Bạn đọc An Chi của Tuổi Trẻ từng phải mua một con cua nặng “1,2kg” (ảnh) và hóa đơn thành tiền 420.000 đồng tại Làng Chài (Nha Trang) - Ảnh: AN CHI |
Mạng xã hội lại xôn xao chuyện một bữa ăn gần chục triệu đồng. Niềm tin của người dân ngày càng giảm vì cách kinh doanh "chặt chém". Bão dư luận nổ ra xung quanh vấn đề này..
Với cách tính một ly nước cam giá 85.000 đồng hay mỗi tô rau sống, nước xốt có giá 185.000 đồng, nước đỗ đen 78.000 đồng/bình… khiến cư dân mạng thật sự bàng hoàng.
"Chồng tôi mà ăn như thế, con tôi... nhịn cả tháng"
Nhìn vào hóa đơn tính tiền của một nhà hàng ở Hà Nội được các mạng đăng tải, hàng triệu cư dân mạng không khỏi giật mình khi rau sống, nước đỗ đen, nước cam, hoa quả tráng miệng… lại đắt đến vậy. Chắc phải là trái cây ngoại nhập mới có giá một đĩa hơn 500.000 đồng như thế.
Riêu tôm một nồi hơn 1 triệu đồng, ba con chim nướng cũng tròm trèm 1,5 triệu, xôi nếp gần 200.000 đồng một mẹt.
Thế thì còn ai dám ăn riêu tôm hay xôi nếp nữa đây?
Bạn đọc Duyên Nguyễn - một người nội trợ 20 năm nay - đã rất phẫn nộ khi đọc được câu chuyện xôn xao trên mạng những ngày qua.
"Khi mỗi lần đi chợ tính từng đồng như tôi, đọc cái hóa đơn một mẹt xôi nếp gần 200.000 đồng mà choáng hết mặt. Nhà hàng dĩ nhiên cách tính phải khác nhưng bằng cách nào mà giá một mẹt xôi nếp lại vọt lên gần 10 lần như thế?
Gia đình bốn người như nhà tôi mà đi ăn một bữa gần 8 triệu như thế thì chắc 29 ngày còn lại của tháng phải "treo miệng" vì đói. 8 triệu đồng có thể đi chợ được ít nhất 1 tháng, đóng tiền học cho con được 3 kỳ, mua được hẳn một cái smartphone khá sang rồi còn gì... Và chồng tôi đi ăn mà bị chặt chém như thế thì con tôi nhịn đói cả tháng" - bạn đọc này nói.
Giá một đằng, bán một nẻo
Một câu chuyện khác cũng được chia sẻ trên mạng xã hội, giá một tô phở tại một cửa hàng ở một sân bay ghi trên bảng giá là 85.000 đồng nhưng khi tính tiền thì khách phải trả 105.000 đồng với lý giải của nhân viên rằng: "Tô của anh là tô người lớn, còn tô để trên bảng giá là tô trẻ em. Để giá như vậy cho dễ bán".
Bao giờ mới chấm dứt những bữa ăn giá trên trời thế này? Ai sẽ trả lời được câu hỏi này cho người dân đây?
"Tình trạng "chặt chém" khách diễn ra ở nhiều nơi, bất kể là người Việt hay người nước ngoài đều có thể "dính". Ngay cả người Việt, hiểu tiếng Việt, tranh luận được bằng tiếng Việt mà còn phải "ngậm đắng nuốt cay", móc ví trả tiền thì thử hỏi người nước ngoài sẽ thế nào?
Một khi ấn tượng về VN trong mắt người nước ngoài xấu đi bằng những việc "chặt chém" như thế này thì rất khó để kéo họ một lần nữa quay trở lại du lịch VN" - anh Phùng Hiếu, một hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM, chia sẻ.
Người Việt Nam còn bị "chặt" thì khách nước ngoài sao đây?
Ở góc độ pháp luật, luật sư (LS) Hà Hải cho biết theo quy định tại điều 12 nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt cảnh cáo nếu vi phạm lần đầu, và vi phạm từ lần thứ 2 trở đi sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Riêng với hành vi bán hàng cao hơn giá đã được tổ chức, cá nhân niêm yết trước đó sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điều 12.3, nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân có hành vi tăng hoặc giảm giá bất hợp lý, tùy theo tổng giá trị tăng giá mà có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 60 triệu đồng (điều 13 nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết hoặc nếu không xác định được khách hàng để trả lại thì phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Khi nhận thấy mình bị “chặt chém” so với giá niêm yết hoặc phát hiện hành vi tăng giá bất hợp lý của người bán hàng, người dân có thể kiến nghị đến cơ quan quản lý thị trường, chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh, nơi có hành vi vi phạm xảy ra để yêu cầu xử lý.
Việc kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không theo đúng giá niêm yết một mặt sẽ làm mất lòng tin của khách hàng đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đó nói riêng và mất uy tín của địa phương nói chung. Đồng thời, nếu cơ sở kinh doanh bị “tẩy chay” trong thời gian dài thì nguy cơ doanh nghiệp tự giải thể là chuyện có thể xảy ra.
Do đó, để ngăn chặn “vấn nạn chặt chém”, tạo lòng tin cho khách hàng, ngoài việc UBND các cấp siết chặt việc quản lý giá, thì các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần ý thức thiệt hại có thể xảy ra cho cơ sở mình để chủ động kinh doanh hàng hóa, thực phẩm theo đúng giá mà mình đã niêm yết, LS Hà Hải nói.
Theo LS Hà Hải, hiện tại chưa có quy định xử lý hình sự về hành vi này, tuy có một số quan điểm cho rằng hành vi này có thể bị truy cứu tội cưỡng đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tuy nhiên, hành vi này không khớp với mô tả tội phạm của các tội đó.
Việc bán giá cao hơn giá niêm yết cũng không thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép. Hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà thôi.
Bạn đã từng bị "chặt chém"? Bạn nghĩ gì về những người bán hàng chuyên lợi dụng địa điểm độc quyền, khách hàng ái ngại tranh cãi về giá cả để móc sạch túi khách hàng? Làm thế nào để không phải vét cạn túi trả tiền cho những bữa ăn giá trên trời? Bạn sẽ làm gì nếu bị "chặt chém"? Hãy chia sẻ câu chuyện, suy nghĩ của mình với TTO bằng bình luận bên dưới bài viết hoặc gửi mail về [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận