Ông Khoa bên cạnh nền đất số 4, lô P (đang cho thuê bán quán cơm) đã bị Công ty Đại Hải bán cho người khác - Ảnh: A.NHÂN
Việc này khiến ngay cả chính quyền địa phương cũng "mệt bở hơi tai" vì phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự...
Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (tên cũ là khu dân cư Sông Đà) được giao cho Công ty cổ phần đầu tư Đại Hải (tiền thân là Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng K và N) làm chủ đầu tư từ năm 2001. Công ty Đại Hải và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM (nay là Công ty cổ phần ANI) đã ký kết hợp tác phân chia nền đất thụ hưởng vào năm 2003.
Theo bảng phân chia đất nền thụ hưởng, Công ty ANI được hưởng 96 nền biệt thự, 143 nền nhà liên kế (tương đương 60% diện tích đất ở của dự án), phần còn lại do Công ty Đại Hải thụ hưởng. Quá trình thực hiện dự án kinh doanh, các nền đất đã được hai công ty bán cho nhiều cư dân thông qua hợp đồng góp vốn được công nhận hợp pháp. Trách nhiệm hoàn tất thủ tục và cấp giấy chủ quyền cho cư dân thuộc về Công ty Đại Hải.
Tá hỏa khi biết đất mình bị bán cho người khác
Căn cứ hợp đồng và tài liệu thì nền số 4, lô P là phần thụ hưởng của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà. Lô đất này, năm 2008, Công ty Sông Đà bán cho bà N.T.T.H.. Năm 2015, bà H. bán lại cho vợ chồng bà N.T.M.T.. Sau đó, vợ chồng ông Nguyễn Khoa mua lại nền đất trên và sử dụng cho đến nay.
Đã nhiều lần vợ chồng ông Khoa yêu cầu Công ty Sông Đà và Công ty cổ phần đầu tư Đại Hải thực hiện thủ tục cấp chủ quyền nhưng không đạt kết quả. Mới đây, khi tìm đến văn phòng đăng ký đất đai tìm hiểu thì vợ chồng ông Khoa tá hỏa khi hay tin lô đất trên đã được cấp giấy chủ quyền cho bà B.T.Phương vào tháng 6-2018, thuộc thửa số 990, tờ bản đồ số 19, phường Hiệp Bình Chánh. Theo xác nhận từ cơ quan chức năng, lô đất này được Công ty Đại Hải chuyển nhượng cho bà Phương. Đầu năm 2019, bà Phương đã thế chấp lô đất trên cho ngân hàng.
Bị vợ chồng ông Khoa phản ứng, tháng 7-2019, ông Ngô Xuân Trường (giám đốc Công ty Đại Hải) đã có văn bản xác nhận với vợ chồng ông Khoa là công ty này đã chuyển nhượng lô đất trên dù không phải là đất của công ty thụ hưởng, hành vi này là sai trái hoàn toàn. Ông Trường cam kết chậm nhất đến 15-7-2019 sẽ làm thủ tục xin cấp trả lại nền đất trên cho vợ chồng ông Khoa, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Còn bà Lê Thụy Thanh Quyên (chủ thửa đất số 255, tờ bản đồ 48, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, nền đất ký hiệu 15 - lô L, diện tích 374,7m2) cho biết: Tháng 1-2018, bà mua mảnh đất trên từ Công ty Đại Hải. Hợp đồng chuyển nhượng được ký 3 bên, có sự ký kết của ông Ngô Xuân Trường. Bà Quyên đã xây nhà để ở. Bất ngờ, đến giữa tháng 8-2019, bà Quyên phát hiện thửa đất của mình đã được Công ty Đại Hải đăng ký chủ quyền cho bà B.T.Phương. Sau khi có sổ, bà Phương bán lô đất trên cho người khác.
Theo bà Quyên, sau khi vụ việc vỡ lở, ông Trường đã thương lượng và hứa đền bù gần 16 tỉ đồng để bà ký thanh lý hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Đại Hải. Nhưng sau đó bà Quyên không còn liên lạc được với ông Trường.
Từ sự việc của mình, ông Khoa, bà Quyên thông báo cho nhiều cư dân khác biết để kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất của mình. Từ đó, nhiều người dân mua đất ở đây mới phát hiện đất của mình đã bị bán cho người khác. Đến nay đã có 13 trường hợp tương tự như ông Khoa, bà Quyên. Đáng chú ý, nhiều hộ mua đất ở đây đã xây nhà ở từ lâu và ở đây cũng đã hình thành nên khu dân cư với nhiều cư dân đang sinh sống.
Từ khi phát hiện sự việc, 15 cư dân này đã tìm đến Công ty Sông Đà và Công ty Đại Hải để yêu cầu giải quyết nhưng đều không có kết quả. Riêng ông Ngô Xuân Trường thì đã biến mất, hiện các cư dân không còn liên lạc được.
Ai bảo vệ quyền lợi của người dân?
Trước tình hình trên, rất nhiều người dân ở đây đã gửi đơn tố cáo đi nhiều cơ quan chức năng. Gần đây, ngày 9-9, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC03) Công an TP.HCM đã tiếp nhận tố giác của vợ chồng ông Khoa. Theo đó, vợ chồng ông Khoa tố cáo các chủ đầu tư, trong đó nêu đích danh cá nhân ông Ngô Xuân Trường (đại diện theo pháp luật) và ông Lưu Quang Lãm (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán nền đất tại khu nhà ở Hiệp Bình Chánh.
Được biết, dự án khu nhà ở đã hoàn thành và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2008. Thế nhưng hiện tại có hơn 200 hộ dân đã mua nền, đã xây nhà để ở hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được cấp chủ quyền. Trong khi cư dân chờ đợi chủ đầu tư là Công ty Đại Hải làm thủ tục xin cấp sổ thì công ty âm thầm vừa bán vừa thế chấp các lô đất đã bán cho khách hàng tại nhiều ngân hàng trên địa bàn TP.HCM để đảm bảo cho khoản vay...
Hiện nay một số ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp là các lô đất do Công ty Đại Hải thế chấp, làm phát sinh nhiều vụ kiện đang được TAND Q.Thủ Đức thụ lý. Theo tài liệu, hiện tại có đến hơn 100 nền đất thuộc 7 lô của khu nhà ở đã bị chủ đầu tư thế chấp cho nhiều ngân hàng.
Mặc dù nơi này hiện đã hình thành khu dân cư, người dân sống quần tụ từ nhiều năm nay nhưng theo ông Khoa, cứ lâu lâu lại có một số người lạ mặt cầm theo sổ hồng bản photo đến đòi nền đất của cư dân. Việc này phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân địa phương.
Chính quyền địa phương cũng "mệt bở hơi tai" với những cuộc "đụng độ" với cư dân và những người đòi đất. Đến nỗi, UBND phường Hiệp Bình Chánh phải cắm biển thông báo dự án này hiện đang có tranh chấp và bị ngăn chặn bởi các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. UBND phường còn cảnh báo "Nghiêm cấm các hành vi chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh - cho hay việc chủ đầu tư bán các nền đất của các hộ dân theo phản ánh thì phường không nắm biết được. Tuy nhiên, phường đã cập nhật danh sách ngăn chặn đối với các lô đất do các cơ quan có thẩm quyền gửi về phường để thông báo đến các cơ quan chức năng về việc ngăn chặn. Đồng thời, phường cũng theo dõi không để xảy ra việc xây dựng, làm hàng rào, thay đổi hiện trạng hay việc gây mất an ninh trật tự tại các lô đất bị ngăn chặn. Phường cũng yêu cầu cơ quan công an, khu phố... theo dõi sát sao, kịp thời ngăn chặn các động thái gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư. Ngoài ra, phường cũng hướng dẫn cư dân khởi kiện, trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình.
Ông Lưu Quang Lãm, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải, nói gì?
Theo các cư dân, hiện ông Ngô Xuân Trường đã "biến mất" nên họ chỉ còn biết bấu víu vào ông Lưu Quang Lãm (trước đó là chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải). Bởi khi mua đất họ chỉ biết đến ông Trường và ông Lãm, chính vì vậy họ mới tố cáo đích danh ông Trường và ông Lãm có hành vi lừa đảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, ông Lưu Quang Lãm cho hay từ năm 2015, ông đã chuyển nhượng lại cổ phần, bàn giao hồ sơ, pháp lý dự án lại cho ông Trường. Mọi vấn đề giải quyết pháp lý, thủ tục liên quan đất đai cho cư dân sẽ do ông Trường giải quyết.
Về phản ánh của cư dân, ông Lãm nói: "Vừa rồi tôi có nghe Trường có dính dáng đến xã hội đen do vay nặng lãi, rồi lấy nền đất của cư dân để bán. Tôi không biết việc này, đến khi cư dân phản ánh tôi mới biết". Còn về việc cư dân tố cáo đích danh ông đến cơ quan công an, ông Lãm giải thích: "Làm việc với cơ quan công an xác minh về đơn tố cáo tôi của cư dân, tôi cũng trình bày rõ. Tôi về Hà Nội đã 5 năm, hồ sơ mọi việc cũng đã bàn giao, tôi không còn liên quan…".
Dấu hiệu lừa đảo đã rõ
Bảng thông báo của UBND phường Hiệp Bình Chánh đặt ngay tại dự án - Ảnh: A.NHÂN
Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đối với các nền đất mà chủ đầu tư lấy bán lại, ra chủ quyền luôn cho người khác dù đã bán cho cư dân trước đó đã rõ dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hành vi này của chủ đầu tư gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các cư dân. Đồng thời, việc này sẽ làm phát sinh kéo theo nhiều hệ quả pháp lý, phát sinh thêm các tranh chấp và nguy cơ mất an ninh trật tự, ổn định đối với các cư dân ở khu dân cư này. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc điều tra để xử lý thỏa đáng, bảo vệ quyền lợi cho cư dân, hạn chế các hệ quả phát sinh. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ việc thế chấp hàng trăm nền đất cho các tổ chức tín dụng của chủ đầu tư, vì nó cũng có nguy cơ gây thiệt hại cho các tổ chức này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận