Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, trao đổi tại cuộc họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Dân TP.HCM "kiên cường" lắm, chịu đựng nhiều năm nay rồi, nhưng chịu đựng cũng có mức độ thôi
Chủ tịch HĐND TP.HCM NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM
Sáng 20-4, Ban đô thị HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về giải quyết các vướng mắc trong thủ tục xây dựng và đất đai đối với khu vực chức năng sử dụng và dân cư xây dựng mới trên địa bàn TP.
Trước đó, Ban đô thị đã khảo sát 4 quận, huyện về các vướng mắc này.
Nghịch lý
Chủ trì cuộc họp, ông Trương Trung Kiên - trưởng Ban đô thị - cho biết hiện trên địa bàn TP, diện tích đất quy hoạch hai chức năng đất ở hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới còn khá nhiều, với tổng diện tích đã lập đồ án quy hoạch phân khu toàn TP hơn 82.600 ha, trong đó đất dân cư xây dựng mới chiếm 51,8%, đất hỗn hợp 1,9%.
"Nhưng nghịch lý là những khu đất này, dân cư đang sinh sống rất là dày đặc. Chúng ta chủ trương mềm hóa quy hoạch, tức làm sao quy hoạch không gây ra vướng mắc, giờ như vậy có phải là đi ngược lại tinh thần đó hay không?", ông Kiên đặt vấn đề.
Ông dẫn chứng tại quận 3, đất hỗn hợp chiếm 20% tổng diện tích đất, Bình Chánh 1,05% và đất dân cư xây dựng mới chiếm 47% diện tích đất dân cư. Ở huyện Hóc Môn, các con số cũng tương đương.
Trong các khu vực quy hoạch hai chức năng này, đa số các quận huyện chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn. Nhưng cũng có một số quận huyện cấp phép chính thức, như quận 9, Bình Thạnh, Gò Vấp.
Các quận cấp phép có thời hạn gây bức xúc rất lớn trong nhân dân do hạn chế về tầng cao, không được công nhận tài sản gắn liền với đất.
Các quận huyện kiến nghị cho các quận chủ động rà soát hiện trạng để điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với hai khu vực có chức năng quy hoạch này, nếu phù hợp sẽ chuyển đổi thành đất ở hiện hữu để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Cư, chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn, trình bày vấn đề bức xúc của người dân địa phương - Video: TỰ TRUNG
"Đây là bức xúc chính đáng"
Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, kiến nghị đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở thì theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương để lập quy hoạch 1/500, lập dự án đầu tư xây dựng trong đó có hình thành nhóm nhà ở phù hợp với cơ cấu sử dụng đất ở được xác định theo đồ án quy hoạch được duyệt.
Đáng chú ý, đối với đất sử dụng hỗn hợp không có chức năng ở thì không cấp phép xây dựng nhà ở, chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa đất ở.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Đạt cho biết thực tế đi khảo sát cho thấy những khu vực này người dân cũng đang ở rất đông đúc. Ông Đạt cho rằng nếu không giải quyết thì quyền người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Về tách thửa, hiện nay đang áp dụng quyết định 60/2017 của UBND TP, nhưng trong quá trình thực hiện các quận huyện cũng phản ánh có nhiều điểm chưa thống nhất, chưa rõ.
Giải thích mục tiêu của TP khi đặt ra loại đất hỗn hợp là để khu đất đó có thể có nhiều chức năng, để tránh phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh hệ số sử dụng đất và tầng cao, nhưng ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, cũng thừa nhận việc này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi chính đáng của người dân.
"Một năm sở trả lời không dưới 500 đơn thư của người dân, đây là bức xúc chính đáng. Chúng tôi cũng rất mừng vì hôm nay có phiên họp này để tháo gỡ", ông Toàn nói.
Phiên họp giải trình dô Ban đô thị HĐND TP.HCM tổ chức sáng 20-4 - Ảnh: TỰ TRUNG
Dân chịu đựng có mức độ thôi!
Dự phiên họp, các giám đốc các sở Xây dựng, Tài nguyên - môi trường cũng có giải trình về quy định và việc áp dụng quy định ở từng quận huyện, trong đó nhiều ý kiến cho thấy cách làm không giống nhau.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP - nói không thể chấp nhận chuyện có những nhận thức và cách làm khác nhau ở trong cùng một thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Nhã nói sẽ tổng rà soát lại toàn bộ nội dung. Bà Quyết Tâm yêu cầu phải đưa ra thời hạn, ông Nhã suy nghĩ một lát và xin 3 tháng.
Bà Quyết Tâm nói không ép thời hạn, nhưng cũng không thể kéo dài quá lâu và nhất định phải hoàn thành trong thời gian đã hứa.
"Dân TP "kiên cường" lắm, chịu đựng nhiều năm nay rồi, nhưng chịu đựng cũng có mức độ thôi", bà Quyết Tâm nói và yêu cầu các cơ quan xem lại trách nhiệm của mình.
"Người dân nói được cấp giấy phép tạm đã mừng lắm rồi, các đồng chí nghe có thấy thương người dân mình không? Xây dựng tạm rồi phải cam kết tháo dỡ không đền bù. Là do mình quản lý không tốt, như vậy là có lỗi với dân lắm", bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận