06/07/2018 15:24 GMT+7

DÂN - đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đó là tên của một tờ báo ra đời tại Huế 80 năm trước (1938), là cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, tập hợp nhiều cây bút cự phách bấy giờ như Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Tôn Quang Phiệt, Lâm Mộng Quang...

DÂN - đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo báo Dân sáng 6-7-2018 - Ảnh: MINH TỰ

Cuộc hội thảo "Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng" do Hội nhà báo tỉnh và báo Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 6-7, đúng vào ngày ra mắt số báo Dân đầu tiên vào 80 năm trước.

Trong lời đề dẫn hội thảo, nhà báo Dương Phước Thu - phó chủ tịch Hội nhà báo Thừa Thiên Huế - cho biết trong giai đoạn từ 1930 đến 1945, tại Huế, báo chí yêu nước và cách mạng rất khó xuất bản. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cộng sản vẫn tìm mọi cách để có tờ báo trong tay.

Sau khi các tờ báo cách mạng tại Huế (như Nhành Lúa, Kinh tế tân văn, Sông Hương tục bản) bị chính phủ Nam Triều (triều Nguyễn) và chính phủ bảo hộ (Pháp) cấm xuất bản, Xứ ủy Trung kỳ đã vận động một số dân biểu tiến bộ đứng ra xin phép xuất bản tờ báo lấy tên là Dân.

DÂN - đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân - Ảnh 2.

Số báo Dân đầu tiên ra ngày 6-71938 - Ảnh tư liệu

Để giữ thế hợp pháp, báo Dân sử dụng danh nghĩa của các nghị viên tiến bộ như Nguyễn Đan Quế làm chủ nhiệm, Nguyễn Xuân Các làm thư ký tòa soạn, và giám đốc chính trị là Nguyễn Trác - một các bộ của Xứ ủy Trung kỳ hoạt động công khai dưới "vỏ bọc" nhà báo.

Dưới măng-sét của báo Dân là dòng chữ "Cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ". Tòa soạn đặt tại nhà số 11 Doudart de Lagrée, nay là trụ sở báo Thừa Thiên Huế 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế. Tờ báo xuất bản với khổ lớn (như khổ A2 hiện nay), có số phát hành lên đến 8000 bản.

DÂN - đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân - Ảnh 3.

Ngay trên trang nhất số báo đầu tiên ra ngày 6-7-1938, trong lá thư gửi bạn đọc, tờ báo đã nói rõ: “Dân, đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân, những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ đều được bày tỏ trên tờ báo nầy” - Ảnh tư liệu

Báo Dân phát hành ngày thứ tư hằng tuần, ra được 17 số thì bị chính quyền bấy giờ cấm xuất bản vì lý do "đăng tin không thiệt". Số báo cuối cùng ra ngày 7-10-1938.

"Mặc dù chỉ tồn tại hơn ba tháng, báo Dân vẫn đi vào đời sống thợ thuyền, nhân dân lao động, và cả những tiểu quan lại, trí thức yêu nước", nhà báo Dương Phước Thu nhận định.

DÂN - đúng như tên gọi của nó, là tờ báo của dân - Ảnh 4.

Số báo Dân cuối cùng (số 17) ra ngày 7-10-1938 - Ảnh tư liệu

Cùng thời gian này, tại Huế còn có một tờ báo "dân" khác, đó là báo Tiếng Dân do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập. Sau khi báo Dân bị cấm xuất bản, tại Huế lại tiếp tục ra đời những tờ báo cách mạng mang tên "dân", đó là Dân Tiến, Dân Muốn...

Nhà báo Đan Duy (báo Thừa Thiên Huế) cho rằng: "Tuần báo Dân là sản phẩm báo chí tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử cách mạng 1936-1946 và báo chí cách mạng công khai ở nước ta".

Xem những bức ảnh thời ‘Ba đảm đang’, diệt giặc đói, giặc dốt

TTO - Hơn 100 bức ảnh sẽ đưa người Việt Nam quay trở lại thời điểm 70 năm trước, khi toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã thi đua yêu nước đầy sôi nổi.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp