Bộ đội cứu hộ dân còn mắc kẹt ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sơ tán đến nơi an toàn - Ảnh: HÀ THANH
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chiều 20-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Hà Tĩnh là địa phương có kinh nghiệm, chủ động cao trong công tác ứng phó với bão lụt, vì vậy đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Ông Hà Văn Bình - chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết đây là đợt mưa lũ lịch sử kể từ năm 2010 đến nay. Dù đã có kế hoạch chủ động ứng phó với mưa lũ nhưng do mưa lớn kéo dài và hồ Kẻ Gỗ xả lũ ảnh hưởng tới hơn 13.390 hộ dân, toàn bộ huyện Cẩm Xuyên ngập trong nước lũ.
Trong đó có 6 xã chịu thiệt hại nặng nề nhất gồm Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan.
"Nước xuống chậm, việc ứng cứu đưa người dân ra các điểm tập trung gặp rất nhiều khó khăn do phương tiện cứu hộ hạn chế, nước lũ chảy xiết, vừa phải đảm bảo an toàn cho người dân và cả lực lượng cứu hộ. Ưu tiên trước mắt hiện nay là đưa người già, trẻ nhỏ ra khỏi vùng lũ, đồng thời mang hàng cứu trợ vào cho bà con", ông Bình nói.
Suốt hai ngày qua, lực lượng công an, quân đội không quản ngày đêm vượt lũ đến giúp dân đưa hàng ngàn người già, trẻ nhỏ sơ tán đến nơi an toàn và cứu hộ những người còn mắc kẹt trong dòng nước lũ.
Ngày 20-10, mất bốn giờ đi canô vượt biển nước mênh mông, bộ đội mới tiếp cận được bà con xã Cẩm Duệ. Run run trong dòng nước lũ, ông Dương Ngọc Trí (xã Cẩm Duệ) liên tục nói "cảm ơn các chú bộ đội".
Nhà ông ngập nước hơn 1m, cứ dâng cao dần cao dần, đến lúc chỉ còn đứng ở nóc nhà mà trông ra, lợn gà chết trong dòng nước lũ chảy xiết.
Ông bật khóc khi đọc mấy câu thơ: "Vì miền Trung ruột thịt của ta / Trận lũ lớn ta ghi vào lịch sử / Nhận món quà đầy lòng nhân ái / Kỷ niệm này ta nhớ mãi không quên".
Sơ tán lên nơi cao nhưng nước cứ dâng cao mãi, vợ chồng cụ Đặng Văn Giao (82 tuổi) cùng 3 đứa cháu mỏi mắt trông theo dòng nước lũ.
Giây phút bộ đội bơi vào tận nhà đưa cụ ông, cụ bà cùng con cháu lên thuyền, họ rưng rưng: "Một củ sắn ăn trừ bữa cũng được, một hạt ngô ngậm qua ngày vẫn vui, nhưng chỉ lo nhất mấy đứa cháu. Giờ chỉ có một lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các chú bộ đội đã vô cứu".
Tại vùng lũ Thạch Hà (Hà Tĩnh), nhiều nhà dân vẫn ngập 1 - 1,5m. Một số người dân có việc cần đều phải di chuyển bằng thuyền, còn lại đều "cố thủ" trên nóc nhà để tránh lũ.
Nhận thùng mì gói và ít nước sạch từ xuồng cứu hộ, ông Trần Văn Lam (46 tuổi, ngụ thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) vui mừng vì có thêm lương thực để cầm cự trong ngày mưa lũ.
"Mất điện, giếng ngập nên không có gì để nấu nướng. May nhờ hàng xóm cho ít củi để đun tạm nước sôi pha mì", ông Lam nói. Ba mẹ con ông Lam đều đi tránh lũ, nhà chỉ còn mình ông ở lại. Nước lên đến đâu ông lại hối hả kê đồ đạc lên đến đó.
Trong khi đó, nhiều chuyến xe cứu trợ từ các tỉnh phía Bắc vẫn đang hướng về Hà Tĩnh. Vừa bốc xếp hàng cứu trợ, anh Lưu Văn Việt (31 tuổi) - trưởng đoàn cứu trợ của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - chia sẻ: "Đoàn trên đường vào Quảng Trị, nhưng khi đến đây thấy người dân vùng lũ Hà Tĩnh khó khăn quá nên tiếp tế cho vùng này trước.
Chuyến này chúng tôi cứu trợ hơn 100 thùng mì gói, nước sạch cho bà con. Nếu đường thông, chúng tôi sẽ tiếp tục vào Quảng Bình, Quảng Trị hỗ trợ bà con sớm vượt qua khó khăn do thiên tai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận