Làn đường chỉ rộng khoảng 4m, nhưng xe con, xe tải đi vào cả hai chiều khiến đường thường xuyên kẹt cứng - Ảnh: A LỘC
Tuyến đường trên chỉ dài khoảng 2km, rộng khoảng 4m, đoạn đầu nối với quốc lộ 1 (đoạn trước trạm thu phí khoảng 200m) kéo dài nối vào đường Tây Hòa - Trung Hòa và trở ra lại quốc lộ 1.
Bất chấp các bảng thông báo cấm ôtô cỡ lớn và giới hạn xe ở các khung giờ cao điểm, các phương tiện vẫn đi vào con đường này. Chỉ trong 30 phút đứng tại đây, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã ghi nhận cả trăm lượt ôtô, xe khách, xe tải, xe container chạy vào, tiếng còi xe, rú ga và cả tiếng hò hét, cãi nhau của tài xế liên tục dội vào nhà dân.
Anh Nguyễn Văn (ngụ xã Tây Hòa) cho biết trước đây trên tuyến đường D02 có cắm barie, chỉ xe tải dưới 1,5 tấn hoặc ôtô 4-7 chỗ đi vào được. Nhưng hồi tháng 5, các barie này bị húc sập. Xe trọng tải lớn cứ thế lũ lượt kéo qua.
Người dân nơm nớp lo sợ nguy cơ bị các xe này va quẹt, nhất là các em học sinh.
"Xe chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm. Ngày nào cũng có vài lượt kẹt xe kéo dài trên đường do các xe đối đầu, đường nhỏ hẹp nên xử lý không kịp. Đặc biệt, từ 22h đêm đến sáng, các xe phóng ầm ầm rung cả nhà khiến người dân không ngủ được", anh Văn bức xúc kể.
Để bảo vệ vỉa hè, tường rào, người dân đã dùng các tảng đá to, thùng phuy, các thanh gỗ lớn tấn ở lề. Nhưng nhiều xe vẫn leo lề, tông sập tường nhà dân. Lượng xe lưu thông quá lớn khiến đường bắt đầu xuống cấp, hai bên lề đường sụt lún, xuất hiện ổ gà.
Xe tải trọng lớn vẫn đi vào đường liên xã Tây Hòa - Trung Hòa bất chấp biển báo cấm - Ảnh: A LỘC
Các tài xế thì phân trần là họ chỉ muốn né trạm thu phí BOT Biên Hòa. Như tài xế tên Tân giải thích xe của anh thường đi từ Dầu Giây (huyện Thống Nhất) lên thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) giao hàng rồi quay lại. Dù không đi lên tuyến đường tránh Biên Hòa, anh vẫn phải bỏ gần 100.000 đồng để mua vé qua trạm.
"Biết là đi vào đường dân sinh thì người dân bức xúc, chửi dữ lắm, nhưng nếu không né trạm thì thu nhập chả còn bao nhiêu nên cứ ráng chạy thôi", tài xế Tân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hữu Đảng - phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom - cho biết khi nhận được phản ánh của người dân, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cắm biển báo cấm các xe có tải trọng trên 2,5 tấn lưu thông trên đường.
Huyện cũng tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các xe vi phạm. Tuy nhiên, một số tài xế lợi dụng lúc không có bóng dáng lực lượng chức năng để cố tình vi phạm.
"Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý. Cần thiết sẽ kiến nghị công an tỉnh tăng cường lực lượng xuống phối hợp nhằm xử lý triệt để tình trạng trên", ông Đảng cam kết.
Trước đó, trong tháng 9 và tháng 10, tại trạm thu phí này đã nhiều lần xuất hiện các tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm khiến giao thông bị ùn ứ. Đỉnh điểm là ngày 5-10, nhiều xe dừng trong trạm khiến quốc lộ 1 tê liệt. Ngay chiều cùng ngày, chủ đầu tư đã cho xả trạm, đến 26-10 mới thu phí trở lại.
Một đoạn mặt đường D02 bị hư hỏng do xe chạy qua quá nhiều - Ảnh: A LỘC
Dự án đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 1, đoạn tránh TP Biên Hòa (còn gọi đường Võ Nguyên Giáp) và nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư và đưa vào sử dụng tháng 10-2014.
Đường dài 12,2km, điểm đầu nối quốc lộ 1 và điểm cuối nối quốc lộ 51. Phần nâng cấp quốc lộ 1 dài 10km. Tổng kinh phí đầu tư trên 1.500 tỉ đồng theo hình thức BOT. Dự kiến thời gian thu hoàn phí 10 năm.
Bình Thuận đề nghị giảm phí qua trạm BOT cho dân địa phương
UBND Bình Thuận vừa cung cấp cho Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) danh sách ôtô tại các địa phương xung quanh trạm thu phí Km1661+600 quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bắc Bình, để xây dựng phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Danh sách này gồm 181 ôtô các loại của người dân thuộc hai xã Bình Tân, Sông Lũy và thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình.
Trước đó, UBND Bình Thuận đã có công văn gửi đến Tổng cục Đường bộ bàn về những bất cập trong việc thu phí ở hai trạm BOT trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh này. Đó là trạm Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam) và trạm Km1661+600 (huyện Bắc Bình).
Theo UBND Bình Thuận, đối với tuyến quốc lộ 1, đặt trạm thu phí ở vị trí nào thì người dân địa phương ở khu vực xung quanh đều thiệt thòi. Cụ thể, trạm Sông Phan thu phí cho đoạn quốc lộ 1 Phan Thiết - Đồng Nai dài 113,7km. Trạm Km1661+600 thu phí cho dự án dài 50km. Trong khi xe của người dân ở khu vực xung quanh chỉ qua trạm vài km. ĐỨC TRONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận