Người dân mua sắm đông đúc ở siêu thị Walmart tại Mỹ vào tháng 11-2017 Ảnh: AFP
“Tổng thống Reagan đã mất ba năm để cải cách nền tài chính Mỹ. Ông Trump đã làm điều đó chỉ trong vài tháng
Nicolas Lecaussin (giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và tài chính - IREF)
Trong bài xã luận đăng tải vào năm 2016, ngay trước khi có sự thay đổi tên chủ nhân Nhà Trắng, nhà kinh tế lừng lẫy Paul Krugman, giải Nobel kinh tế 2008, từng viết đầy bi quan: "Nếu Trump thắng, kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ và các thị trường tài chính sẽ không thể hồi phục được nữa".
Ai lại chẳng lo cơ chứ khi đó là dự đoán của nhà kinh tế thuộc trong số 50 nhà kinh tế có ảnh hưởng toàn cầu, là nhà kinh tế đẻ ra những lý thuyết tiên phong, những mô hình kinh tế mới...
Dù có thể dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm sau đó, nhưng lần này vị giáo sư của Đại học New York, cây bút xã luận của tờ New York Times, đã sai.
Trong một năm dưới trào Donald Trump, kinh tế Mỹ đang tốt lên chưa từng thấy. Sau khi khởi đầu chậm chạp với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,2% trong quý 1-2017, khiến nhiều người hoài nghi về khả năng lèo lái nền kinh tế số 1 thế giới của vị tỉ phú đi làm chính trị, kinh tế Mỹ đã tăng tốc nhanh chóng và đạt mức tăng trưởng GDP 3,1% trong quý 2 và 3,3% trong quý 3.
Cũng cần nhớ rằng trong thời gian đó các trận bão lớn tàn phá nhiều vùng ở bang
Texas và Florida, gây thiệt hại hàng trăm tỉ USD.
Đây được coi là một chiến thắng lớn dành cho Tổng thống Trump, bởi đã rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra là phi thực tế, thậm chí được coi là bất khả thi.
Hơn thế nữa, tỉ lệ thất nghiệp lại đang ở mức thấp nhất trong đầu năm nay: chỉ còn 4,1% vì có đến 2,1 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong 12 tháng qua - điều chưa từng thấy tính từ năm 1990; thậm chí ở cộng đồng người da đen, tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 6,8% - tỉ lệ thấp nhất tính từ năm 1973.
Kích thích tăng trưởng chính là mong muốn của Tổng thống Trump để điều chỉnh hiện tượng mà kinh tế học gọi là "cơ cấu đòn bẩy".
Thí dụ như giảm thuế mạnh cho giới doanh nghiệp là một đòn bẩy, vì nó khuyến khích người ta đổ tiền đầu tư nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để được lợi nhuận nhiều hơn. Khi giới doanh nhân được hưởng nhiều lợi nhuận hơn thì giới lao động có nhiều việc làm hơn, tỉ lệ thất nghiệp cứ thế giảm dần.
Khi thông qua được luật thuế mới, ông Trump đã xem nó như món quà Giáng sinh sớm vì tin rằng khi nó đi vào áp dụng, kinh tế Mỹ có thể sẽ bùng nổ mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân sẽ tăng mạnh.
Bài toán của đội ngũ ông đưa ra đúng kiểu thương trường: thuế suất giảm (làm mất đi cho ngân sách đến 1.500 tỉ USD trong 10 năm) nhưng tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu nhiều hơn và không làm tăng thâm hụt ngân sách do giảm thuế, nhất là sau 3-4 năm.
Các nghiên cứu định lượng cũng chỉ ra rằng giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm.
Ngoài ra, với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, các hãng của Mỹ và nước ngoài được dự báo sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn.
Đồng thời, các tập đoàn đa quốc gia sẽ bớt nhu cầu đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi Mỹ. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tích cực tham gia lao động hơn trước.
Nhìn chung dân Mỹ đang sướng rơn. Apple khẳng định đem tiền và công việc quay về lại nước Mỹ. Những ông lớn như AT&T, Comcast, Wells Fargo, Boeing, Nexus Services cũng đã công bố tiền thưởng (nhờ được giảm thuế) và tăng lương.
Người ta nói rằng chưa bao giờ lương công nhân Mỹ lại được tăng nhanh như hiện nay. Những người về hưu cũng thấy tự tin khi nhìn chỉ số Dow Jones bùng nổ đến 30% trong năm qua.
Đó chính là tiền bởi quỹ hưu trí của họ cũng gắn với sức sống xanh tươi của sàn chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận