Tài xế Grab mua hàng theo số lượng thực phẩm trái cây tươi khách hàng đặt trên app vào trưa 1-4 tại TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRUNG
Ngày 1-4, tại TP.HCM, trên các tuyến đường như Lê Quang Định, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) trưa 1-4 cho thấy các quán cơm, bún bò, phở... vẫn mở bán dành cho khách mang đi. Khách đến mua thì ít, phần lớn là shipper lấy đồ ăn giao cho khách hàng đặt qua mạng.
Khoảng 12h30 trưa, một tài xế Grab ghé vào cửa hàng Chợ Phố (quận Phú Nhuận) để đi chợ giùm cho khách đặt qua online với hàng loạt đồ thực phẩm tươi như đậu cove, bắp Mỹ, nho đen ngón tay Úc, tôm đất...
Không còn phải xếp hàng dài tại các siêu thị, người dùng có thể mua sắm hàng hóa ngay trên ứng dụng đi chợ hộ của Grab, Be - Ảnh: CÔNG TRUNG
"Khách đặt đi chợ giùm nhiều lắm, đơn hàng này khách trả bằng ví điện tử với giá hơn 400.000 đồng. Sáng giờ hơn 10 đơn hàng rồi" - tài xế này nói.
Theo ghi nhận, tài xế của Grab và Be xuất hiện nhiều trong các cửa hàng, siêu thị của Co.opFood, BigC, Farmer's Market... để mua hàng cho khách hàng đặt trên app. Đa số thực phẩm là đồ tươi sống với giá trị đơn hàng lên trên 200.000 đồng.
Nhân viên cửa hàng trái cây Chợ Phố cho biết số lượng shipper đến lấy hàng thông qua ứng dụng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Khi khách hàng đặt trên app, cửa hàng đã chuẩn bị sẵn hàng hóa, tài xế chỉ tới kiểm tra chất lượng, số lượng thực phẩm theo đơn hàng. Sau đó thanh toán và giao hàng cho khách. "Thời gian chỉ có vài phút là xong một đơn hàng đi chợ giùm" - nhân viên này nói.
Shipper tất bật với đơn hàng online, chạy giao hàng không kịp ăn trưa - Ảnh: CÔNG TRUNG
Đang chờ lấy hàng tại quán bún chả Hà Nội trên đường Phan Xích Long, anh Nguyễn Văn Quân - shipper của Now - cho biết trung bình mỗi ngày anh nhận 30 - 40 đơn hàng, tùy chặng đường gần xa, trừ chi phí xăng, điện thoại... sẽ bỏ túi khoảng 20.000 - 30.000 đồng/đơn.
"Dù số lượng đơn hàng tăng nhưng rủi ro bom hàng lớn hơn. Dịch COVID-19 khiến ai cũng bị ảnh hưởng, khó khăn hết. Giờ có đơn hàng nào là mừng húm, không từ chối cái nào" - anh Quân nói.
Lo ngại nhất của cánh shipper là khách "bom" hàng, đặc biệt là những đơn hàng lớn. Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh, việc di chuyển liên tục và tiếp xúc với nhiều người cũng tiềm ẩn rủi ro cao.
Chị Nguyễn Thu Hiền - chủ quán cơm Hiền - cho biết đã chuẩn bị gel sát khuẩn trước quán, tài xế trước khi vào lấy hàng đều phải rửa tay, đeo khẩu trang.
"Tôi yêu cầu nhân viên quán luôn giữ khoảng cách an toàn khi đi giao hàng cho shipper. Cửa hàng cũng khuyến khích khách thanh toán online và giảm từ 5 - 10% giá trị các đơn hàng không dùng tiền mặt" - chị Hiền nói.
Khách đến mua thì ít, phần lớn là shipper lấy đồ ăn cho khách hàng đặt qua mạng - Ảnh: CÔNG TRUNG
Các shipper tranh thủ lấy hàng và hạn chế nói chuyện với nhau - Ảnh: CÔNG TRUNG
Không hiển thị vận chuyển xe 2-4 bánh trên ứng dụng
Theo ghi nhận, trên ứng dụng của Grab, Be, Fast-Go... cho thấy dịch vụ gọi xe 2-4 bốn bánh đã được tắt, không hiển thị trên màn hình.
Be cho biết tạm ngừng cung cấp dịch vụ chở khách 2 bánh và 4 bánh (beBike, beCar, be Đi tỉnh và thuê xe theo giờ) trong vòng 15 ngày. Các tài xế của Be có thể lựa chọn việc chạy giao hàng (beDelivery) hoặc đi chợ hộ (be Đi chợ) để hoạt động.
Tương tự, các mảng của Grab tạm ngưng hoạt động bao gồm dịch vụ vận chuyển hành khách 4 bánh ((GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Doanh nghiệp, Grab Tỉnh/Grab Tuyến, GrabTaxi, GrabRent, JustGrab) từ 0h ngày 1-4.
Riêng dịch vụ GrabFood tại Đà Nẵng cũng tạm ngừng hoạt động từ 0h ngày 2-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận