03/04/2017 11:14 GMT+7

Dàn nhạc Đông Nam Á  bước chạy đà khá lạ

BÙI DŨNG
BÙI DŨNG

TTO - Trong tầm nhìn 5 năm xây dựng Dàn nhạc Đông Nam Á (SEA Sound), chương trình Đêm vô thức Tây Bắc diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 3 như sự khai mở cho một dự án âm nhạc đầy tham vọng.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều dân tộc khác nhau trong Đêm vô thức Tây Bắc - Ảnh: L.P.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều dân tộc khác nhau trong Đêm vô thức Tây Bắc - Ảnh: L.P.

Khuôn viên của đêm trình diễn là phòng thu của Trung tâm thể nghiệm âm nhạc Phù Sa Lab. Sân khấu vừa đủ cho 25 nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn, gồm cả nhạc trưởng.

Các nghệ sĩ và khán giả cách nhau chỉ vài bước chân và số người thưởng thức trên khán đài dù đông kín nhưng chỉ gấp khoảng ba lần số nghệ sĩ biểu diễn.

Buổi “vỡ bài” mang dư vị lạ

11 tiểu phẩm âm nhạc với chất liệu âm nhạc chủ đạo của khu vực Tây Bắc do các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác được cất lên nghe vừa quen vừa lạ.

Vì biểu diễn trong không gian hẹp nên quy mô dàn nhạc hiện có ít hơn một chút so với “biên chế chuẩn” dự tính cho mỗi buổi diễn trên sân khấu lớn là khoảng 40 nhạc công, nghệ nhân, nghệ sĩ khi Dàn nhạc Đông Nam Á hình thành.

Có vài nét khác biệt của “dàn nhạc Tây Bắc” này so với dàn nhạc giao hưởng. Đầu tiên là trang phục của các nghệ sĩ trình diễn rất đa dạng, nhìn vào có thể nhận biết nghệ nhân hay nhạc công đó là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng hay Thái…

Sau y phục, phần khác biệt về nhạc cụ và chất liệu âm nhạc rất rõ ràng. Các tiểu phẩm mang những tên gọi như Ngẫu, Tụ, Chênh, Tí, Cội, Sắc, Tình… lần lượt được thể hiện bằng âm điệu, tiếng nhạc của đàn tính, đàn môi, kèn lá, kèn bầu, khèn…

Yếu tố nhạc cụ mang đặc trưng của vùng Tây Bắc, trong đó có những nhạc cụ được chế tác thêm như chum, chùm sóc và cả nhạc cụ mới do chính các nghệ sĩ Phù Sa Lab sáng tạo nên như “đàn đó”.

Ngoài những phần hòa tấu như cách dàn nhạc giao hưởng thể hiện, các phần có lời hát hoặc có hòa giọng vocal của ca sĩ Mai Khôi và nghệ nhân hát nhạc dân tộc được khán giả tán thưởng nhiều hơn cả.

Trong tiết mục thể hiện một làn điệu ru con của người Nùng, Mai Khôi chia sẻ cô muốn mang tới khán giả vẻ đẹp âm nhạc dân tộc khi tiếng vocal được hòa trộn với nhạc cụ phù hợp và vẫn có nét riêng khi làm mới làn điệu cổ.

Nhạc trưởng của dàn nhạc có lúc là nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, có lúc là nhạc sĩ Ngọc Đại và thay vì giơ đũa chỉ huy, họ chỉ dùng tay hoặc ra dấu hiệu. Đêm mở màn mà có khán giả gọi là mang tính “vỡ bài” khép lại thành công, đủ để chờ đợi cho đêm tiếp nối vào ngày 30-6 tại TP.HCM mang chủ đề âm nhạc Tây nguyên.

Dự án dài hơi và tham vọng

Xây dựng Dàn nhạc Đông Nam Á xuất phát từ ý tưởng của nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý cùng các nghệ sĩ của Phù Sa Lab.

Theo đề án thành lập, SEA Sound được miêu tả là dự án xây dựng dàn nhạc lớn từ âm sắc nhạc khí của các dân tộc có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á.

Nghệ sĩ Nhất Lý nói: “Chúng tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng kết hợp cồng chiêng và các nhạc khí có nguồn gốc bản địa tại các nước Đông Nam Á được chế tác chủ yếu từ tre nứa để xây dựng một dàn nhạc lớn mang màu sắc Đông Nam Á tại Việt Nam. Dàn nhạc này có thể đại diện cho ASEAN để giao lưu âm nhạc với thế giới”.

Với quyết tâm cho ra đời SEA Sound, Phù Sa Lab kết hợp cùng Lune Production, đều là những đơn vị đã và đang triển khai các chương trình gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước là À Ố Show, Làng tôiSương sớm, để thực hiện những bước đi đầu tiên từ năm 2016.

Sau ba đêm trình diễn âm nhạc Tây Bắc, Tây nguyên, Nam Trung bộ, dự kiến đến cuối năm 2017 cả ba nhóm nghệ sĩ sẽ hội tụ trong sự kiện đánh dấu sự hình thành dàn nhạc. Kế hoạch của ba năm tiếp theo là sự tham gia của nghệ sĩ, nghệ nhân từ 9 nước ASEAN và mời nhạc sĩ của khu vực viết các tác phẩm khí nhạc cho SEA Sound.

Biết tới dự án từ sớm và có mặt tại buổi trình diễn Đêm vô thức Tây Bắc, chị Huỳnh Hương, cán bộ của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, bày tỏ sự thích thú với đêm nhạc và cho rằng sự ra đời của SEA Sound là rất cần thiết, táo bạo và khả thi.

“Điều đầu tiên tôi có thể góp phần cho sự hình thành dự án là đề xuất một khoản hỗ trợ từ Quỹ Japan Center dành cho giao lưu, kết nối văn hóa các nước Đông Nam Á và Nhật Bản hướng tới Olympic 2020.

Theo đó, cùng với những đêm hòa nhạc trong nước, các nghệ sĩ của dàn nhạc có thể thực hiện các chuyến đi thực tế kết hợp lưu diễn đến các nước trong khu vực và Nhật Bản” - chị Huỳnh Hương khẳng định.

BÙI DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp