Rác thải bị bỏ lại trên đường lên Everest - Ảnh: AFP
Theo AFP, lệnh cấm được ban hành ở khu vực Khumbu Pasang Llamu, nơi quản lý về mặt hành chính ngọn núi Everest và sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1-2020.
Quy định này được áp dụng cho toàn bộ chai nhựa và các vật dụng bằng nhựa khác có độ dày dưới 30 micron, tương đương 0,03mm.
Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với nhiều đơn vị liên quan như các công ty lữ lành, hãng hàng không, các hiệp hội leo núi để thực hiện lệnh cấm. Trước mắt, các bên đồng ý tăng cường tuyên truyền về quy định này trước ngày chính thức thi hành vào đầu năm sau.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ mức độ chế tài của lệnh cấm này là bao nhiêu và sẽ được thực thi như thế nào.
Một đợt thu gom rác do chính quyền Nepal thực hiện - Ảnh: AFP
Những năm gần đây, Everest chịu áp lực rất lớn từ lượng khách du lịch đến núi ngày một đông.
Nếu như khoảng hơn 20 năm trở về trước, chinh phục "nóc nhà thế giới" là thử thách với phần đông mọi người thì ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, đồng thời đường lên Everest cũng dần được thương mại hóa, việc leo lên Everest ngày càng dễ thực hiện.
Ước tính hằng năm có hơn 50.000 du khách đổ xô đến Nepal để chinh phục Everest.
Với áp lực gia tăng đột biến, Everest cũng phải chịu những tác động chưa từng thấy về môi trường, trong đó lớn nhất là rác thải nhựa. Không ít nhà môi trường học đã phàn nàn về các bãi rác thải đầy chai nhựa và túi nilông dọc đường lên đỉnh núi.
Giới chức địa phương hồi tháng 6 vừa qua cho biết một chiếc dịch dọn rác trên núi đã thu được đến 12 tấn rác thải. "Thậm chí trên đỉnh Everest, độ cao 8.848m cũng có rác" - người đại diện chính quyền Khumbu Pasang Llamu cho biết.
Đường lên Everest ngày càng đông đúc - Ảnh: USA TODAY
Tình trạng đông đúc trên đường lên Everest cũng nhận nhiều chỉ trích từ nhiều người, trong đó phần lớn là các hội leo núi.
Tính đến cuối tháng 8 năm 2019, Nepal đã cấp phép cho 381 cá nhân và đơn vị lên đỉnh Everest, con số mà theo FOX News đánh giá là kỷ lục (cả năm 2018 có 347 giấy phép được cấp). Đó là chưa kể các tổ chức đứng ra dẫn khách lên núi trái phép.
Nhiều biện pháp đã được đưa ra như phải có kinh nghiệm leo núi cao 6.500m mới được đăng ký lên Everest, hay phải có người dẫn đường kinh nghiệm đi cùng... tuy nhiên cho đến nay, không ít trường hợp đã "lách" thành công những quy định này và vô tư lên núi.
Theo thống kê, trong đợt leo núi mùa xuân năm nay, đã có 11 người chết, trong đó 9 người xuất phát từ sườn núi phía nam Nepal. Con số này được cho là khủng khiếp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Các hội leo núi chuyên nghiệp cho rằng những tay leo núi thiếu kỹ năng không chỉ khó chống chọi lại điều kiện khắc nghiệt của Everest, mà còn làm chậm hoặc là gánh nặng cho những người khác trên đường lên đỉnh núi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận