viên đạn ra và thả về. Những người khác vẫn đang bị giam giữ. Sau chuyến này, Thiện bỏ luôn nghề biển.

Ông Nguyễn Mười - ngư dân có hơn 20 năm bám biển - là một trong bốn ngư dân Vĩnh Hội may mắn thoát chết trong cơn bão Linda (bão số 5 năm 1997) khi đang đi đánh bắt trên con tàu do ông Trần Đình Nho, dân địa phương, làm thuyền trưởng. Ông nói nhớ hoài.

“Bữa đó, khi cách đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 5 hải lý thì mưa lớn, gió lớn, những con sóng cao 7-8m đã nhấn chìm con tàu. Tôi cùng ba người may mắn bám được vào can nhựa nên sống sót, còn thuyền trưởng Nho và một người tên Hùng nằm lại biển đã 10 năm nay rồi...” - mắt ông Mười ngân ngấn nước.

Cần được tiếp sức nhiều hơn

Không riêng làng biển Vĩnh Hội, ngư dân Bình Định thời gian gần đây cũng gặp nhiều khó khăn trong khi khai thác khơi xa.

Ông Võ Đăng Khoa - ngư dân ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), người từng bị Indonesia bắt giữ - cho biết: “Tôi bị bắt giam đến chín tháng, bị thu tàu, ngư cụ, hải sản, đến đầu năm 2017 mới thả về”.

Ông trần tình: khi bắt đầu thả lưới thì máy định vị báo vẫn ở vùng biển mình, nhưng quá trình chạy thả lưới, phần nước trôi, phần ham cá nên mình vi phạm và bị bắt. Bị bắt là mất hết, còn bị bỏ tù.

Ông nói không cố ý nhưng rủi thì chịu. Về lại nhà, trắng tay, ông đi bạn cho tàu khác kiếm sống và nuôi vợ con.

Còn ông Ngô Trương Trung - 46 tuổi, chủ tàu BĐ 93241 TS ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - cũng không thể nào quên được khoảnh khắc tàu của ông với 15 ngư dân trên tàu bị tàu hàng nước ngoài mang tên Marianna tông chìm lúc 10h sáng 1-5, khi đang neo tàu đánh bắt cách Quy Nhơn khoảng 30 hải lý.

Tàu chìm, một bạn thuyền chết, một người bị thương nặng, 13 người được chính chiếc tàu gây tai nạn vớt lên.

Đại tá Nguyễn Ngọc Anh - chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định - cho biết thời gian qua, bộ đội biên phòng cùng các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân không được xâm phạm vùng biển nước ngoài.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc lực lượng chấp pháp các quốc gia dùng vũ khí đối với ngư dân lỡ xâm phạm vùng biển là không phù hợp” - ông Ngọc Anh nói.

Ngư dân luôn cần được bảo vệ

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Anh, thời gian qua Việt Nam và các nước trong khu vực cũng đã tổ chức các diễn đàn để hợp tác nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, trong đó những giải pháp mang tính nhân đạo và hợp tác quốc tế tốt đẹp đã được nêu ra, song một vài nước vẫn áp dụng biện pháp quá cứng rắn.

Ông cho biết các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam luôn có mặt thường xuyên hơn ở những vùng biển chồng lấn với quốc gia khác để bảo vệ ngư dân, phối hợp kịp thời với lực lượng chấp pháp của nước bạn xử lý khi xảy ra vụ việc, giúp bà con yên tâm bám biển làm ăn.

THÁI THỊNH - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp