Bà Lê Thanh Thuỷ - đại diện Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội - cho biết trung bình mỗi ngày TP tiêu thụ 528 tấn than tổ ong - Ảnh: XUÂN LONG
Sáng 30-1, tại hội thảo "Chất lượng không khí 2017: hiện trạng và giải pháp" do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức, các ý kiến chuyên gia đã thống nhất nhận định, không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội đang bị ô nhiễm. Mức độ nặng, nhẹ tuỳ theo từng thời điểm.
Vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhất là làm thế nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Bà Lê Thanh Thuỷ - đại diện Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cho biết Hà Nội đã xác định nhiều giải pháp, trong đó có cả những giải pháp nắm bắt thực trạng ô nhiễm không khí và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Năm 2017, TP Hà Nội đã lắp đặt xong 10 trạm quan trắc chất lượng không khí, đã có trang web cung cấp chất lượng không khí theo ngày.
"Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục lắp đặt thêm 30 trạm quan trắc không khí nữa, đồng thời có cơ chế xã hội hoá trong xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc chất lượng không khí khác", bà Thuỷ cho biết.
Vấn đề đáng lưu ý về nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là tình trạng sử dụng bếp than tổ ong. Theo bà Thuỷ, thống kê về số lượng gia đình sử dụng bếp than tổ ong, cơ quan quản lý về môi trường đã rất bất ngờ vì nơi sử dụng nhiều nhất là các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm.
"Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong cho thấy trên địa bàn TP có khoảng 55.000 bếp. Tỉ lệ bếp than tổ ong ở các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bán nước vỉa hè, còn ngoại thành chiếm 37%", bà Thủy cho hay.
"Trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí của TP".
Các con số này làm bất ngờ ngay cả với cơ quan quản lý: "Khi chúng tôi báo cáo, bí thư Thành uỷ đã chỉ đạo và Hà Nội đã có lộ trình trong năm 2018 phải giảm được 70% số lượng bếp than tổ ong, đến hết năm 2019 là phải xong 100% bếp than tổ ong".
Với nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ đốt rơm rạ, theo kế hoạch của TP Hà Nội, năm 2018 thành phố sẽ bắt đầu lộ trình thí điểm ở cấp phường, xã không đốt rơm rạ. Đến năm 2019 tiến tới quận, huyện không đốt rơm rạ và đến năm 2020 là thành phố không đốt rơm rạ.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh. "Đến hết năm 2017 toàn thành phố đã trồng được 430.000 cây xanh và sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt mục tiêu này", bà Thuỷ nói.
Đi kèm với các giải pháp giảm các nguồn gây ô nhiễm không khí, Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết hướng đến năm 2030 hạn chế xe máy tại một số quận nội thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận