Xe xử lý rác thải trên đường Bình Quới (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng sớm một ngày giữa tháng 9, bà Hoàng Thị Trỏng - ngụ tại đường Phùng Văn Cung, quận Phú Nhuận - mở cửa mang rác ra để trước cửa nhà chờ người đến thu gom. Rác được bà Trỏng bỏ vào hai bịch nilông khác nhau cùng màu xanh, trên mỗi bịch rác bà dán chữ "chất thải hữu cơ", "chất thải còn lại".
Bà Trỏng cho biết do hưởng ứng chủ trương của chính quyền, gia đình bà đã thực hiện phân loại rác tại nguồn từ nhiều tháng qua. Bà kể quá trình phân loại rác tại nhà mình như sau: khi đi chợ xong, những loại rác như rau củ quả hoặc thức ăn thừa sẽ dồn vào túi riêng; chai nhựa, hộp giấy, bịch nilông sẽ cho vào túi riêng. Cẩn thận hơn, bà Trỏng còn dán nội dung trên từng bịch rác.
Phân loại rồi lại gom vào!
Tuy nhiên, bà Trỏng chỉ là một trong số ít hộ dân thực hiện phân loại rác tại tuyến đường này. Cách nhà bà Trỏng chừng 30m, chúng tôi hỏi một người dân tại sao không phân loại thì người này ngập ngừng cho biết chỉ có "ve chai" bán lại được là gia đình nhặt sẵn ra, còn mọi thứ rác khác đều cho vào một bịch nilông rồi mang ra thùng trước nhà để xe thu gom rác tới lấy.
"Mấy bữa đầu tôi còn hưởng ứng vận động của địa phương, nhưng sau đó tôi thấy họ bỏ chung hết nên có phân loại cũng không có tác dụng gì" - người này phân bua.
Có thể thấy ở phía người dân, việc thực hiện vẫn còn theo phong trào, chưa hiệu quả. Nhưng xét lại, người dân vẫn có lý do để không thực hiện việc phân loại.
Nhiều người thừa nhận sau những ngày đầu được tuyên truyền phân loại rác tại nguồn đã thực hiện rất nghiêm túc, nhưng sau đó lại bỏ ngang vì lý do "chúng tôi phân loại nhưng người thu gom dồn lại thì phân loại làm gì?".
Trong tháng 9, chúng tôi đã theo chân một số người thu gom rác để ghi nhận thực tế mà người dân phản ảnh. Ngay tại khu vực hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 là địa điểm được chọn thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP, nhưng đến nay việc thực hiện phân loại rác gần như không còn thực hiện.
Chiều 16-9, chúng tôi ghi nhận về công việc của một người thu gom rác trong đồng phục màu cam đẩy thùng rác cũng màu cam đi đến khu vực hẻm này. Xe thùng không hề có ngăn để phân loại rác, bên hông xe chỉ có duy nhất chiếc bao cột theo để gom ve chai.
Đến trước nhà người dân, người gom rác làm thuần thục: lấy tất cả các bịch rác bỏ lên xe và xé các bịch rác trộn lẫn chúng với nhau. Người này chỉ đảo rác lên để lấy chai nhựa, kim loại. Hầu như không có việc phân loại rác diễn ra đối với rác người dân đã phân loại hay chưa phân loại.
Tối cùng ngày, chúng tôi có mặt tại khu vực cư xá Thanh Đa. Rác của người dân được bỏ ra trước cửa, người thu gom đến gom lại và bỏ chung vào một bịch nilông lớn, rồi mang ra xe đẩy bỏ chung. Chiếc xe đẩy này được đưa ra điểm hẹn rác, rồi đưa lên xe ép. Mớ hỗn độn rác được ép thành một khối chở đi, kết thúc một quy trình thu gom và không hề có công tác phân loại.
Tại các điểm tập kết rác thì sao? Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có mặt tại "điểm hẹn rác" trên đường Bình Quới, quận Bình Thạnh. Gần 10 xe thu gom rác dân lập lần lượt chạy về tập kết tại lề đường, chờ xe ép rác tới lấy rác.
Đây là những chiếc xe thô sơ cơi nới thêm những tấm tôn thành thùng để chứa nhiều rác hơn. Rác trên xe này gồm đủ loại chai nhựa, vỏ dừa, rau xanh đến cả các tấm vải nhỏ đè lẫn lên nhau không được phân loại.
Công nhân thu gom rác trên tuyến đường Lê Tự Tài, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chuyện ở nhà máy xử lý
Khi xe ép rác chạy tới, rác từ các xe thô sơ này đều được đưa lên xe ép rác ép thành khối. Rác từ điểm tập kết này đi đâu? Một người phụ trách điểm tập kết này cho biết rác sẽ được đưa về khu xử lý Tây Bắc (huyện Củ Chi) hoặc khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Nếu rác được phân loại đưa tới đây thì xử lý thế nào? Người phụ trách điểm tập kết rác nói lâu nay rác đưa tới đây đều không được phân loại...
Trước đây, TP đã có phương án siết lại việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, nếu người dân không thực hiện phân loại, lực lượng thu gom sẽ báo lại với cơ quan chức năng. Nếu nhiều lần vi phạm, mức phạt có thể lên đến 20 triệu đồng.
Với quy định này, người thu gom rác cũng đóng vai trò là người giám sát việc phân loại của người dân. Tuy nhiên, chính người thu gom lại là đối tượng phớt lờ thực hiện, dồn rác lại để đỡ mất thời gian.
Theo ông Ngô Như Hùng Việt - giám đốc Vietstar (đơn vị vừa khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại TP.HCM), dù công nghệ đốt rác phát điện rất tối ưu nhưng rác vẫn trải qua quy trình phân loại sơ bộ trước khi được đem đi đốt.
Theo đó, phía nhà máy vẫn phải thực hiện phân loại nhằm lựa rác hữu cơ làm phân bón (compost), nhựa để tái chế, rác còn lại sẽ được xử lý trước khi đưa vào lò đốt phát điện. Vì vậy, dù người dân không phân loại tại nguồn, rác đưa về nhà máy vẫn phải trải qua quy trình phân loại.
Chưa chuẩn bị đủ hạ tầng
Tại buổi giám sát của HĐND TP về cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" ở quận 11, ông Phạm Minh Tâm, trưởng phòng tổng hợp hành chánh Ban dân vận Thành ủy, nhận định việc thực hiện phân loại rác tại nguồn dù đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm.
Đề cập về công tác phân loại rác tại nguồn, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho biết thời gian qua nhiều quận, huyện cũng đã quyết liệt triển khai công tác này, tổ chức được hệ thống thu gom riêng chất thải sau phân loại tại một số khu vực, tuyến đường nhất định trên địa bàn như các quận 1, 3, 5, 6, 8, 12, Phú Nhuận.
Các quận, huyện đang tập trung tổ chức sắp xếp lại mô hình hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, tổ chức lại mạng lưới thu gom phù hợp. Song song đó, phương tiện vận chuyển hiện nay cũng đang được cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện dần để từng bước đáp ứng nhu cầu.
Bà Mỹ cũng nhận định dù các sở ngành, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác phân loại rác tại nguồn, tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ về vấn đề này... song hiệu quả công tác phân loại rác vẫn chưa đạt được như mong muốn. Cũng theo bà Mỹ, dự kiến trong tháng 11 sẽ tổ chức họp sơ kết đánh giá công tác phân loại rác tại nguồn thời gian qua.
Có thể thấy rằng thời gian qua nhiều sở ngành, địa phương đã có sự cố gắng trong công tác phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các địa phương, việc phân loại thực hiện "qua loa chiếu lệ", thậm chí rác phân loại xong được trộn chung với rác chưa phân loại.
Sau hơn 10 năm tổ chức, đến nay lượng rác đã phân loại bao nhiêu mỗi ngày, thành phần là gì, đưa đi xử lý ở đâu... vẫn còn là ẩn số.
Tôi biết việc phân loại rác tại nguồn không chỉ mới làm gần đây, mà nhiều năm trước đây thành phố đã thực hiện nhưng đến nay kết quả còn rất hạn chế. Có thể thấy những ví dụ về việc thực hiện còn bị đứt quãng, chưa liền mạch như: việc cấp bao bì để người dân phân loại vẫn chưa thực hiện được; người dân chưa ý thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc phân loại rác; chưa có chế tài đối với người dân nếu không thực hiện... Đây là công tác rất khó khăn, cần thực hiện bằng các chuyên đề kéo dài nhiều năm mới hiệu quả, chứ không thể làm phong trào một sớm một chiều.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)
Đổi sang xe gom rác hiện đại
Xe thu gom rác đạt chuẩn là một trong những yếu tố để thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, nhiều xe thu gom rác hiện nay đã cũ, không đạt tiêu chuẩn, làm rỉ nước, rơi rác gây ô nhiễm môi trường.
Dù UBND TP.HCM yêu cầu thay thế các phương tiện vận chuyển rác cũ trước ngày 31-10-2019, nhưng thực tế để thực hiện điều này quá khó. Những người làm nghề thu gom rác nêu những trở ngại rất cụ thể: chi phí mua xe mới là hơn 100 triệu đồng, thêm tốn kém xăng dầu, phải có bằng lái, xe không len vào các con hẻm nhỏ được...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, đến nay các quận, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển rác sinh hoạt. Sở Tài nguyên - môi trường đã đề nghị các quận, huyện nắm thông tin, thống kê, phân loại các đường dây thu gom rác dân lập thành các nhóm.
Nhóm 1 là các cá nhân, tổ chức đang được Quỹ bảo vệ môi trường cho vay. Nhóm này sẽ được TP gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện. Thời gian dự kiến gia hạn chuyển đổi phương tiện cho nhóm này từ 2 đến 6 tháng, từ ngày 1-11-2019 nhưng không quá 2 tháng kể từ ngày được Quỹ bảo vệ môi trường giải ngân cho vay.
Nhóm 2 là các cá nhân, tổ chức không liên lạc được hoặc không đăng ký vay vốn, hoặc có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay. Nhóm này sẽ được kiến nghị xử lý trong đợt đầu tiên sau khi hết thời gian chuyển đổi phương tiện theo quy định của UBND TP. Thời gian dự kiến hoàn tất xử lý nhóm này trong khoảng 2 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận