Muốn chọn ngày đẹp để khai trương quán nhưng lại vướng chuyện cá nhân chưa thể về ngay Đà Nẵng, ông Lê Kim Dũng (quận Hải Châu) mở máy tính để làm hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng.
Ngồi nhà làm hết thủ tục, tiện cả đôi bề
Sau khi nộp hồ sơ, với mã biên nhận hồ sơ điện tử, thỉnh thoảng ông Dũng mở máy theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình. Thuận tiện nhất là việc được xác nhận ngày giờ trả lời thông qua trạng thái xử lý hồ sơ nên không phải ngóng đợi, hỏi thăm.
"Không mất thời gian đi đến cơ quan hành chính để xếp hàng, có thể ngồi ở bất cứ đâu đăng ký. Ban đêm đăng ký cũng được", ông Dũng nói.
Ông Lê Thành Tài, một chủ cơ sở kinh doanh ở quận Cẩm Lệ, lần đầu lên mạng đăng ký giấy phép kinh doanh, không ngờ chưa đầy ba ngày sau đã được thông báo cấp phép.
"Ban đầu mình tưởng khó nhưng chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và vài cái nhấp chuột là xong. Mình đăng ký luôn dịch vụ trả hồ sơ hành chính tận nhà nên chẳng cần phải đến cơ quan nhà nước", ông Tài nói.
Quen, anh Tài nay là người thường giúp nhiều bạn bè, nhất là việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế qua mạng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, hiện nay tỉ lệ giải quyết hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh qua mạng chiếm 75% so với hồ sơ giấy.
Đăng ký kinh doanh là một trong tổng số 1.476 dịch vụ công ở TP Đà Nẵng. Tính đến nay 100% các dịch vụ công này đều được chấp nhận hồ sơ qua mạng.
Thường xuyên qua Lào công tác, ông K.D. cũng hay thực hiện các thủ tục cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho ô tô cá nhân để qua lại. Việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trả lời qua hệ thống từ Sở GTVT Đà Nẵng rất dễ theo dõi nên từ năm 2022 ông K.D. đã quyết định chuyển hai ô tô đăng ký biển số ngoại tỉnh về Đà Nẵng để thuận lợi mỗi khi cần gia hạn giấy phép.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, một trong những đột phá trong việc chuyển đổi số trong năm qua là TP này chính thức đưa vào sử dụng nền tảng công dân số tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và app DaNang Smart City. Mỗi công dân có một QR code đại diện cho hồ sơ công dân số để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.
Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết tính đến nay thành phố có hơn 260.000 tài khoản/hồ sơ của người dân, tương đương 46% người trong độ tuổi trưởng thành ở Đà Nẵng.
"Hồ sơ công dân số cho phép mỗi người dân có một QR code duy nhất theo chuẩn quốc gia để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân đăng ký mới hoặc bổ sung thông tin", ông Thạch nói.
Dân quen dần với nền tảng số
Để tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và người dân, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng nền tảng ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích DaNang Smart City cung cấp các dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông báo kịp thời đến người dân (ví dụ tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, xe buýt, vi phạm giao thông, giá đất, tiền điện, nước, bãi đỗ xe...).
Không những lĩnh vực hành chính công mà việc chuyển đổi số cũng dần hình thành thói quen trong các lĩnh vực kinh tế khác. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, bán lẻ, nhất là thanh toán không tiền mặt.
Chị Ngô Thị Yến (tiểu thương chợ Hàn) cho biết khách nước ngoài rất chuộng thanh toán không tiền mặt. Tại các ngôi chợ chuyên phục vụ khách du lịch quốc tế ở Đà Nẵng, việc chấp nhận thanh toán bằng mã QR đã được triển khai rộng rãi.
Nhiều điểm thăm thú, vui chơi ở Đà Nẵng cũng đều chấp nhận hình thức thanh toán bằng mã QR và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là tại các khu vực ven biển.
"Khi từ Trung Quốc về tôi từng nghĩ rất lâu Đà Nẵng mới bắt kịp họ trong việc thanh toán không tiền mặt nhưng bây giờ thì ở Đà Nẵng đã hầu như nơi nào cũng chấp nhận hình thức này.
Đà Nẵng chuyển đổi nhanh là nhờ nhu cầu của khách và cả nền tảng từ cơ sở hạ tầng số cũng như lợi thế công dân đô thị, lớp trẻ vốn tiếp cận công nghệ rất nhanh", anh Đào Tấn Bình, một người từng có thời gian học tập tại Nam Ninh (Trung Quốc), nói.
Dẫn đầu chuyển đổi số
Tính đến nay TP Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc). Tất cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp TP đến quận huyện đến xã phường đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản điện tử và gửi, nhận liên thông với các cơ quan chính quyền.
Về kinh tế số, TP Đà Nẵng đạt được kết quả vượt bậc. Ngành công nghệ thông tin - truyền thông năm 2021 tăng trưởng 10,47% và đóng góp 12,57% GRDP. Về thương mại điện tử, Đà Nẵng đã xây dựng sàn thương mại điện tử với hơn 1.000 doanh nghiệp và 2.500 sản phẩm tham gia.
Mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt đã triển khai tại ba chợ quy mô cấp TP. Đến nay, Đà Nẵng có 83,14% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 69% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Hỗ trợ dân làm dịch vụ công trực tuyến của ngành công an
Thượng tá Võ Hoàng Trung, trưởng Phòng CSQLHC Công an Đà Nẵng, thừa nhận có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện các thủ tục như đăng ký tạm trú, thường trú, khai báo tạm vắng qua mạng. Trong đó có một số hạn chế như tốc độ đường truyền của Cổng dịch vụ công còn chậm, giao diện phần mềm chưa thân thiện...
"Có những thủ tục như đăng ký tạm trú, tạm vắng nhiều người dân cả đời mới làm một vài lần nên thường có tâm lý chạy lên công an xã, phường để các anh hướng dẫn điền cho nhanh. Ngoài ra cũng có nhiều người lớn tuổi không rành về công nghệ khiến tỉ lệ làm hồ sơ online chưa được như mong muốn", thượng tá Trung nói và cho hay ban giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo công an địa phương tăng cường nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục trên cổng dịch vụ công.
Khát vọng cho một thập niên hành động
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, trong tổng số 1.476 dịch vụ công thì có tới 96% lĩnh vực có phát sinh hồ sơ đăng ký trực tuyến. Đây là tỉ lệ cao gấp hai lần so với trung bình toàn quốc.
Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực tuy nhiên chuyển đổi số ở Đà Nẵng chỉ là mới "khởi đầu khát vọng cho một thập niên hành động". Địa phương này vẫn đang hướng tới việc tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển chính quyền điện tử, TP thông minh.
Trong kết quả đánh giá chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về chuyển đổi số nói chung và đứng đầu cả ba nhóm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, kết quả trên là so với địa phương khác. Về yêu cầu chuyển đổi thì chỉ khởi đầu và dư địa vẫn còn mênh mông. Còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận