16/12/2015 06:00 GMT+7

"Dân nghèo quá mà xây quảng trường 2.200 tỷ làm gì?"

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - " Có nên xây quảng trường hàng nghìn tỉ?", "Tại sao không xây lại bệnh viện?"... là các ý kiến trong hàng ngàn bức xúc của người dân xung quanh câu chuyện xây quảng trường ở Tiền Giang.

Nông dân chăn thả bò trên khu đất dự án quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang - Ảnh: V.Trường

Khi biết thông tin năm 2016 tỉnh Tiền Giang không có vốn để khởi công các công trình phục vụ dân sinh, bạn đọc Nguyễn Nhựt Huy viết: "Nghe tin này ở quê nhà mà buồn rớt nước mắt. Dân Tiền Giang còn nghèo, nghèo lắm các chú các bác ạ... Khám bệnh ở BV thì toàn chuyển đi TP. HCM. Những vùng sâu vùng xa chưa có đường giao thông, cầu thì mục nát chưa xây. Hãy suy nghĩ vì lợi ích thiết thực hơn cho dân". 

Tinh thần hay vật chất?

Lại thêm một vụ xây dựng quảng trường làm người dân bức xúc. Gần 2.200 tỉ đồng sắp được đổ vào quảng trường văn hóa ở tỉnh Tiền Giang trong khi còn nhiều công trình dân sinh còn chờ cấp vốn.

Theo quyết định 1733 ngày 24-7-2012 của UBND tỉnh Tiền Giang, quảng trường trung tâm tỉnh sẽ bắt đầu khởi công vào đầu năm 2016 và có tổng vốn đầu tư khoảng 2.189 tỉ đồng, bao gồm bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, sân lễ, công viên cây xanh, bãi xe, hạ tầng kỹ thuật...

Quảng trường mới sẽ xây khiến người dân kêu trời. Nhiều bạn đọc bày tỏ bất bình trước việc đầu tư quá nhiều tiền vào một công trình mà họ đánh giá là “chưa cần thiết”. 

Rất nhiều ý kiến tranh cãi việc liệu rằng nên ưu tiên bồi dưỡng giá trị tinh thần hay chăm lo đời sống cho dân trước?

GS.TS Trịnh Duy Luân, chuyên viên nghiên cứu Xã hội học Đô thị, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN) cho rằng nếu xây dựng quảng trường thành không gian văn hóa hoặc trung tâm công cộng thì đó cũng là việc cần thiết. Còn nếu nó chỉ là hội chứng “thi đua” xây dựng quảng trường, tượng đài giữa các tỉnh với nhau thì đó là việc phải ngăn chặn.

“Do ảnh hưởng của kinh tế thị trường mà các địa phương có xu hướng thích xây dựng công trình cho hoành tráng để dễ báo cáo thành tích, đôi khi có thể còn để chia hoa hồng. Trách nhiệm của hội đồng nhân dân và các cơ quan do dân bầu là phải ngăn chặn được việc có hay không việc xây dựng công trình công cộng vì lợi ích nhóm hay cá nhân”- GS.TS Trịnh Duy Luân nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng không thể chỉ chăm chăm đến lợi ích của mình trong khi người dân đang có cuộc sống khó khăn. 

“Việc xây dựng quảng trường, ngoài việc xem xét có vì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân thì còn xem đây có phải là một cách “chơi ngông”, khuếch trương? Nếu rơi vào hai trường hợp này thì nhất quyết phải ngăn lại. Còn nếu không thì nên tính toán bao quát hơn..."- TS Đỗ Quang Hưng nêu ý kiến.

Làm sao để dân hiểu?

Theo GS.TS Trịnh Duy Luân, việc quảng trường cần thiết như thế nào, đến mức độ nào đối với người dân, có nên được ưu tiên cấp vốn hay không thì phải để chính người dân quyết định.

“Bộ mặt của thành phố nhưng chủ nhân của bộ mặt ấy là người dân lại không hài lòng thì không được. Lãnh đạo TP cần tổ chức lấy ý kiến người dân, phải công bố và giải thích rõ ràng kế hoạch xây dựng.

Công trình này không nhất thiết phải bỏ đi nhưng nên tính toán cẩn trọng lại ngân sách. Về mặt kinh tế là như vậy, nhưng về mặt xã hội nên bằng mọi cách làm cho người dân hiểu và đồng thuận, có thế thì mới làm được. Nên nói rõ về vốn đầu tư và giải tỏa đền bù, đừng úp úp mở mở làm người dân nghi ngờ”, GS.TS Trịnh Duy Luân nhận định.

Ngay từ việc giải tỏa đền bù cho người dân đã làm không tốt, khiến nhiều người không có nhà ở hoặc nơi chăn thả gia súc thì không thể thuyết phục họ ủng hộ công trình này. Nguyên tắc trong việc giải tỏa bồi thường là cuộc sống của người tái định cư phải ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

GS.TS Trịnh Duy Luân đề xuất phương án hiệu quả hơn là xã hội hóa công trình này.

“Luôn có các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Nhà nước chỉ việc giám sát thôi còn ngân sách thì để chi cho các công trình an sinh xã hội khác cần thiết hơn chứ không thể đủ để làm hết mọi thứ được”, GS.TS Trịnh Duy Luân nêu quan điểm.

TS Đỗ Quang Hưng cho rằng có hai cách nghĩ, cách nghĩ thứ nhất là phải vững bền về vật chất rồi thì mới đến vấn đề bồi dưỡng về tinh thần. Cách nghĩ thứ hai khó khăn hơn nhưng cũng có cái lý của nó, đó là tuy đời sống vật chất chưa cao nhưng người ta cũng cần có cái kích thích tinh thần để vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vậy nên việc gì cũng có tính tương đối, cần xem xét kỹ trong từng trường hợp cụ thể xem có thật sự cần thiết và hợp lý hay không. Cái gì cần thiết thì hãy nên làm, không cần thiết thì nên tránh. 

Nhiều bạn đọc cho rằng việc nâng tầm thành phố khi cuộc sống của người dân còn chưa được đảm bảo là việc làm rất vô lý, là “bệnh thành tích”.

Một bạn đọc khác lại cho rằng Tiền Giang bây giờ chưa thể được gọi là “đáng tự hào” khi còn phát triển thua các tỉnh khác, tỉnh nhà cần nâng cao chất lượng sống của người dân rồi hãy xây dựng “bộ mặt” sau.

Các bạn đọc ủng hộ những tỉnh thành ưu tiên dùng ngân sách dành cho các công trình mang tính phúc lợi xã hội.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> GS.TS Trịnh Duy Luân: 

>> TS Đỗ Quang Hưng: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp