Đội xe buýt nhanh chuẩn bị đi vào khai thác từ 1-1-2017 - Ảnh: Tuấn Phùng |
Bà Jung Eun Oh, Trưởng ban giao thông của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Nếu làm BRT sớm hơn sẽ tốt hơn nhưng làm chậm vẫn là cách tiếp cận đúng đắn hơn là không làm gì khi xe cá nhân ngày càng tăng, giao thông ngày càng tắc nghẽn.
Để tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội thành công thì sự hợp tác của người dân rất quan trọng, làn đường riêng cho BRT cần được tôn trọng, đảm bảo hành lang an toàn cho BRT vận hành.
Dù thừa nhận những khó khăn mà BRT sẽ gặp phải nhưng ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vẫn lạc quan cho rằng BRT sẽ chạy nhanh hơn xe buýt thường vì BRT có làn riêng chạy sát dải phân cách giữa, nhà chờ nằm ở dải phân cách giữa nên xe không mất thời gian tạt ra, tạt vào nhà chờ bên lề đường.
ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội và bà Jung Eun Oh, Trưởng ban giao thông của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam chủ trì cuộc họp về triển khai hoạt động của BRT - Ảnh: Tuấn Phùng |
“Một tuyến BRT giá trị đầu tư chỉ bằng 1/10 dự án đường sắt trên cao, bằng 1/20 tàu điện ngầm nên kinh nghiệm của thế giới là thực hiện BRT trong khi chờ đường sắt đô thị. Ngoài tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Hà Nội còn 7 tuyến BRT khác sẽ được xây dựng”- ông Viện lý giải.
Về lo ngại ưu tiên buýt nhanh chạy trên trục đường đông đúc của Hà Nội sẽ làm ảnh hưởng tới các phương tiện khác, làm ùn tắc trầm trọng thêm ở các tuyến đường cắt ngang tuyến BRT, ông Viện cho rằng phương án tổ chức giao thông đảm bảo cho BRT hoạt động nhưng vẫn tính đến điều kiện hoạt động thuận lợi cho phương tiện khác.
“Từ 25-12 sẽ thực hiện phương án tổ chức giao thông để người dân làm quen và điều chỉnh dần để tuyến BRT hoạt động chính thức từ 1-1-2017. Dành đường riêng cho BRT thì có xáo trộn giao thông trong thời gian đầu nhưng chúng tôi mong người dân hiểu và đồng thuận”- ông Viện bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT số 1 của Hà Nội cũng là tuyến đầu tiên của cả nước đi vào khai thác. Vì vậy cả những yếu tố thành công hay điểm hạn chế sẽ cũng đem lại nhiều kinh nghiệm cho các tuyến BRT ở TP HCM hay các thành phố khác trên cả nước sau này.
Miễn phí cho người dân đi BRT trong 1 tháng Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã đồng ý miễn phí cho hành khách đi BRT trong tháng đầu tiên khi loại phương tiện này hoạt động (tháng 1-2017) để thu hút người dân. Sau đó, sẽ bán vé với giá 7.000 đồng/lượt và vé thắng bằng giá vé như xe buýt thông thường. Ông Hải cho biết, tuyến BRT 01 sẽ khai thác với tần suất 5-10-15 phút/ lượt trong ngày thường và 7-10-15 phút/ lượt trong ngày Chủ nhật. Thời gian hoạt động từ 5g đến 22g hàng ngày. Ngày thường sẽ có 358 lượt xe hoạt động, ngày Chủ nhật có 264 lượt xe. Thời gian 1 lượt xe từ đầu đến cuối tuyến là 45 phút (chậm hơn 8 phút so với thiết kế nhưng nhanh hơn xe buýt thường 5-10 phút/ lượt khi tổ chức giao thông để đảm bảo vận tốc khai thác 19,6km/giờ (chậm hơn vận tốc thiết kế 4,1km/giờ). “Loại xe buýt sức chứa 90 người này được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn EURO 3, có phanh tự động và số tự động nên sẽ đỡ vất vả hơn cho tài xế. Tuyến đi thẳng không phải đổi hướng nhiều, không phải tạt ra vào bến nên các điểm giao cắt, quay đầu trên tuyến được đảm bảo giao thông thì sẽ đảm bảo vận hành theo các thông số trên”- ông Hải cho biết. Theo ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị (thay mặt Sở GTVT làm đại diện chủ đầu tư Dự án BRT Hà Nội), tổng mức đầu tư dự tính ban đầu của tuyến BRT 01 là 53,6 triệu USD, đến nay khái toán giá trị thực hiện là 41,6 triệu USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận