Ông Nguyễn Thanh Hòa - phó thanh tra du lịch Thừa Thiên - Huế nói ông Mẫn bị phạt vì hành vi hướng dẫn “chui” |
Ông Trần Văn Mẫn, phó tổng giám đốc một công ty ở Bình Dương, phản ảnh: “Ngày 18-7, tôi cùng ba vị khách Nhật là đối tác của công ty đi chơi tại chùa Thiên Mụ (TP Huế).
Trong khi đang nói chuyện thì bị nhóm thanh tra du lịch hỏi có thẻ hướng dẫn viên hay không, tôi bảo không có vì không phải là hướng dẫn viên. Sau đó tôi bị phạt 5 triệu đồng vì không có thẻ hướng dẫn viên”.
Theo ông Mẫn, việc xử phạt ông như vậy là cứng nhắc, dẫu ông biết ngành du lịch đang ra sức lập lại kỷ cương.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - phó chánh thanh tra du lịch Thừa Thiên - Huế, người trực tiếp lập biên bản xử phạt ông Mẫn - cho biết ông Mẫn bị phạt vì hành vi hướng dẫn “chui”.
Đoàn kiểm tra đã theo dõi, ghi hình ông Mẫn từ ngoài vào trong chùa và kiểm tra thẻ hướng dẫn viên khi ông Mẫn đang giới thiệu với khách ngay trong điện Đại Hùng.
Khi kiểm tra, ông Mẫn không xuất trình được thẻ hướng dẫn viên.
Qua làm việc, ông Mẫn chứng minh mình làm ở công ty nhưng không có chức năng kinh doanh du lịch.
“Tuy chứng minh được mình là phó tổng giám đốc một công ty nhưng ông Mẫn không chứng minh được ba vị khách Nhật đi cùng là khách của công ty. Ông Mẫn có hành vi hướng dẫn cho khách nước ngoài tham quan mà không có thẻ hướng dẫn viên trong điểm du lịch” - ông Hòa nói.
“Xử phạt ông Mẫn như vậy liệu có quá cứng nhắc? Và nếu một người rành về di tích, văn hóa địa phương đi đến các điểm tham quan cùng bạn bè nếu muốn không bị phạt chẳng lẽ im lặng?”.
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Hòa cho rằng nếu khi ấy ông Mẫn chứng minh được (bằng giấy giới thiệu chẳng hạn) ba người Nhật là khách của công ty thì phía đoàn thanh tra có thể sẽ hướng dẫn ông thuê người thuyết minh cho khách.
Còn theo Luật du lịch, trong phạm vi tất cả các điểm tham quan di tích, người thuyết minh phải có thẻ hành nghề hướng dẫn viên, nếu không có thì phạm luật.
“Luật quy định chặt chẽ như vậy là để hạn chế phát sinh hoạt động du lịch chui” - ông Hòa nói.
Không được đẩy nghĩa vụ chứng minh cho người vi phạm Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), trong xử phạt hành chính, về nguyên tắc chính cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh người bị xử phạt có vi phạm pháp luật hay không. Trường hợp nói trên, người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh người bị phạt đang hoạt động hướng dẫn viên du lịch mà không có đủ điều kiện, chứ không thể đẩy nghĩa vụ chứng minh cho người bị phạt. “Nếu anh không có chứng cứ để xác định một người đang có hành vi vi phạm pháp luật mà lại lập biên bản để xử phạt họ là điều rất vô lý. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, bất kỳ ai cũng có thể bị lôi ra xử phạt” - luật sư Lê Cao nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận