10/01/2018 13:21 GMT+7

Dân ĐBSCL dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Các học giả cảnh báo biến đổi khí hậu đang âm thầm kích hoạt một cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hiện chưa có giải pháp bền vững nào ngăn chặn điều này.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất trên Trái đất, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây... cho Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, 18 triệu cư dân sống ở đây cũng là những người dễ bị tổn thương nhất do biến đối khí hậu.

Trong 10 năm trở lại đây, 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi ĐBSCL, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến. Tỉ lệ di cư này hơn gấp đôi trung bình cả nước và thậm chí cao hơn nữa ở các khu vực chịu tác động mạnh của khí hậu.

Quá trình tìm hiểu của nhà nghiên cứu Alex Chapman (ĐH Southampton, Anh) và Văn Phạm Đăng Trí (ĐH Cần Thơ) đăng trên trang The Conversation đáng để chúng ta suy gẫm.

Dân ĐBSCL dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Bản đồ sử dụng đất ở đồng bằng Nam Bộ với màu xanh lá: lúa 2-3 vụ, xanh dương: nuôi trồng thủy sản, cam: nông nghiệp không phải lúa - Ảnh: Alex Chapman

Thực tế đáng lo

Năm 2013, chúng tôi thăm xã An Thạnh Đông thuộc tỉnh Sóc Trăng để thu thập dữ liệu về năng suất nông nghiệp. Chúng tôi sớm nhận ra hầu như không có nông dân nào ở xã này có thông tin để chia sẻ. Họ đã mất toàn bộ vụ mía đường sau khi nước biển dâng cao bất ngờ, tràn vào đồng khiến cây mía chết sạch.

Những tuần tiếp theo, hàng trăm hộ gia đình, nhiều người trong đó đã canh tác ở đây qua nhiều thế hệ, kể cho chúng tôi nghe những thứ đang thay đổi, rằng sinh kế của họ sẽ sớm không còn nữa.

Trong hai năm 2015-2016, nông dân lại gặp phải trận hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Nước biển tràn sâu vào đất liền đến 80km và phá hủy ít nhất 160.000 hecta nông sản. Ở Kiên Giang, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất, tỉ lệ di cư thuần tăng vọt, và trong năm tiếp theo, cứ 100 cư dân thì có 1 người bỏ xứ ra đi.

Dân ĐBSCL dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Người dân tỉnh Hậu Giang phải nhổ bỏ lúa vì nước mặn xâm nhập - Ảnh: HỮU KHOA

Một nghiên cứu ít gây chú ý của hai nhà nghiên cứu Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường (Đại học Văn Lang) có thể là mảnh xếp hình quan trọng còn thiếu. Họ phát hiện "biến đổi khí hậu" là yếu tố chính trong quyết định di cư của 14,5% người dân Nam Bộ.

Nếu con số trên là đúng, biến đổi khí hậu đang đẩy 24.000 người phải tha hương mỗi năm. 

Và cần phải lưu ý rằng mong muốn thoát nghèo là nguyên nhân chính khiến người dân rời bỏ vùng đồng bằng. Do biến đổi khí hậu có mối liên hệ ngày càng phức tạp với nghèo đói, con số 14,5% thậm chí có thể là đánh giá chưa đủ.

Có hàng loạt tác động liên quan đến khí hậu đằng sau hiện tượng di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ở khu vực Tây Nam Bộ, bờ biển sạt lở khiến nhà cửa bị nước nuốt chửng, một số nơi vành đai ven biển mất sâu đến 100m chỉ trong một năm.

Hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do nước biển xâm nhập đất liền, trong khi số khác do hạn hán - một xu hướng vừa do biến đổi khí hậu, vừa do các con đập xây trên thượng nguồn sông Mekong.

Dân ĐBSCL dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Sạt lở đe dọa tương lai Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: TUỔI TRẺ

Trong khi các quốc gia phát triển trên khắp thế giới đang tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu, cách làm của Việt Nam đáng lên tiếng báo động. 

Ví dụ tiêu biểu nhất là hàng ngàn km đê, nhiều nơi cao hơn 4m, được dựng lên chằng chịt khắp đồng bằng Nam Bộ. Dù mục đích là bảo vệ người dân và vụ mùa khỏi lũ, các con đê này thay đổi triệt để hệ thống sinh thái. Người nghèo và người không ruộng đất không còn cá để đánh bắt, hệ thống đê cũng chặn luôn dòng phù sa vào ruộng đồng...

Tất cả những biểu hiện đó cho thấy biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn xu hướng di cư kinh tế. 

Một nghiên cứu quy mô về di cư ở đồng bằng của Chương trình DECCMA cũng phát hiện các yếu tố khí hậu như lũ quét, bão, sạt lở, đất nghèo hóa... khiến sinh kế dựa vào tài nguyên tự nhiên thêm khó khăn, dẫn đến việc người dân chọn con đường di cư để tồn tại.

Ai đã làm gì cho sông Mekong?

TTCT - “Trung Quốc sẽ xả nước giúp Việt Nam chống hạn” là một tựa báo kỳ lạ được đăng trên nhiều trang tin hôm 11-3, khi đã có đến 8/13 tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải công bố tình trạng thiên tai để đối phó. Đó có phải là một thông tin đúng và sự cố nghiêm trọng này có thể tránh khỏi hay không?

Cần một mô hình phát triển mới

Theo một báo cáo mới công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%. 

IMF đánh giá Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế, vốn lệ thuộc nặng vào nhiên liệu hóa thạch và khai thác bừa bãi tài nguyên tự nhiên, nếu muốn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Năm 2017, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi 16 cơn bão lớn, nhỏ đi kèm là các trận lũ chết người. Các chuyên gia dự báo theo thời gian, bão sẽ xuất hiện thường xuyên và mạnh hơn, đe dọa đến mùa màng, sản xuất, an ninh lương thực, xuất khẩu hàng hóa...

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giúp giảm nghèo đói trong vài thập niên, tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng từ cuối thập niên 1980 dựa chủ yếu vào việc khai thác ồ ạt và không bền vững rừng, biển và các tài nguyên tự nhiên khác.

Dân ĐBSCL dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Hội An chìm trong lũ sau cơn bão Damrey tháng 11-2017 - Ảnh: AFP

Ngày nay, các loại tài nguyên khoáng sản và phi khoáng sản của Việt Nam đã gần cạn kiệt. Nông nghiệp và công nghiệp góp phần quan trọng khiến nguồn vốn tự nhiên bị suy thoái. Việc sử dụng phân bón hóa học gây ô nhiễm nặng đất đai và nguồn nước, cộng thêm các vấn đề chưa khắc phục hết từ thời chiến tranh, IMF phân tích.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí: ở các thành phố lớn và khu công nghiệp, mật độ hạt ô nhiễm cao trên mức an toàn và tương đương với Trung Quốc. 

Khí thải nhà kính dự kiến tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2010 - 2020 và gấp ba đến năm 2030, với phần đóng góp lớn thuộc về các nhà máy nhiệt điện - báo cáo của IMF chỉ ra.

IMF đề xuất 5 hướng chính sách cho Việt Nam nhằm ứng phó biến đổi khí hậu:

1. Giảm nhiên liệu hóa thạch.

2. Khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ theo đuổi tăng trưởng xanh, gần gũi với môi trường.

3. Đầu tư vào hạ tầng thích ứng với khí hậu.

4. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

5. Chuyển sang sử dụng xe điện, xe tự hành và hình thức chia sẻ phương tiện giao thông giống Singapore.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp