04/06/2015 14:15 GMT+7

Dân kêu trời hóa đơn tiền điện: Hứa... tiếp tục theo dõi

KHOA NAM
KHOA NAM

TT- Trên 1 triệu điện kế điện tử (ĐKĐT) đã được lắp đặt tại 21 tỉnh/thành phố từ Ninh Thuận tới Cà Mau (trừ TP.HCM). Nhiều khách hàng phản ứng điện kế mới lắp làm tăng vọt chỉ số điện.

Điện kế điện tử xoay chiều 1 pha loại VSE 11 lắp đặt cho khách hàng tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: K.Nam
Điện kế điện tử xoay chiều 1 pha loại VSE 11 lắp đặt cho khách hàng tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: K.Nam

Trên 1 triệu điện kế điện tử (ĐKĐT) đã được lắp đặt tại 21 tỉnh/thành phố từ Ninh Thuận tới Cà Mau (trừ TP.HCM). Tại Kiên Giang, gần đây nhiều khách hàng của ngành điện phản ứng vì ĐKĐT được lắp mới thông báo chỉ số điện dùng tăng vọt. Tuổi Trẻ đã gặp nhiều bên để lắng nghe ý kiến.

Tuy nhiên, điều quan trọng là khách hàng của ngành điện vẫn chưa đồng ý với cách giải thích của ngành điện.

Kiểm tra các trường hợp tiền điện tăng bất thường

Ông Huỳnh Văn Gành - giám đốc Sở Công thương Kiên Giang - cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ (2-6) đăng tải bài viết: “Dân kêu trời với hóa đơn tiền điện”, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra tất cả các trường hợp phản ảnh tiền điện tăng cao bất thường. Kết quả kiểm tra sẽ thông báo sau cho người dân và cơ quan báo chí.

“ĐKĐT là loại thiết bị mới triển khai thí điểm nên theo tôi thì chưa thật sự ổn lắm. Do đó với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp điện cho người dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh kịp thời” - ông Gành nói.

Còn về chuyện nhiều người dân đòi công ty điện lực lắp trả lại điện kế cơ hoặc lắp song song hai điện kế để kiểm chứng thì ông Gành trả lời phải rà lại các văn bản hướng dẫn của Tổng công ty Điện lực miền Nam rồi mới trả lời cụ thể được.

Ông Nguyễn Cao Sơn - trưởng phòng quản lý điện năng thuộc Sở Công thương Kiên Giang - cho biết theo quy định hiện hành, trong trường hợp có người khiếu nại về tiền điện thì đơn vị này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra điện kế.

Cần giám sát khách quan việc ghi điện từ xa

Tuy nhiên, ông Sơn nói quy định như vậy chỉ phù hợp với điện kế cơ hoạt động độc lập trước đây. Còn hiện tại, Công ty Điện lực Kiên Giang đã lắp đặt hàng chục ngàn ĐKĐT cho khách hàng, các điện kế này được nối mạng với máy tính để đo đếm từ xa nên vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Hiện chưa có quy định cho phép kiểm tra hệ thống mạng máy tính cũng như phần mềm quản lý chỉ số điện năng tiêu thụ.

“Đây là vấn đề mới nảy sinh nên chúng tôi vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Trường hợp thấy cần thiết thì chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo đề xuất với UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn” - ông Sơn nói.

Ông Bùi Văn Hộ - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang - cho biết qua thông tin phản ánh trên báo chí, sắp tới ông sẽ đề nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp để hoặc là người dân, hoặc là một cơ quan nào đó phải giám sát, kiểm tra quá trình ghi chỉ số tiêu thụ điện từ xa qua ĐKĐT. Có như vậy thì hoạt động kinh doanh, phân phối điện mới đảm bảo tính công khai, minh bạch, không ảnh hưởng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng.

Nên cung cấp thông tin cho khách hàng

Theo ông Lê Văn Tình, kỹ sư tin học có nhiều năm kinh nghiệm  về mạng, máy tính, làm việc tại TP Rạch Giá,  một hệ thống máy móc điện tử quản lý hàng triệu thông tin người dùng, kết nối một loạt máy tính trạm, máy tính trung tâm như hệ thống đo đếm điện từ xa là khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rủi ro có thể phát sinh từ bên trong mạng do lỗi hệ thống, lỗi đường truyền, lỗi phần mềm điều khiển, thậm chí không thể loại trừ khả năng hệ thống này bị rủi ro hoặc tấn công từ yếu tố bên ngoài như sấm sét, hacker phá hoại chẳng hạn.

Vì vậy, kỹ sư Tình cho rằng để khách hàng thật sự yên tâm, tin tưởng thì doanh nghiệp bán điện và đơn vị cung cấp ĐKĐT nên sớm cung cấp thông tin về chip xử lý, nguyên tắc hoạt động cũng như thông tin cơ bản về hệ thống mạng và phần mềm kiểm soát đo điện từ xa.

“Ít nhất anh phải cung cấp thông tin về nhà sản xuất, cam kết bộ xử lý bên trong ĐKĐT chỉ cho phép đọc chứ không thể can thiệp chỉ số được thì người ta mới tin cậy. Ngoài ra để khách hàng giám sát quá trình đo ghi từ xa, tôi nghĩ công ty điện lực nên đưa cơ sở dữ liệu người dùng theo từng khu vực lên Internet, để khi cần khách hàng có thể tra cứu trực tiếp” - kỹ sư Tình đề xuất.

Công ty điện lực giải thích thiếu thuyết phục

Chiều 3-6, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang cho hay nhân viên điện lực đã đến trụ sở công ty kiểm tra sơ bộ và giải thích đại khái tiền điện tăng do thời tiết nắng nóng, dùng máy điều hòa nhiều, hơn nữa trong tháng 3-2015 giá bán điện tăng nên hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao là đúng. Quá trình làm việc có lập biên bản cũng như ghi nhận nội dung kiến nghị của khách hàng.

“Giải thích như vậy tôi không đồng tình. Bởi lẽ giá bán điện chỉ tăng 7,5%, còn hoạt động công ty tôi ngày nào cũng như ngày nào với chừng đó thiết bị điện, không thay đổi, không thêm thắt gì mà sao tiền điện tăng tới gấp đôi. Tăng như vậy làm sao tôi giải thích với các thành viên trong hội đồng quản trị được?” - vị này bức xúc.

Nhiều khách hàng khác cũng có cùng suy nghĩ với lãnh đạo Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang. Có người còn bày tỏ suy nghĩ có khiếu nại, kiện cáo cũng không thay đổi được gì vì ngành điện giữ độc quyền bán điện.  

 

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp