10/12/2015 12:38 GMT+7

Bà con Cầu Muối xưa ngưỡng mộ "đại ca" Hai Miên

 HỒ TƯỜNG
HỒ TƯỜNG

TTO - Cầu Muối là một chiếc cầu gỗ xưa bắc ngang một con kênh (nay là đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM) dẫn nước ngang qua kho muối thuộc Nhơn Hòa Xã.

Bảng tên Chợ Cầu Muối ghi rất rõ năm thành lập 1947 và năm tái thiết 1971, sau cơn cháy rụi cả chợ
Bảng tên Chợ Cầu Muối ghi rất rõ năm thành lập 1947 và năm tái thiết 1971, sau cơn cháy lớn thiêu rụi hết chợ - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Con kênh này chảy đến tận khu vực Cầu Quan (nay là khu vực đường Yersin - Nguyễn thái Học - Phạm Ngũ Lão, Q. 1, TP.HCM).

Kho muối này có dưới thời nhà Nguyễn, xây dựng thành hai dãy nhà lá dọc trên bờ kênh, chứa muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu chuyển về để xuất khẩu sang Cao Miên (tức Campuchia ngày nay).

Năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định, dân cư Sài Gòn ly tán, những kho muối dọc trên hai bờ kênh ở Nhơn Hòa Xã trở nên hoang phế.

Nhưng từ năm 1862 trở đi, khi tình hình tạm ổn định, bà con lần lượt hồi cư, nhưng rất thưa thớt.

Thần hoàng ba làng Sài Gòn xưa chung đình Cầu Muối

Chính quyền Pháp lúc đó cũng giải tỏa làng Tân Khai nằm ở khu vực xung quanh thành Gia Định (nay là khu vực đường Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, Q. 1, TP.HCM) và làng Tân Hòa nằm ở khu vực Gò Tân Triêm xưa, ngoài thành Gia Định (nay là khu vực bao bọc bởi các đường: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Q. 1, TP.HCM).

Đồng thời chính quyền Pháp hình thành những cơ sở vật chất phục vụ cho bộ máy thống trị lâu dài: thành lính, ngân hàng, dinh thự quan lại…

Ông Hồ Văn Tồn, Phó ban quản lý đình Nhơn Hòa (Q.1), khi còn sống, từng cho biết rằng đình làng Tân Hòa và đình làng Tân Khai bị giải tỏa, cho nên sắc phong vua ban cho hai đình này đã phải tạm thời rước về cất giữ chung với sắc phong của đình làng Nhơn Hòa (còn gọi là đình Cầu Muối vì nằm gần chiếc cầu cạnh kho muối).

Do vậy mà đình Nhơn Hòa đến nay vẫn còn 3 khám thờ to lớn và trang trọng nằm ngang nhau, thờ Thần Thành Hoàng của 3 làng, nằm trong khu chánh điện ngôi đình.

Chợ Cầu Muối nay không còn, nhưng bản tên vẫn còn treo ở phía đường Nguyễn Thái Học
Chợ Cầu Muối nay không còn, nhưng bảng tên vẫn còn treo ở phía đường Nguyễn Thái Học  - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Ông Nguyễn Quấc Kiết, một lão hội viên kỳ cựu của Hội đình Nhơn Hòa, lúc sinh tiền kể Cậu Hai Miên vốn là con quan lớn, nhà cửa giàu có nằm trên địa bàn của làng Tân Hòa xưa.

Khi làng Tân Hòa bị nhập chung về làng Nhơn Hòa sau khi chiến tranh chấm dứt, Cậu Hai Miên đã giúp đỡ nhiều về tiền bạc lẫn uy danh cho ban hội hương đình Nhơn Hòa. Cho nên sau khi Cậu Hai thất lộc vào năm 1899, ban hội hương đã cho khắc bài vị bằng gỗ để thờ thật trang trọng tại nhà hậu sở của đình, tương đương với các bậc tiền hiền, hậu hiền của đình làng.

Cây Cầu Muối mất lâu lắm rồi nhưng chợ Cầu Muối giờ vẫn vang danh

Khoảng năm 1893, con kênh dẫn nước từ rạch Bến nghé chạy ngang kho muối bị người Pháp lấp đi. Dĩ nhiên chiếc cầu mang tên Cầu Muối cũng không còn vì không còn kênh để bắc cầu và cũng không còn kho muối nữa.

Ngay trên mảnh đất của kho muối năm xưa, Pháp đã mở một lò giết mổ gia súc, trong đó nhiều nhất là heo, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của quan chức Pháp cũng như cho cư dân quanh vùng.

Do đó, con đường hình thành từ việc lấp kênh đã trở thành đường Abattoir (nghĩa là đường ngang nơi giết mổ gia súc, bà con gọi đơn giản là đường Lò Heo).

Sau này, khoảng thập niên 1930 - 1940, khi Lò heo mới, hiện đại hơn được hình thành ở khu vực Chánh Hưng (nay thuộc Q. 8, TP.HCM) thì khu vực Lò heo hình thành trên khu vực Cầu Muối bị giải tỏa, lại trở nên hoang phế.  

Lúc đó, Pháp đổi tên đường Abattoir thành đường Kitchener, rồi sang thời Ngô Đình Diệm đổi thành đường Nguyễn Thái Học cho đến ngày nay.

Năm 1947, một số tiểu thương đang buôn bán trái cây từ miền Tây Nam Bộ lên chợ Cầu Ông Lãnh đã có sáng kiến mua rau cải đặc sản từ Đà Lạt về phân phối trên khu đất hoang của khu vực Lò Heo cũ, cũng là kho muối cũ, Cầu Muối cũ.

Chất lượng, giá cả rau cải mua trực tiếp tại nhà vườn Đà Lạt khá rẻ đã giúp những tiểu thương này buôn may bán đắt. Từ đó, một khu chợ mới đã được hình thành với mặt hàng độc quyền là rau cải Đà Lạt, như: cà rốt, khoai tây, bông cải, cải bắp, cà chua, củ hành tây, su hào, su su, củ dền, ớt chuông…

Chợ mới này nằm ngay trên khu vực kho muối, Cầu Muối xưa, gần sát đình Cầu Muối cho nên đã mang luôn tên gọi “Chợ Cầu Muối”.

Nhiều người có tiền ở miền Tây Nam Bộ thấy một số người đồng hương thành công, đã xúm nhau kéo nhau lên chợ Cầu Muối mở sạp, vựa buôn bán hàng rau cải Đà Lạt mưu cầu cho sự đổi đời: từ nông dân tay lấm chân bùn trở nên chủ sạp, chủ vựa khá giả.

Chợ Cầu Muối nhưng năm 60 thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

 

Chợ Cầu Muối cho đến năm 2003, trước khi giải tỏa để chuyển sang chợ đầu mối ở Tam Bình (Thủ Đức), Tân Xuân (Hóc Môn), đã có hơn 300 sạp, vựa.

Hầu hết các sạp vựa của chợ Cầu Muối đều kinh doanh chủ yếu là rau cải Đà Lạt, riêng các sạp vựa nằm phía đường Cô Bắc lại chuyên kinh doanh về rau cải Hóc Môn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, như: cải bẹ xanh, bầu, bí, mướp, sả, gừng, nghệ, các loại rau sống…

Quày bán rau cải Đà lạt bên lề đường của chợ Cầu Muối ngày nay, không còn mua bán ầm út, không còn lo bảo kê - Ảnh: Hồ Tường
Quày bán rau cải Đà lạt bên lề đường của chợ Cầu Muối ngày nay, không còn mua bán ầm ĩ, không còn lo bảo kê  - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Bà con lao động nghèo Cầu Muối xưa mong cậu phò hộ yên ổn

Hàng hóa chợ Cầu Muối hầu như chỉ bán sỉ cho tiểu thương từ các nơi mua về bán lẻ lấy lời. Việc mua bán sỉ luôn có lượng hàng hóa lớn, cho nên các chủ sạp, chủ vựa ở chợ Cầu Muối đã nảy sinh nhu cầu sử dụng lao động phổ thông khá lớn.

Hàng rau cải Đà Lạt cũng như Hóc Môn từ xe tải muốn đưa vô sạp, vựa phải cần phu khuân vác; hàng hóa rau cải từ Đà Lạt về còn dính đất đỏ, bề ngoài chưa đẹp lại cần người chà rửa, cắt lặt, gọt củ, đóng gói… mới bán lời cao; rau cải từ vựa hay từ sạp mang giao hàng cho mối lái lại phải nhờ đến lực lượng phu khuân vác…

Thế là lớp lớp dân lao động nghèo, không có đất đai canh tác, không có tiền bạc vốn liếng từ các vùng quanh Sài Gòn, Gia Định và cả ở miền Tây Nam bộ đã lục tục kéo nhau về chợ Cầu Muối để mưu sinh.

Dân cư Cầu Muối được hình thành, cư trú ngay tại chợ, ngay trong các sạp, vựa cũng như trong các xóm nghèo nằm núp mình trong các con hẻm nhỏ chung quanh khu vực chợ Cầu Muối.

Tuy sinh hoạt có khác nhau: kẻ làm chủ, người làm thuê, nhưng tất cả cư dân Cầu Muối đều có chung một mong ước là được yên ổn làm ăn.

Đình Nhơn Hòa, nằm kế cận chợ Cầu Muối, là nơi thờ vị 3 Thần Thành Hoàng phù hộ cho dân cư tại chỗ, nên lớp cư dân mới ở chợ Cầu Muối đã thường xuyên đến lễ bái, cầu nguyện.

Đặc biệt là nhiều bà con lao động khẩn cầu Cậu Hai Miên được thờ tại nhà hậu sở của đình, với niềm tin khi sống Cậu Hai đã bao phen ra tay nghĩa hiệp giúp người thất cơ, lỡ vận thì khi thác đi Cậu Hai sẽ tiếp tục phù hộ cho mọi người trong cuộc mưu sinh.

Cậu Hai Miên thất lộc ở tuổi còn quá trẻ (38 tuổi), người ta tin rằng như vậy sẽ rất linh thiêng.

---------

Đón đọc: du đãng Cầu Muối xưa mê chết "đại ca" Hai Miên

 

HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp