Người dân tháo chạy khỏi thị trấn Hlaing Tharyar sáng 16-3, sau khi quân đội Myanmar thiết quân luật tại đây - Ảnh: IRRAWADDY
"Những lao động nhập cư đang tháo chạy khỏi thị trấn Hlaing Tharyar để trở về bang quê nhà của họ. Dòng người chen lấn trên đường kéo dài hút tầm mắt", Đài Tiếng nói dân chủ Myanmar (Democratic Voice of Burma) nói.
Xác nhận việc tháo chạy ồ ạt khỏi các khu vực bị áp lệnh thiết quân luật với Hãng tin AFP, một người dân nói họ muốn đi trước bình minh và những người biểu tình đã dỡ bỏ rào chắn để họ rời đi.
"Sau 9h, các con đường lại bị chặn bằng rào chắn. Mọi người chỉ được phép rời đi trong buổi sáng" - người này nói và cho biết người dân không dám ra đường vì nghe tiếng súng vào ban đêm.
Người dân chất hành lý ngồi trên xe tuk-tuk để rời Hlaing Tharyar, Myanmar sáng 16-3 - Ảnh: IRRAWADDY
Truyền thông địa phương Myanmar sáng 16-3 công bố hình ảnh người dân đang cố rời khỏi những thị trấn bị áp lệnh thiết quân luật ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar và là trung tâm các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.
Hình ảnh trên báo Irrawaddy cho thấy người dân chen chúc nhau trên xe tải, xe tuk-tuk đang mắc kẹt giữa những dòng xe cộ đông đúc trên đường phố. Một số người ngồi trên xe máy, ôm theo thú cưng trong khi số khác nhét đồ đạc trong các túi nhựa trên xe tuk-tuk.
Phần lớn đất nước Myanmar rơi vào hỗn loạn từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính ngày 1-2, bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo khác của chính quyền dân cử. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối đảo chính và yêu cầu thả các lãnh đạo bị bắt.
Cảnh sát và binh lính Myanmar đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để đàn áp các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày. Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) ở Myanmar cho biết ít nhất 20 người thiệt mạng tại nhiều thành phố của nước này trong ngày 15-3 và hơn 180 người đã thiệt mạng từ sau cuộc đảo chính.
Dòng xe cộ nối nhau rời khỏi thị trấn Hlaing Tharyar, Myanmar sáng 16-3 - Ảnh: IRRAWADDY
Chính phủ Myanmar đã áp lệnh thiết quân luật tại thị trấn Hlaing Tharyar và 5 thị trấn khác, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu dân, ở Yangon sau vụ người biểu tình đốt các nhà máy của Trung Quốc tại thị trấn này hôm 14-3. Bất cứ ai bị bắt vì vi phạm đều bị tòa án quân sự xét xử, với mức án từ 3 năm lao động khổ sai đến tử hình.
"Việc áp lệnh thiết quân luật cực kỳ đáng lo ngại, thể hiện bước thụt lùi đáng kể tình hình ở Myanmar" - bà Melissa Crouch, chuyên gia về luật Myanmar tại ĐH New South Wales, nhận định.
Cùng ngày, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo giá nhiên liệu và thực phẩm tăng ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1-2 có thể ảnh hưởng tới các hộ nghèo. Trong đó, giá dầu cọ tăng 20% ở các khu vực quanh thành phố lớn Yangon kể từ 1-2, giá gạo cũng tăng 4% ở Yangon và Mandalay từ cuối tháng 2.
Tại một số khu vực của bang Kachin ở phía bắc Myanmar, giá gạo thậm chí tăng 35%, trong khi giá dầu và đậu cũng tăng cao tại bang Rakhine ở phía tây đất nước, theo WFP.
Xăng tăng 15% trên toàn quốc sau ngày 1-2 và lo ngại việc này còn khiến giá thực phẩm tăng cao hơn nữa.
WFP hiện đang hỗ trợ hơn 360.000 người tại Myanmar, hầu hết họ đều mất nhà cửa vì các cuộc xung đột trong thập kỷ qua, theo Hãng tin Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận