Tin nhắn hăm dọa của nhóm đòi nợ thuê nhắn cho người mượn nợ ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Vụ việc được người dân quan tâm vì tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân nghèo đang khổ sở với "tín dụng đen" nhưng không dám tố cáo để được bảo vệ.
Vay phải trả, nhưng pháp luật cấm tính lãi "cắt cổ". Làm sao để nạn nhân vay nặng lãi được bảo vệ, tin tưởng tố cáo đến cơ quan chức năng và được xử lý nghiêm? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến về việc này.
* Ông Phạm Văn Quốc (huyện Bình Chánh, TP.HCM): Xử nghiêm dân mới dám tố cáo
Trong khi việc vay tiền ở ngân hàng cần nhiều điều kiện. Ngược lại, vay qua các app điện thoại, mạng Internet khá phổ biến, cho vay nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp dễ hấp dẫn người nghèo và biến họ trở thành con mồi của "tín dụng đen".
Rất nhiều người nghèo đang âm thầm chịu đựng bị bóc lột, mất nhà, mất đất, thậm chí phải tự tử vì "tín dụng đen". Số tiền vay ban đầu chỉ vài triệu, vài chục triệu đồng, sau một thời gian tăng chóng mặt, tiền lãi trả đã gấp nhiều lần vốn gốc nhưng nợ vẫn cứ phình ra.
Người vay luôn ở thế yếu, lo sợ người cho vay lãi nặng. Khi bị dồn đến đường cùng họ mới tìm đến cơ quan công an để trình báo. Tuy nhiên có tình trạng người dân e ngại món tiền nhỏ, công an nhiều việc chưa giải quyết rốt ráo.
Cũng có tâm lý tố cáo sợ bị trả thù nên e ngại. Vì vậy, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm tội phạm cho vay lãi nặng. Khi người dân tố cáo "tín dụng đen" phải tích cực tiếp nhận, vào cuộc xử lý. Có như vậy họ mới tin tưởng mình được bảo vệ, tự tin tố cáo hành vi cho vay lãi nặng.
* Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.8, TP.HCM): Tích cực thụ lý tố giác, trấn áp tội phạm
Nhiều người dân đang phải chịu khổ sở trước "tín dụng đen" với số tiền vay ban đầu chỉ vài trăm nghìn đồng, vài triệu đồng. Bức bách họ mới đi trình báo, tố giác với cơ quan công an, vì vậy phải tích cực thụ lý để giúp họ thoát ra cảnh này.
Trên cơ sở thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm "tín dụng đen" từ người dân, tùy kết quả xác minh, đánh giá mà xử lý nghiêm theo quy định. Nếu chưa đủ yếu tố xử lý hình sự thì xử phạt hành chính để răn đe.
Về xử lý tội phạm cho vay lãi nặng, "tín dụng đen", trình bày trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu rõ quan điểm, chủ trương ngăn ngừa, đấu tranh của ngành.
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng ngành công an thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thông tư liên tịch số 01/2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Bộ trưởng Tô Lâm cũng trình bày về các biện pháp nghiệp vụ, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong thời gian qua. Đồng thời, bộ trưởng cũng khẳng định thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục truy quét, tấn công, trấn áp tội phạm "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê với lãi suất "cắt cổ", đặc biệt là hình thức cho vay tiền qua app, qua Internet nhu cầu lớn...
* Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM): Muốn xử phải gỡ vướng về luật
Bộ luật hình sự hiện hành quy định để xử lý hình sự về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" thì hành vi phạm tội phải đủ mức "cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này...".
Tuy nhiên, hiện nay nếu hành vi cho vay lãi nặng không đủ mức xử lý hình sự cũng không thể xử phạt hành chính được. Bởi lẽ, nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính quy định người vay tiền phải "có cầm cố tài sản" cho bên cho vay mới xử phạt hành chính bên cho vay được.
Trong khi thực tế việc cho vay nặng lãi đa số không cần cầm cố, thế chấp tài sản. Điều này dẫn đến các đối tượng cho vay khi phát hiện trong quá trình điều tra xác định số tiền thu lợi dưới 30 triệu đồng và không thuộc các trường hợp "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này..." nên chưa xử lý hình sự được.
Sau đó đối tượng lại tiếp tục cho vay, nhưng số tiền thu lợi dưới 30 triệu đồng cũng không xử lý được do chưa bị xử phạt hành chính.
Do vướng mắc, bất cập tại quy định nghị định 167 dẫn đến một số trường hợp tuy có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính không đủ định lượng cấu thành tội phạm nhưng cũng không có căn cứ để xử lý hành chính. Và ngược lại, khi chưa bị xử phạt hành chính thì đối tượng cho vay lãi nặng cũng không bị xử lý hình sự được nếu thu lợi dưới mức 30 triệu đồng.
Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng sửa đổi quy định trên để thuận lợi xử phạt hành chính hành vi cho vay lãi nặng, làm cơ sở để xử lý hình sự. Có như vậy mới đủ răn đe đối với đối tượng "tín dụng đen", bảo vệ cho người dân.
* Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (trưởng bộ môn luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM): Chú ý các vụ vay nhỏ lẻ
Theo Bộ luật hình sự năm 2015, nếu đối tượng cho vay mà lãi suất vượt 100%/năm của khoản vay trở lên là có thể bị xử lý hình sự. Trong khi thực tiễn với cách tính lãi theo ngày mà "tín dụng đen" áp dụng thì mức lãi suất năm phải 300%, 700%, thậm chí hàng nghìn phần trăm.
Mặc dù tội cho vay lãi nặng mức phạt tù tối đa chỉ đến 3 năm, nhưng khi xử lý cơ quan tố tụng có thể áp dụng thêm hình phạt tiền, tịch thu tiền cho vay (là tài sản dùng vào việc phạm tội).
Có thể thấy quy định hiện hành về tội cho vay lãi nặng đã đủ nghiêm, đủ sức răn đe, thuận lợi cho việc xử lý tội phạm. Vấn đề quan trọng là việc thực thi, xử lý tội phạm của các cơ quan liên quan phải nghiêm minh mới ngăn chặn hiệu quả với tội phạm cho vay lãi nặng.
Thời gian qua nhìn chung tình hình xử lý tội phạm về tội danh cho vay lãi nặng có tăng lên. Tuy nhiên rất nhiều người dân vẫn còn bị "tín dụng đen" bóc lột mà chưa được cơ quan công an tiếp nhận, xử lý tương ứng.
Nguyên nhân là vẫn còn tình trạng quá tải trong thụ lý giải quyết án khiến việc thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về cho vay nặng lãi của người dân chưa được xử lý hết, kịp thời. Lực lượng phải tập trung, ưu tiên cho xử lý các nhóm, tổ chức cho vay lãi nặng lớn, gắn với hành vi gây thương tích, đe dọa giết người vay... hoặc các vụ chứng cứ rõ ràng.
Nguyên nhân nữa là đối tượng cho vay lãi nặng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm cột chặt con nợ và đối phó cơ quan chức năng. Việc cho vay có nhiều hình thức khác nhau, có thể thực hiện bằng hợp đồng viết, giấy biên nhận, có thể chỉ là hợp đồng miệng. Trong hợp đồng cho vay, thường các đối tượng cho vay không ghi thỏa thuận về lãi suất, chỉ có ghi số tiền vay, ngày trả và tự thỏa thuận lãi bằng miệng.
Nhiều trường hợp bên cho vay còn "cột" người vay bằng hợp đồng mua bán nhà đất, xe... Vì vậy, về phía người dân cần nâng cao hiểu biết, nhận diện mức lãi suất nặng, quá trình vay tiền cần ghi âm, ghi hình để làm cơ sở tố giác, xử lý hiệu quả hành vi phạm tội.
Nhiều ngành phải cùng đấu tranh
Liên quan đến việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của "tín dụng đen", ngày 25-4-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành chỉ thị về chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Ngoại giao... xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai, định kỳ báo cáo kết quả cho Bộ Công an để báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể phối hợp thực hiện.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn thanh niên... vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tố giác, đấu tranh, lên án đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng. Phối hợp tổ chức hiệu quả diễn đàn "Quần chúng nhân dân lên án, tố giác tội phạm" tại các địa bàn trọng điểm.
Tố giác tội phạm "tín dụng đen", đừng ngần ngại
Ngày 5-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết nơi này đang chuẩn bị triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị... triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Đặc biệt, công an sẽ tập trung tấn công, trấn áp các loại tội phạm dự báo có diễn biến phức tạp trong dịp cuối năm như tội phạm "tín dụng đen".
Công an Hà Nội khuyến cáo để trấn áp tội phạm "tín dụng đen", bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra kiểm tra của công an, rất cần sự phối hợp của người dân trong phát hiện, tố giác tội phạm.
"Bất cứ địa phương nào, từ công an xã cho đến quận, huyện, thành phố... hay bất kể thời gian nào kể cả nửa đêm, chúng tôi luôn có lực lượng ứng trực để tiếp nhận tin báo, đơn thư tố giác tội phạm của quần chúng.
Nếu nạn nhân nào bị sa vào cảnh vay nặng lãi hoặc người dân nào phát hiện tội phạm "tín dụng đen" hay bất kỳ loại tội phạm nào khác, hãy mạnh dạn tố giác với cơ quan công an. Khi người dân mạnh dạn tố giác tội phạm, công an mới nhanh chóng vào cuộc và xử lý kịp thời", vị lãnh đạo nói.
DANH TRỌNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận