07/12/2016 08:12 GMT+7

Dân miền Trung kể khổ về thủy điện

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Đó là nội dung của nhiều ý kiến được nêu ra tại Hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (phải, người dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đưa bức ảnh chứng minh những tác động của thủy điện đối với hoa màu và đời sống gia đình ông - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cuộc đối thoại có sự tham dự của đại diện các nhà máy thủy điện, chính quyền, các chuyên gia sông ngòi và người dân vùng bị ảnh hưởng do thủy điện.

Đối thoại do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 6-12.

Mất nguồn sống

Theo Mạng lưới sông ngòi VN, thủy điện gây ra rất nhiều hậu quả không thể khắc phục. Đó là tình trạng khô hạn trầm trọng, thiếu hụt nguồn nước tưới cà phê, hồ tiêu tại Tây nguyên do các thủy điện trên sông Sêrêpôk ngăn nước.

Hay như tại hồ thủy lợi - thủy điện Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên - Huế), phải di dời dân nhưng không có đất bù cho sản xuất, tiền đền bù chia ra nhiều lần lắt nhắt khiến người dân không đầu tư được việc gì.

Ở thủy điện Buôn Kuôp (Đắk Lắk), người dân lòng hồ thủy điện được dời đến những khu tái định cư chật chội, mất vệ sinh và thiếu đất chăn nuôi, trồng trọt. Những tác động tiêu cực đó bị bỏ qua trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Mang theo những tấm hình chứng thực, ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (người dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nói từ khi có thủy điện năm nào lũ lụt cũng gây sạt lở đất, đến mùa mưa là bụng lo nơm nớp.

“Hồi tháng 9 vừa rồi xảy ra sự cố thủy điện Sông Bung 2, dân chúng tôi hoảng loạn chạy vào rừng trốn, trông rất thê thảm. Đợt mưa lũ đầu tháng 12 này, xã Đại Hồng có 100ha hoa màu thiệt hại hết. Tác động thủy điện rõ ràng vậy mà các ảnh (thủy điện) cứ nói đơn giản, đổ thừa cho tự nhiên” - ông Anh bức xúc.

Ông Anh nói vào mùa nắng thủy điện không xả nước khiến sông cạn trơ đáy. Hợp tác xã thủy bộ Đại Lộc có 120 tàu thuyền chuyên vận chuyển hàng hóa từ huyện Đại Lộc lên huyện Nam Giang phải giải tán.

40 hộ chài lưới ở hai thôn Đông Phước, Dục Tịnh (xã Đại Hồng) gác mái chèo lên bờ chịu cảnh thất nghiệp hoặc đi làm thuê sống tạm bợ qua ngày.

Ông Hồ Đa Thê, người dân sống tại khu tái định cư Bến Ván, thượng nguồn hồ thủy lợi - thủy điện Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), cho biết sau hơn chục năm di dời nhường chỗ cho dự án mới nhận được 50% tiền bồi thường đất, trong khi nơi ở mới đất đai toàn cát sỏi không sản xuất được.

Tại khu tái định cư, Nhà nước hỗ trợ xây trường học nhưng bà con không có tiền cho con em ăn học, tình trạng bỏ học giữa chừng rất lớn. Xây trạm y tế không có bác sĩ vì cách xa trung tâm cả 20km.

Theo ông Thê, ban đầu người dân được thông tin là xây hồ thủy lợi nhưng xây xong lại lòi ra thủy điện. Nếu người dân phát hiện đây là hồ có khai thác thủy điện thì nhất quyết không đồng ý triển khai.

Ông Lê Văn Trọng, người dân xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, cho biết hiện nay không riêng ông mà có khoảng 1.000 hộ sống bằng nghề trồng cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng bởi thủy điện Buôn Kuôp trên sông Sêrêpôk.

Ông Trọng nói: “Hằng năm sông Sêrêpôk cung cấp cho chúng tôi đủ nước tưới tiêu và nguồn tôm cá. Từ khi có thủy điện, mất hàng ngàn hecta đất, nguồn nước tưới tiêu khô kiệt. Việc đền bù cũng không thỏa đáng, đền bù tiền 1ha đất nhưng đi mua lại chỉ được 0,5ha”.

*** Error ***
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng hơn 2.000m3/s trong một đợt mưa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đánh giá tác động môi trường quá kém

Câu chuyện về những bản đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện một lần nữa lại được mang ra mổ xẻ.

Ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, cho biết những bản đánh giá tác động môi trường của các đơn vị khoa học vốn quá thiếu, quá yếu về chất lượng.

Nguyên nhân: một phần do không có nguồn kinh phí độc lập (chủ yếu được thuê từ các nhà đầu tư), một phần do hiện nay chưa có quy chuẩn nào để công nhận các đơn vị đủ tư cách pháp nhân làm việc này.

Nhưng đó là “chuyện đã rồi”, vấn đề cần lo bây giờ là phải đánh giá, khắc phục những nội dung mà “đánh giá bỏ sót” như các tác động xã hội, tác động sinh kế người dân vùng hạ du...

Ông Quang còn nói thêm: “Những bằng chứng về cát lấp đồng ruộng, thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến thủy vận vùng hạ du, hay chuyện dân bức bí ở khu tái định cư là những cái biết trước nhưng chúng ta không làm tốt hơn là điều quá đáng tiếc.

Theo tôi, bây giờ Nhà nước cần phải xem xét lại tổng thể để nhìn nhận về vấn đề lợi ích và chi phí sau hơn 15 năm chúng ta thiên về khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước.

Đây là lúc cần tính toán những được - mất mà bản đánh giá tác động môi trường không chỉ ra được như: chi phí dài hạn về môi trường, các chi phí về vấn đề mất bản sắc văn hóa do tái định cư tập trung gây ra, chi phí để tổ chức những đợt ngăn chặn phá rừng...”.

Theo TS Quách Thị Xuân - giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), những đánh giá tác động của dự án thủy điện mới được nhìn nhận ở thời điểm triển khai và chủ yếu đánh giá ở khu vực thượng lưu bờ đập, chưa tính toán những gì xảy ra trong tương lai.

Dù chưa có những con số cụ thể trong khoa học nhưng sự chứng thực về tác động của thượng lưu với hạ du ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trong những năm qua đã nhìn thấy rất rõ.

“Đó là sự thay đổi phù sa, đó là suy giảm dòng chảy ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của Đà Nẵng trên sông Cầu Đỏ, đó là sự mất cân bằng về lượng bùn cát gây xói lở nghiêm trọng ở bờ biển Hội An mà có lẽ phải mất rất nhiều tiền, công sức và thời gian chưa chắc lấy lại như cũ” - TS Xuân nhấn mạnh.

TS Xuân cho rằng để giải quyết những “chuyện đã rồi”, ngoài đánh giá tác động môi trường thì phải có các kế hoạch quản lý môi trường. Các kế hoạch này có thể xây dựng trong khoảng thời gian định kỳ năm năm để bổ sung hạn chế tác động môi trường.

“Khi tôi đọc bản đánh giá tác động của thủy điện Đắk Mi 4 thì thấy rằng trong đó có nêu để giảm thiếu hụt dòng chảy cho hạ du sẽ xây những đập gom nước phía dưới bờ đập, nhưng đến nay thủy điện hoạt động gần 10 năm chưa thấy thành hiện thực.

Cũng không thấy có quy định ai phải bỏ tiền đầu tư công trình này. Nếu chúng ta xây dựng được những kế hoạch quản lý môi trường bổ sung sau đánh giá tác động môi trường thì sẽ đi vào giải quyết việc này trên nguyên tắc “bắt đền người gây ra” - TS Xuân phân tích.

Thủy điện cũng kêu

Dù mời khá nhiều thủy điện cùng tham gia lắng nghe ý kiến và phản biện, nhưng chỉ có các đại diện của Công ty CP thủy điện A Vương đóng góp ý kiến. Ông Lê Đình Bản - phó tổng giám đốc công ty - cho rằng cần có những cái nhìn “thông cảm” với thủy điện.

Bởi theo ông, các thủy điện cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino. “Từ năm 2013 đến nay, bản thân chúng tôi là nạn nhân El Nino.

Từ năm 2013-2015 chúng tôi chỉ hoạt động chừng 30-40% công suất do hạn hán, thiếu nước về hồ. Như năm nay chỉ là 60%, thậm chí vào mùa hạn chúng tôi nghỉ hoạt động ba tháng để thả nước tưới về hạ du” - ông Bản nói.

Trước những than phiền của người dân về tình trạng “lũ chồng lũ”, ông Bản cho rằng cần phải hiểu đúng bản chất bởi hầu như các thủy điện đều thiết kế lưu lượng xả lũ lúc nào cũng ít hơn lượng nước về lòng hồ.

“Như hiện nay, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, các hồ thủy điện đều phải vận hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành.

Về mùa khô chúng tôi được điều khiển vận hành nhưng về mùa lũ việc vận hành, điều tiết xả lũ ở các hồ lớn như thế nào đều do trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh (thường là chủ tịch UBND tỉnh) quyết định.

Các số liệu thống kê về xả lũ hay lượng nước về lòng hồ đều được cập nhật hằng giờ trên mạng” - ông Bản giải thích.

Thủy điện nợ trồng rừng thay thế

TS Quách Thị Xuân nêu ra con số đáng lo ngại: riêng tỉnh Quảng Nam bị mất 1.389ha rừng do lòng hồ thủy điện chiếm chỗ, 9.293ha rừng mất để dọn chỗ tái định cư và bố trí sản xuất cây lương thực.

Trong khi đó, đến cuối năm 2014 Quảng Nam mới trồng thay thế vỏn vẹn 24/700ha rừng (đạt 3,4% kế hoạch). Bốn thủy điện “nợ rừng” lớn là Sông Bung 2 (426ha), Sông Tranh 2 (314ha), Sông Bung 4 (206ha), Sông Bung 5 (106ha).

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp