22/04/2018 15:24 GMT+7

Dân đóng nhiều loại thuế rồi, có nên thu thêm thuế tài sản?

L.THANH - D.N.HÀ
L.THANH - D.N.HÀ

TTO - Chủ nhà đã phải đóng nhiều loại thuế phí như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế trả trong vật liệu xây dựng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp..., có nên thu thêm một loại thuế nữa?

Dân đóng nhiều loại thuế rồi, có nên thu thêm thuế tài sản? - Ảnh 1.

Ở các đô thị lớn, nhiều căn nhà ở xã hội cũng có giá khoảng 700 triệu đồng, mức đề xuất bắt đầu chịu thuế tài sản. Trong ảnh: một gia đình trong căn nhà ở xã hội - Ảnh: BÁ SƠN

Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến mới đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thủ tướng cũng ghi nhận các ý kiến và lưu ý: mức khởi điểm chịu thuế và thời điểm thực hiện luật cần nghiên cứu kỹ.

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh đề xuất đánh thuế tài sản.

* Tiến sĩ ĐINH TUẤN MINH (chuyên gia kinh tế): Dùng thuế để hạn chế đầu cơ nhà đất là không thuyết phục

dinh-tuan-minh

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói mục tiêu xây dựng Luật Thuế tài sản nhằm chống đầu cơ nhà đất là không hoàn toàn thuyết phục. Bởi bản chất thuế có tính ổn định nên không thể thích thì tăng hay giảm thuế được. 

Nên dùng chính sách thuế này để chống đầu cơ nhà đất sẽ không hiệu quả mà phải dùng biện pháp tiền tệ, điều tiết dòng tiền.

Các quốc gia có xu hướng đánh thuế nặng vào những thửa đất để không để làm hiệu năng sử dụng đất đai tốt hơn. Nên người ta sẽ không mua đất đai rồi để đó. Song, thuế có cao nhưng vẫn thấy có lợi thì đương nhiên người ta vẫn bỏ vốn vào đầu tư.

Hay như lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết việc đánh thuế tài sản giúp minh bạch về nhà đất, chống tham nhũng thì cũng không hẳn. Bản thân hằng năm người dân vẫn phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. 

Khi có giao dịch mua bán, tặng cho bất động sản thì người dân phải nộp phí trước bạ... để xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất. Do đó, việc thu được thuế nhà đất hay không phải dựa vào số liệu thông tin nhà đất để đánh thuế chứ thuế tài sản không giúp người ta kê khai, minh bạch đất đai và hạn chế tham nhũng.

Tôi cho rằng ban soạn thảo cần phải có những luận cứ khoa học và có đánh giá tác động để chứng minh những mục đích khi đưa ra chính sách này.

* Ông NGUYỄN YỂNG (chuyên gia thuế tại TP.HCM): Hợp lại với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Trước đây, Nhà nước chỉ thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, không thu thuế nhà. Nếu giờ cần thu thuế tài sản, chủ yếu là nhắm vào nhà, thì nên bổ sung thành luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhà và tài sản chứ đâu cần phải đặt thêm thuế tài sản.

Hiện nay, không riêng TP.HCM mà các tỉnh khác còn nhiều hộ nghèo, nhà cửa ở tạm bợ. Số tiền thuế theo đề xuất không nhiều, có thể thu được, nhưng sẽ mang tiếng cho Nhà nước. Những người nghèo nên được miễn thuế, nhà nhỏ thì bỏ qua, không nên thu.

Bên cạnh đó, việc triển khai thu thuế như thế nào, có quản lý nổi việc thu thuế hay không cũng cần phải bàn. Kinh nghiệm của việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho thấy ngành thuế hoàn toàn buông lơi, bỏ lỏng. Các địa phương gần như không còn tổ chức thu thuế này nữa vì không gắn với quyền lợi thiết thực từng địa phương.

Dân đóng nhiều loại thuế rồi, có nên thu thêm thuế tài sản? - Ảnh 4.

Nguồn: Global Property Guide - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

* Ông NGUYỄN BẢO QUỐC (quận 5, TP.HCM): Không nên đặt ra khoản thu mới

nguyen-bao-quoc-crop

Theo tôi, giai đoạn này Nhà nước không nên thu thêm loại thuế mới. Hiện tại, người dân đã đóng quá nhiều loại thuế.

Thu nhập của người dân mình còn thấp so với mức sống. Nếu phải chi nhiều khoản mà thu nhập ít thì người ta sẽ nghĩ thêm nhiều cách để kiếm tiền, sinh ra thói xấu, sinh tiêu cực, sinh gian lận. 

Hơn nữa, mấy năm gần đây kinh tế đang khủng hoảng, việc làm không tăng thêm, chỗ làm bị cạnh tranh khốc liệt, thu nhập của tiểu thương, doanh nghiệp giảm sút, thu nhập của người làm công ăn lương cũng chưa được cải thiện.

Mặt khác, đóng thuế để góp phần xây dựng, phát triển đất nước thì người dân không ngại. Nhưng làm sao cho đồng tiền thuế người dân được sử dụng đúng chỗ. 

Trước khi đặt ra một sắc thuế mới, thu thêm một khoản tiền mới từ người dân, chính quyền đừng nhìn vào kết quả là sẽ thu được bao nhiêu tiền, mà phải tự vấn bản thân, tự chất vấn chính bộ máy mình đã làm gì tốt thêm cho người dân hay chưa.

* Ông PHẠM XUÂN VINH (huyện Hóc Môn, TP.HCM): Chớ thu lúc này

pham-xuan-vinh

Theo tôi, thuế tài sản là một công cụ cần thiết để phát triển đất nước, điều tiết thu nhập của xã hội (người có tài sản nhiều thì đóng nhiều, người có tài sản ít thì đóng ít). Nhưng dự thảo về thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra bất hợp lý ở chỗ giá trị tài sản để đánh thuế.

Nếu lấy mốc nhà trị giá 700 triệu đồng trở lên mới đánh thuế thì gần như tất cả nhà tại TP.HCM đều bị đánh thuế. Căn nhà nhỏ ở ngoại thành cũng đã có giá từ năm, bảy trăm triệu. Một căn nhà ở xã hội người thu nhập thấp mua trả góp 15 năm mới xong có giá gần 1 tỉ đồng chứ không thấp. 

Hơn nữa, để có một căn nhà, người chủ nhà đã phải đóng nhiều loại thuế phí như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế trả trong vật liệu xây dựng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp... vậy có nên thu thêm một loại thuế nữa hay không?

Theo tôi, giai đoạn này Nhà nước chưa nên thu thuế tài sản. Khi nào thu nhập trung bình của người dân đủ để trang trải cuộc sống và có thể góp tiền mua nhà ở xã hội thì Nhà nước hãy đánh thuế tài sản.

nguyen-xuan-phuc

Một chính phủ lắng nghe, một chính phủ vì dân thì biết cách tổ chức lắng nghe tiếng nói của dân, còn không, chúng ta tự quyết, tự nghe, tự đóng cửa, hành động theo chủ quan, duy ý chí, chúng ta xa dân thì hậu quả rất lớn đối với đất nước, đối với xã hội. Về thuế nhà, Bộ Tài chính đưa ra công khai để lấy ý kiến chứ chưa phải là kết luận cuối cùng.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC


* Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG: Tiếp tục hoàn chỉnh

dinh-tien-dung

Khi xây dựng dự thảo đề án luật, mục tiêu đầu tiên được đưa ra là tăng cường quản lý về tài sản.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất. Cùng với đó là hạn chế sử dụng lãng phí tài sản, tài nguyên là đất đai và công sản.

Thứ ba là đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản, như vậy sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng.

Cuối cùng, nếu luật được thông qua, mặt nào đó sẽ mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo cơ cấu lại nguồn thu.

Trên tinh thần như thế, chúng tôi nghiên cứu đề xuất và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng như các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đối tượng trong xã hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo dự án luật.

K.H.

Thủ tướng:

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy tại cuộc làm việc thường niên ngày 17-4 với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2017 và định hướng phối hợp thời gian tới.

L.THANH - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp