29/08/2020 08:28 GMT+7

Dân dọc đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 đồng loạt dỡ nhà làm metro số 2

ĐỨC PHÚ - TIẾN LONG
ĐỨC PHÚ - TIẾN LONG

TTO - Những ngày này, đi qua đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình và quận 3, TP.HCM), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhiều căn nhà mặt tiền được tháo dỡ đồng loạt.

Dân dọc đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 đồng loạt dỡ nhà làm metro số 2 - Ảnh 1.

Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) được người dân, cơ quan, trường học... ủng hộ giải tỏa, giao mặt bằng để khởi động xây dựng tuyến metro số 2 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ít ai biết nhiều hộ dân diện di dời đã nhanh chóng đồng thuận bàn giao mặt bằng để sớm triển khai dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

“Nhiều người dân ủng hộ cần phải làm nhanh vì sự phát triển của TP.HCM. Có người thấy hàng xóm đang lấn cấn chưa giải tỏa và chính họ đã sang vận động hàng xóm bàn giao sớm để cảnh quan khu phố được đẹp, tránh nhà thụt ra thụt vô.

Ông LÊ VĂN KHOA

Đồng thuận nhanh vì dự án trọng điểm

Sáng sớm, đoạn đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 gần ngã tư Bảy Hiền chạy qua phường 4 và phường 11 (Q.Tân Bình, TP.HCM) ầm ĩ tiếng xe ủi phá dỡ nhà.

Hai bên đường, nhiều căn nhà vừa nằm xuống, gạch đá ngổn ngang. Xe chở xà bần liên tục vào ra nhanh chóng làm sạch mặt bằng chuẩn bị bàn giao. Nhiều nhà dân phá dỡ còn lại một phần mặt bằng đang chỉnh trang để ổn định lại cuộc sống.

Dự án metro số 2 lâu nay khởi động chậm rì, sau nhiều năm chờ đợi, nhiều người dân nơi đây và đi qua khu vực này bắt đầu cảm nhận dự án rục rịch "chuyển bánh" với việc người dân tự phá dỡ nhà bàn giao mặt bằng.

Bà Trần Thị Bạch Đào - số nhà 13 Trường Chinh (P.11, Q.Tân Bình) - cùng con gái mở cửa hàng tạp hóa, nhà của bà phải lùi sâu vào gần 10m.

Bà Đào kê thêm một bàn nhỏ ra phần diện tích nhà đã tháo dỡ sát mặt đường bán tạm: "Hai tháng nay việc phá dỡ nhà khiến buôn bán chậm lại, cứ ngóng sao cho dự án làm nhanh, công nhân về làm đông, khi đó may ra buôn bán được như cũ".

Bà Đào là một trong những hộ đồng thuận bàn giao nhà nhanh chóng cho dự án metro số 2. Căn nhà 88m2 sau khi phá dỡ còn khoảng 48m2, gia đình bà sửa lại để ở. Bà Đào chia sẻ nghe dự án từ năm 2012, nhiều lần được mời họp, ra thông báo tháo dỡ nhưng nhiều năm không thấy rục rịch.

Như nhiều dự án khác, lúc đầu người dân thuộc diện di dời không đồng thuận với giá đền bù. Nhiều cuộc họp, buổi gặp mặt giữa chính quyền và người dân cũng chỉ xoay quanh chuyện thỏa thuận giá.

Bản thân bà Đào từng không đồng tình giá đền bù lần 1 đưa ra năm 2017 vì khu vực nhà bà chỉ được đền 104 triệu đồng/m2, trong khi vừa qua ngã tư Bảy Hiền hướng về quận 1 (cách nhà bà Đào khoảng 300m - PV) giá đền bù lên đến 134 triệu đồng/m2.

Đến năm 2020, giá đền bù tăng lên 150 triệu đồng/m2, dù vẫn thấp hơn giá thị trường nhưng suy đi tính lại vợ chồng bà nhanh chóng đồng ý.

"Dân dự án có lên tiếng cũng chỉ đòi quyền lợi giá đền bù, chứ không ý kiến gì về chủ trương. Nhưng cứ đòi hoài đâu có được, dù sao đây cũng là dự án đường giao thông trọng điểm, sau hoàn thành mình cũng được hưởng lợi nên gia đình tôi đồng ý nhanh", bà Đào chia sẻ.

Gia đình bà Hứa Thị Thiên Hương - số 1220 Cách Mạng Tháng 8, (P.4, Q.Tân Bình) - cũng đã nhận tiền để công nhân phá dỡ phần nhà nằm trong dự án metro số 2. Nhà bà buôn bán quán ăn nhưng nay tạm ngưng chờ công nhân dọn sạch mặt bằng rồi mở bán lại.

Bà Hương cho biết dù giá đền bù chưa được như mong muốn ban đầu nhưng nghĩ sau này dự án làm nhanh, đường mở rộng nhà bà cũng có lợi thế nên sớm đồng tình bàn giao mặt bằng.

Dân dọc đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 đồng loạt dỡ nhà làm metro số 2 - Ảnh 3.

Một căn nhà trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) được người dân phá dỡ, bàn giao mặt bằng - Ảnh: TỰ TRUNG

"Thôi kệ, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu"

Một dự án kéo dài hơn 11km với hơn 600 hộ dân bị phá dỡ một phần hoặc toàn bộ nhà, dù phần lớn đồng thuận nhưng cũng có nhiều hộ trăn trở tìm cách ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình dù đã nhận tiền vẫn còn loay hoay tính chuyện nơi ở, chỗ làm.

Dân trong dự án metro số 2 lâu nay ở mặt tiền phần lớn sống bằng nghề buôn bán, việc tìm nhà ở càng phải toan tính, đắn đo hơn.

Hơn 3 tháng nay, gia đình ông Phạm Phan Phước Hải - số 23 Trường Chinh (P.11, Q.Tân Bình) - dù đã đồng thuận, chỉ chờ giấy tờ ông chú bên nước ngoài gửi về sẽ bàn giao nhà nhưng gia đình ông cũng không khỏi lo lắng cho cuộc sống phía trước.

Nhà ông Hải 40m2, khi phá dỡ chỉ còn 1,2m2, không đủ chuẩn ở phải di dời chỗ khác. Gia đình ông Hải làm nghề bán thuốc hơn 50 năm, bao nhiêu khách quen nhà, giờ phải đi chỗ khác coi như gầy dựng lại từ đầu.

Điều ông lo nhất là kiếm mua được một căn nhà mặt tiền bằng diện tích và gần khu vực nhà ông hiện tại rất khó.

Ông Hải thật tình: "Chủ trương di dời làm dự án thì mình đồng ý, nhưng với giá tiền hiện nay khó đi nơi khác để mua một căn nhà mặt tiền tương tự. Quanh đây nhiều nhà nhận xong tiền cũng phải dạt ra các quận, huyện vùng ven để mua nhà, gầy dựng lại từ đầu".

Gia đình bà Trần Nguyễn Ánh Tuyết - số 58 Trường Chinh (P.4, Q.Tân Bình) - cũng đã nhận tiền nhưng lựng khựng xin ở lại thêm thời gian để thu xếp chỗ ở.

Nhà bà Tuyết rộng khoảng 40m2, nếu phá dỡ chỉ còn khoảng 11m2. Hộ có điều kiện thì cách đây mấy năm đã tính toán mua chỗ khác khi giá nhà còn rẻ, còn như gia đình bà không có điều kiện nên chỉ chờ có tiền đền bù mới tính.

Giờ nhận gần 5 tỉ đồng tiền đền bù, tìm mua nhà gần khu vực nhà cũ cũng khó khăn nhưng rồi vì chủ trương chung, bà tự nhủ: "Thôi kệ, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu".

Dân dọc đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 đồng loạt dỡ nhà làm metro số 2 - Ảnh 4.

Bà Trần Nguyễn Ánh Tuyết (số nhà 58 Trường Chinh, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết nhà bà sẽ lùi vô 10m - Ảnh: T.T.D.

Cuối năm bàn giao toàn bộ mặt bằng

Ông Nguyễn Tấn Tài - trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Bình - cho biết quận có 324/356 hộ di dời dự án metro số 2 đã đồng ý nhận đền bù. Sau khi nhận tiền một tháng, người dân sẽ bàn giao mặt bằng.

Theo ông Tài, dự án metro số 2 đi qua Tân Bình có 6 nhà ga, trong đó có 2 nhà ga đã bàn giao trong tháng 6-2020, dự kiến tháng 9-2020 quận sẽ bàn giao mặt bằng 3 nhà ga nữa là Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào và Bà Quẹo. Còn nhà ga Phạm Văn Hai quận tiếp tục vận động để phấn đấu bàn giao mặt bằng trong quý 4-2020.

Về tái định cư, người dân được chọn lên 3 chung cư: Bàu Cát, Tân Trụ (Q.Tân Bình) và Tân Thới Nhất (Q.12). Nếu người dân không mua chung cư thì TP hỗ trợ thêm 5% giá trị đất để dân tự tìm nhà ở mới.

Q.Tân Bình có 57 hộ đủ điều kiện tái định cư nhưng khoảng 50 hộ chọn hỗ trợ bằng tiền, còn lại 7 hộ đang xem xét chọn phương án tái định cư. Ngoài ra người dân kinh doanh chứng minh được có đóng thuế, xác minh được thu nhập 3 năm liền kề mới đủ điều kiện tính hỗ trợ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Khoa - giám đốc Ban quản lý dự án 2 (Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) - cho biết hiện tại chủ đầu tư đã nhận mặt bằng một số nhà ga như nhà ga S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình (Q.Tân Bình); nhà ga S5 - Lê Thị Riêng (Q.10).

Hôm qua 28-8, chủ đầu tư cũng kiểm tra thực địa để nhận bàn giao mặt bằng nhà ga tại khu vực Q.Tân Phú.

"Với sự đồng thuận cao của người dân, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến metro hoàn tất vào cuối năm nay", ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, để dự án làm nhanh phải có sự đồng thuận của người dân cũng như sự chuẩn bị, chính sách của TP. Kinh nghiệm từ dự án metro số 1 khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng đã khởi công dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn. Do vậy với metro số 2, TP chủ trương phải hoàn thành mặt bằng trước khi trao thầu cho nhà thầu.

TP đã quy trách nhiệm người đứng đầu về hai tuyến metro, trong đó riêng tuyến 2 trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng.

"Vào tuần thứ 2 hằng tháng, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM mời tất cả các đơn vị liên quan họp tháo gỡ nhanh vướng mắc. Hai tuần một lần, lãnh đạo UBND TP họp kiểm điểm tiến độ, vướng chỗ nào, tháo ngay chỗ đó", ông Khoa nói.

Dân dọc đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 đồng loạt dỡ nhà làm metro số 2 - Ảnh 5.

Đồ họa: T.ĐẠT

Không để dân chịu thiệt

Theo ông Lê Văn Khoa, TP.HCM định hướng việc giải phóng mặt bằng khẩn trương nhưng đi đôi với việc đồng thuận, đồng tình từ người dân, quyết không để dân chịu thiệt. TP linh động bố trí nhà tái định cư ở các vị trí tốt cho dân an cư và yêu cầu phải tính đúng tính đủ cho người dân bằng đơn giá năm 2020.

Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị TP về việc cơ cấu thêm 520 tỉ đồng (bao gồm cả dự phòng) để cập nhật đơn giá thực tế bồi thường cho người dân.

Tuyến metro số 2 có chiều dài 11,042km, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với 2km đi trên cao và hơn 9km đi ngầm, với 11 nhà ga. Dự án có hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích bồi thường hơn 250.000m2.

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá "trái tim" công trình metro ngầm Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá 'trái tim' công trình metro ngầm

TTO - Theo chân kỹ sư tư vấn giám sát liên danh NJPT (Nhật Bản và Việt Nam), phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đi vào lòng đất, khám phá công trình thi công metro từ ga trung tâm Bến Thành (phía trước chợ Bến Thành) đến ga Nhà hát Thành phố.

ĐỨC PHÚ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp