30/10/2019 10:42 GMT+7

Dân kiện lên trung ương, do có tham nhũng, chia chác ở cấp dưới?

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - "Người dân khó khăn vẫn dành dụm tiền của, thời gian, sức lực lặn lội lên Hà Nội kêu oan, có phải do dưới cơ sở, địa phương yếu kém, có tham nhũng, chia chác", đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu sáng 30-10 - Nguồn: THQH

Sáng 30-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Hơn 100 đại biểu đã đăng ký phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ quan điểm về tình hình khiếu nại tố cáo đông người và kéo dài còn nhiều, đặc biệt trước các sự kiện lớn của đất nước.

"Tôi không đồng tình với việc làm đó, vì nước ta có luật pháp, yêu cầu tố cáo phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét đầy đủ trách nhiệm, khi mà người dân trong điều kiện khó khăn vẫn dành dụm tiền của, thời gian, sức lực lặn lội đến Hà Nội kêu oan sai. Nếu không vì bị chèn ép, uất ức, oan sai mà một số cấp chính quyền, cơ quan tư pháp chưa giải quyết thấu đáo, thậm chí là chưa đúng quy định pháp luật.

Thử hỏi nếu ta là người trong cuộc sẽ nghĩ gì, các cơ sở, địa phương yếu kém không, nếu yếu kém thì xử lý thế nào? Hay vì lý do gì khác, có tham nhũng, có chia chác từ kết quả giải quyết, xét xử hay không? Tình trạng này sẽ dẫn đến mất lòng tin vào các cấp, tạo dư luận không tốt trong cơ quan nhà nước, từ đó khiếu nại tố cáo tới cơ quan trung ương càng nhiều", ông Hận kiến nghị Chính đánh giá đúng tình hình để có biện pháp xử lý.

Dân kiện lên trung ương, do có tham nhũng, chia chác ở cấp dưới? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn

Tránh dư luận không tốt về đầu tư công

Ông Nguyễn Quốc Hận cũng nêu vấn đề trong đầu tư công: nhiều công trình kết cấu hạ tầng chậm tiến độ, dù đã được chỉ ra nhưng khắc phục còn chậm trễ trong giải ngân vốn.

"Năm nào điệp khúc hạn chế này cũng được nhắc trong báo cáo, do thắt chặt đầu tư, do công khai minh bạch, kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất động lực của các chủ đầu tư hay do chưa thống nhất tỉ lệ ăn chia? Đề nghị Chính phủ làm rõ để không có dư luận không tốt về đầu tư công", ông Hận dẫn chứng cụ thể về dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì đề cập đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhận định kinh tế Việt Nam không được hưởng lợi như kỳ vọng mà ngược lại, "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết", kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại.

Nêu tình hình Biển Đông phức tạp, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) liên hệ đến việc phát triển kinh tế biển hiện còn bất cập. Đặc biệt là việc đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, giúp hiện đại hóa tàu cá ra khơi bám biển nhưng cũng phát sinh nợ xấu cho ngư dân.

"Khi triển khai, chúng ta chưa cảnh báo nguồn lực thủy sản, đặc biệt là tàu công suất lớn. Ngư dân thường vi phạm về vùng biển đánh bắt. Bộ NN&PTNT đã ban hành các mẫu tàu vỏ thép, nhưng áp dụng địa phương lại chưa phù hợp. Sự phát triển cần đồng bộ về phương tiện, ý thức. Nhiều tàu trả nợ quá hạn, không được hỗ trợ lãi suất và khó đòi nợ, cho thấy ta khá vội vàng triển khai", ông Nhường chỉ ra.

Dân kiện lên trung ương, do có tham nhũng, chia chác ở cấp dưới? - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) - Ảnh: Quochoi.vn

Lãng phí đáng kể, giải thích thế nào với cử tri?

Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) thì nói đến kết quả chống tham nhũng thời gian: 423 vụ được điều tra, truy tố 300 vụ với trên 670 bị can, cho thấy thái độ kiên quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm trong chống tham nhũng.

Song theo ông Tám, chống lãng phí còn nhiều bức xúc, nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng không mang hiệu quả mà còn đội vốn, kém hiệu quả.

"Cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nếu con số này là đúng thì đây là lãng phí đáng kể, ta phải suy nghĩ gì và giải thích thế nào với cử tri", ông Tám nêu.

Quản lý sử dụng đất đai cũng xảy ra nhiều thất thoát, lãng phí. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ ra nhiều sai phạm diện tích đất giao cho nhà đầu tư làm lỗ hàng tỉ đồng, thu hồi đất của người dân với giá đền bù bất hợp lý, khiến đời sống chưa được đảm bảo.

"Người dân sống bằng gì khi giải phóng mặt bằng, cần nghĩ quyền lợi của người dân, nếu không giải quyết thì khó phát triển bền vững", ông Tám nói.

Thi trắc nghiệm là nguyên nhân của sai phạm thi tốt nghiệp

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu rằng hình thức thi trắc nghiệm khiến cử tri chưa yên tâm, cho rằng phương thức này là nguyên nhân gây ra hàng loạt sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 ở tỉnh Hà Giang, Sơn La…, tạo nên cách dạy và học đối phó, mưu mẹo. Phản ảnh ý kiến của nhiều thầy cô giáo ở các trường thuộc khối tự nhiên về chất lượng học sinh THPT, bà Ánh đề nghị nghiên cứu lại phương thức thi.

Vấn đề tham nhũng không có trong danh sách chất vấn Vấn đề tham nhũng không có trong danh sách chất vấn

TTO - Chỉ có 70% đại biểu Quốc hội đồng ý, nên nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thanh tra như phát hiện và xử lý tham nhũng; thực hiện kết luận sau thanh tra; thu hồi tài sản do tham nhũng... bị loại khỏi danh sách dự kiến chất vấn.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp