Trên mạng xã hội đã mở ra nhiều diễn đàn với mong mỏi ông Thọ tiếp tục làm chủ tịch tỉnh để thực hiện những việc đang tiến triển tốt đẹp. Nhìn sự đổi thay của Huế thời gian qua, dễ hiểu vì sao nhiều người có cảm tình với ông Thọ.
Khoảng hai năm trước, người ta bắt đầu nghe đến "Giấc mơ Huế" như là một chương trình, kế hoạch cụ thể do ông Thọ đề xướng, triển khai. Đó là câu chuyện xây dựng Huế trở thành xứ sở hạnh phúc - nơi có thiên nhiên trong lành, cảnh quan đẹp đẽ, xã hội bình yên, người dân tử tế, chính quyền thân thiện.
Những điều quả là "như mơ" bao năm nhưng đang từng ngày được nhìn thấy và dần dần thành hiện thực, đó là khôi phục lại những giá trị mà Huế vốn đã có nhưng qua thời gian đã bị mai một.
Thiên nhiên Huế vốn trong lành, cảnh quan đã thơ mộng từ thuở nào, giờ chỉ cần chỉnh trang lại là tạo ra ngay một thay đổi lớn. Chỉ cần sạch là Huế tỏa sáng. Chương trình Ngày chủ nhật xanh với thông điệp "Nhặt một cọng rác bạn đã góp phần làm sạch Huế", cùng với hoạt động "Nói không với rác thải nhựa" thực hiện miệt mài trong hai năm qua, đã làm thay đổi bước đầu nhận thức của người dân về rác.
Sau dọn rác là trồng cây, trồng hoa và mới nhất là cuộc vận động "Mai vàng trước ngõ" tạo một cảm hứng làm đẹp nhà, đẹp phố đang truyền dẫn trong cộng đồng Huế. Nhiều đô thị trong nước đã đến Huế để học tập cách làm "thêm một người nhặt rác thì bớt đi một người xả rác".
Giải tỏa 4.200 hộ với 1,5 vạn dân sống trên di tích kinh thành Huế được xem là "cuộc di dân lịch sử" - vừa giúp cho dân nghèo có nơi sinh sống yên ổn, vừa trả lại sự nguyên vẹn cho khu di sản thế giới này.
Đây là món nợ mà mấy mươi năm qua vẫn chưa thể "đụng vào", nhưng giờ thì đã làm được. Bãi xe tăng, súng đạn của Bảo tàng Lịch sử đặt ngay trong khuôn viên Trường Quốc Tử Giám đè nặng không gian cổ kính của kinh thành suốt hàng chục năm qua giờ đã được di chuyển đến địa điểm mới phù hợp hơn.
Rồi một việc mà nhiều người Huế rất bất ngờ, vì cứ tưởng không biết đến bao giờ. Hai bờ sông Hương trong xanh, thơ mộng thế nhưng lại là nơi hoang vắng vì bị ngăn cách với người dân và du khách. Chỉ cần những con đường đi bộ hai bờ sông được mở ra là tạo thành một không gian đẹp như mơ.
Cốt cách Huế là một giá trị, nhưng qua thời gian và những biến động của đời sống, đã nhiều phần phai nhạt. Để phục hồi giá trị đó thì người Huế phải biết đến giá trị cốt lõi của mình. Là "kinh đô áo dài" thì chiếc áo dài không chỉ là lễ phục mà còn là thường phục công sở, bây giờ không chỉ phụ nữ mà đàn ông ở công sở Huế cũng đã mặc trở lại.
Sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch tỉnh, giới xích lô, taxi Huế đã hiểu ra vai trò của họ không nhỏ trong việc quyết định du khách quay trở lại. Giáo dục Huế vừa đưa môn nữ công gia chánh vào dạy trong nhà trường, ngành văn hóa ra mắt Tủ sách Huế...
Điều đáng nói là, những công việc chỉnh trang - phục hồi đó đều là việc ít tốn tiền mà hiệu quả cao, và người dân hưởng lợi rất nhiều. "Giấc mơ Huế" cũng chẳng phải là điều gì lớn lao, xa vời, mà chính là cuộc sống bình an, hạnh phúc mỗi ngày của người dân.
Vì vậy, người dân mới tin rằng Huế đang đi đúng hướng phát triển: phát triển trên nền tảng xanh - sạch và Huế. Trong đó có cả việc quan trọng là thu hút các nhà đầu tư lớn về làm ăn ở xứ sở an lành này.
Giấc mơ của Huế đưa Huế lên cao hơn, xa hơn và Huế hơn đã là giấc mơ của bao người Huế, bao năm, và những năm gần đây, như đã thấy, đã chạm vào giấc mơ đó. Không phải riêng cá nhân ông Thọ mà người Huế mong muốn có những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, làm đúng theo giá trị riêng có của Huế, thực hiện "Giấc mơ Huế" vốn đã nằm trong giấc mơ lâu rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận