Tổng thống Obama đứng trước thử thách khó khăn - Ảnh: Reuters |
Tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ sự cho phép hay tuyên bố chiến tranh nào cho đến khi thấy được một chiến lược thật sự. Tôi sẵn sàng ủng hộ một kế hoạch, nhưng không phải bất cứ kế hoạch nào |
Trong ngày nước Mỹ kỷ niệm vụ đánh bom 11-9, khởi đầu cho cuộc chiến của Washington ở Trung Đông, Tổng thống Barack Obama lại phải tìm cách thuyết phục người dân về chiến lược tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bài phát biểu vào sáng 11-9 là nỗ lực quan trọng nhất của ông Obama nhằm vạch ra một chiến lược tiêu diệt tận gốc nhóm phiến quân đã chặt đầu hai nhà báo Mỹ, song song với việc chạy đua vận động thành lập một liên minh quốc tế.
Đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn khi mà cách đây sáu năm trong lần đầu nhậm chức, ông đã mạnh miệng tuyên bố nước Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh ở Trung Đông.
Lần này, tổng thống Mỹ cam kết lính Mỹ sẽ không đặt chân lên vùng đất này lần nữa, nhưng theo các chuyên gia quân sự, điều này vẫn rất khó thuyết phục.
Ông Obama nhiều khả năng cho tăng cường các cuộc không kích vào nhiều mục tiêu hơn ở Iraq cũng như cân nhắc không kích ở Syria.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC hôm chủ nhật, ông Obama cho biết Washington có thể tấn công các lãnh đạo phiến quân ở bất cứ nơi nào.
Theo cuộc thăm dò hôm 9-9 của Washington Post và ABC News, 71% người Mỹ ủng hộ các cuộc không kích ở Iraq và 65% ủng hộ không kích ở Syria.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lo ngại chiến dịch có thể kéo dài đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama năm 2016.
“Nước Mỹ đơn giản là không có lựa chọn ngắn hạn nào cho thấy cơ hội giành chiến thắng rõ ràng và cũng sẽ không có trong những năm tiếp theo” - nhà phân tích Anthony Cordesman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định.
Không cần Quốc hội cho phép
Uy tín ông Obama giảm sút Kết quả cuộc thăm dò của ABC News và Washington Post ngày 9-9 trên 1.000 người Mỹ cho thấy chỉ 42% cho rằng ông Obama thành công trong thời gian cầm quyền và 38% đồng tình với cách tổng thống xử lý các vấn đề đối ngoại, giảm 8% so với cách đây hai tháng. Khuynh hướng này có thể gây bất lợi cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. |
Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày 10-9 để thông báo về chiến lược chống IS, Tổng thống Barack Obama khẳng định ông không cần được Quốc hội cho phép để hành động nhưng muốn nhận được sự ủng hộ để thể hiện sự thống nhất của chính thể.
“Tổng thống nói với các nhà lãnh đạo rằng ông đã được phép (theo luật định) hành động chống lại IS theo sứ mệnh mà ông đưa ra” - Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng.
Trong cuộc họp của Nhà Trắng, Chủ tịch hạ viện John Boehner đã bày tỏ sự ủng hộ các đề xuất của ông Obama, bao gồm “tăng tính hiệu quả của các lực lượng an ninh Iraq” và trang bị cho một số nhóm ở Syria.
Tuy nhiên đối với nhiều nghị sĩ, việc bỏ phiếu cho đề xuất của tổng thống là điều hết sức nguy hiểm khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn cách tám tuần và nhiều khả năng sẽ không có bỏ phiếu.
“Rất nhiều người muốn đứng bên lề và nói theo kiểu “cứ đánh bom và báo cho chúng tôi biết sau” - hạ nghị sĩ Jack Kingston giải thích trên New York Times - Đây là năm bầu cử. Nhiều thành viên Dân chủ không biết nó sẽ tác động như thế nào đối với đảng của họ, còn Cộng hòa thì không muốn thay đổi bất cứ điều gì”.
Một số khác cho rằng nếu ông Obama chỉ dừng lại ở việc không kích thì không nhất thiết phải xin phép Quốc hội.
Tuy nhiên mọi việc còn phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể mà chiến lược của ông Obama đặt ra như chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu, vai trò của các đồng minh và liệu cuộc chiến có lan rộng sang Syria hay không.
Vận động ở Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã đến Baghdad để bắt đầu hành trình vận động sự ủng hộ tài chính, chính trị và quân sự ở Trung Đông chống IS.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu thành lập một liên minh - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ - Dĩ nhiên cần có sự ủng hộ quân sự và mọi thứ từ hậu cần, tình báo, không vận, tất cả những thứ cần để tiến hành một chiến dịch quân sự hiệu quả”.
Trước đó, ông Kerry cho biết đã có 40 nước sẵn sàng tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, một số sẽ hỗ trợ quân sự trực tiếp lẫn đào tạo, vũ trang..., trong khi số khác tham gia viện trợ nhân đạo. 22 quốc gia Liên đoàn Ả Rập cuối tuần trước cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm chống lại IS.
Theo Wall Street Journal, Washington thậm chí đã đề nghị Trung Quốc ủng hộ nỗ lực thành lập liên minh chống IS. Lời đề nghị do cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây. Tờ báo cho biết Trung Quốc cũng quan tâm đến đề xuất nhưng chưa đưa ra tuyên bố cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận