15/02/2014 08:37 GMT+7

Dân đang cần lòng ngay dạ thẳng

NGUYỄN QUANG THÂN
NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Khai ấn đền Trần có nguồn gốc văn hóa cao, là ngày hội thể hiện tính nghiêm chỉnh của một triều vua thịnh trị. Đến ngày 15 tháng giêng, vua Trần mở hội khai ấn, tuyên bố chấm dứt chuỗi ngày ăn tết việc nước việc dân bị bỏ bê, chểnh mảng. Sau ngày này, kỷ luật được thiết lập lại, ai về việc nấy, lo quốc thái dân an.

Nhiều năm nay hội khai ấn đền Trần bị bẻ cong, biến thành một hí trường “chạy chức” công khai vô nghĩa và đáng xấu hổ. Ý nghĩa thiêng liêng bị xúc phạm đến mức đã có thị trường bán chui tờ ấn với giá 50.000 đồng.

Hội chùa Hương là lễ hội du xuân về đất Phật. Cảnh sắc thiên nhiên, non nước tuyệt vời sẽ đưa lại những giây phút tĩnh tâm cho con người đang chuẩn bị bước vào một năm mới lao động cực nhọc hay cam go. Nhưng hội chùa Hương đang trở thành tụ điểm của một đám đông chen lấn, xô đẩy, kinh doanh trái phép, tranh giành quyền lợi. Xác tín đạo Phật không có mà ước mơ thăm viếng cảnh thần tiên cũng chẳng còn. “Bầu Trời cảnh Bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay” còn đâu?

Nhưng vẫn còn những lễ hội có ý nghĩa cực đẹp! Vào ngày 14 tháng giêng hằng năm, tại đền Hòa Liễu, Hải Phòng, dân làng khai hội Minh thề, tạo ra khung cảnh một hội thề cho quan và dân. Quan thề không tham nhũng. Dân thề sống ngay thẳng, trung thực. Từ 500 năm trước, làng này đã từng có lễ hội Minh thề. Dưới thời phong kiến chìm sâu u minh ấy, cả quan lẫn dân đều sợ hai thứ: phép vua (luật nước) và thánh thần. Tôn giáo nào cũng dành sẵn một địa ngục kinh hoàng cho những kẻ không biết làm người, gọi là vô đạo. Pháp luật chỉ có ở công đường. Nhưng sự trừng phạt của lực lượng siêu hình thì hiện hữu mọi lúc, mọi chỗ, kể cả trong giấc mơ. Chính trong bối cảnh tinh thần ấy, những lời thề trở nên giá trị. Ai cũng sợ bị trừng phạt bởi trời đất, thánh thần nếu sống vô đạo. Và để chống lại sự tha hóa của quan lại cũng như ngăn ngừa tội ác trong đám dân lành, người ta đã tổ chức hội Minh thề. Lời thề không nói chung chung mà xoáy sâu vào những tội lỗi tham nhũng cụ thể.

Người Hòa Liễu đóng vai quan, cầm đọc lời thề rất độc địa khi răn đe kẻ làm việc xấu, có thể làm những kẻ thích tắt mắt toát mồ hôi hột hay nản chí. “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Đó là những viễn cảnh đáng sợ do lời Minh thề gợi lên.

Chưa ai đánh giá xem tác dụng của lễ hội Minh thề với lương tri của người dân. Nhưng khó mà phủ nhận điều này: “Khi người dân (trong đó có cả quan chức) đã có niềm tin - ở đây là niềm tin sẽ bị trời tru đất diệt nếu phản bội lời thề - thì họ có thể đội trời lật đất. Ai chẳng muốn có nhiều tiền, nhưng nếu biết sợ “trời tru đất diệt” thì máu tham có lớn mấy cũng chẳng có ai dám ăn cắp của công.

Hòa Liễu là khôi phục lại lễ hội xưa 500 năm. Nhưng Thanh Văn, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội là xã cũng có một hội thề độc đáo, do chính bí thư đảng ủy xã lập ra đã ba năm nay. Đây là xã duy nhất trong cả nước trả lương hưu cho nông dân, với mức hiện nay 400.000 đồng/người/tháng. Quỹ bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã tích lũy được 46,7 tỉ đồng. Biết đồng tiền lớn dễ lung lạc cán bộ, xã Thanh Văn nghĩ ra lập hội thề, với lời thề cũng rất độc: “Chúng tôi xin thề: ai đụng đến quỹ hưu nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng thì trời tru, đất diệt”.

Ít nhất hội Minh thề Hòa Liễu cũng đã xướng lên được giữa thanh thiên bạch nhật những bài học vô giá! Đó là: dân khát khao được sống lòng ngay dạ thẳng, cội nguồn của văn hóa dân tộc ngàn năm văn hiến.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp