15/04/2019 18:22 GMT+7

Dân công sở muốn thoát cảnh ly nhựa, hộp xốp có dễ không?

RA NY
RA NY

TTO - Giới văn phòng giờ chuộng đặt đồ ăn trưa trên ứng dụng điện thoại, rồi uống trà sữa, ăn xế... đều đựng trong ly nhựa, hộp xốp.

Dân công sở muốn thoát cảnh ly nhựa, hộp xốp có dễ không? - Ảnh 1.

Sau bữa trưa, một nhóm bạn trẻ làm việc ở đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) uống cà phê và thải ra ly nhựa, hộp nhựa - Ảnh: RA NY

Nơi tôi làm việc được gọi vui là "phố Wall" (khu vực đường Nguyễn Công Trứ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur…) ở Q.1, TP.HCM, quy tụ nhiều ngân hàng, công ty bất động sản, cơ sở kinh doanh ăn uống. Vì vậy, những quán cơm, cà phê, cửa hàng tiện lợi, xe đẩy trái cây cũng nhiều để phục vụ người làm việc tại khu này, đồng nghĩa với lượng túi nylon, hộp nhựa thải ra mỗi ngày không ít.

Gặp một cô gái đang mua trái cây gọt sẵn đựng trong 1 hộp nhựa trọng suốt, 2 túi nylon nhỏ đựng muối, một túi nylon lớn bên ngoài, tôi hỏi cô về xu hướng sống xanh, về việc có e ngại khi đang dùng đồ nhựa không thể tái chế. Cô nói: "Mình cũng biết vầy là ảnh hưởng môi trường, nhưng thấy tiện thì mua luôn. Người bán cũng bỏ sẵn vậy rồi".

Cô gái kể, một tuần đi làm 6 ngày, thường 1-2 buổi trưa sẽ ra quán ăn cùng đồng nghiệp. Còn lại, cô đặt món trên ứng dụng điện thoại về ăn để tranh thủ nghỉ trưa, uống trà sữa một tuần 3-4 ly. Đó là chưa kể xế chiều đói bụng, đồng nghiệp thường rủ cô uống sinh tố, ăn gỏi cuốn… Đa số đều đựng trong ly nhựa, hộp xốp.

Dân công sở muốn thoát cảnh ly nhựa, hộp xốp có dễ không? - Ảnh 2.

Cà phê, trà đào tại quán cũng dùng ly nhựa - Ảnh: RA NY

Quan sát ở ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Công Trứ (Q.1), tôi thấy từ sáng tới chiều, nhiều bạn làm công sở không kể độ tuổi cứ đi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn xế chiều là thế nào cũng dính tới đồ nhựa: hộp xốp đựng xôi, túi nylon đựng ổ bánh mì, chai nước cam, ly nhựa đựng sinh tố, hộp nhựa đựng trái cây. 

Cũng có người mang theo túi vải, bình nước riêng hoặc không nhận túi nylon từ người bán hàng, nhưng không nhiều.

Tôi cũng làm việc công sở nhưng từ lâu đã cố gắng bớt đụng đến đồ nhựa. Tôi mang theo một hộp nhỏ bằng sứ để mua đồ ăn sáng, dù đôi khi người bán không thoải mái lắm, do cần bán nhanh để còn phục vụ người khác. Cơ quan nơi tôi làm việc có khu vực bồn rửa để rửa sạch hộp, không ngại thức ăn bám bẩn để lâu.

Tôi cũng mang theo một bình thủy tinh 500ml để mua nước cam, trà sữa. Với các loại sinh tố, trái cây gọt sẵn, tôi thường chọn những quán phục vụ bằng ly thủy tinh, đĩa sứ. 

Buổi trưa, tôi không đặt đồ ăn trên mạng vì sẽ nhận một mớ đồ nhựa, rồi khi ăn xong sẽ vứt đi ngay. Tôi đi bộ ra quán, và thấy đây cũng là cách vận động tốt.

Trong cốp xe hoặc túi xách của tôi luôn có 1 - 2 chiếc túi vải, kiểu dáng cũng thời trang gọn nhẹ. Nếu mua quần áo, vật dụng nhỏ, tôi bỏ trực tiếp vào túi xách. Hôm nào mua rau củ, thực phẩm, tôi cho vào túi vải. 1 -2 tuần, tôi chỉ cần bỏ túi vải vào máy giặt giặt sạch.

Tôi cũng còn đôi lúc phải dùng đồ nhựa, hộp xốp, nhưng lúc nào trong suy nghĩ cũng nhắc mình phải hạn chế tối đa, không ngại bất tiện hoặc người khác nhìn mình ngạc nhiên. Mình làm việc đúng đắn, việc tốt mà, sao phải ngại!

Trần Hà Minh (28 tuổi, nhân viên Công ty Bồi dưỡng văn hoá TK, Q.5, TP.HCM) cho biết mỗi ngày đều mang cơm trưa theo. Cô không đụng đến ống hút nhựa, không mua thức ăn đựng trong hộp xốp, hộp nhựa. 

"Vào quán, tôi nhờ nhân viên lấy thức uống vào bình nước của mình. Hôm nào quên đem bình, tôi chọn quán có phục vụ ly sứ hoặc ly thủy tinh, dặn nhân viên không cần đưa ống hút", Minh nói.

Tập thói quen này đã nhiều năm, ban đầu hơi bất tiện, nhưng chỉ một thời gian ngắn cô nhận thấy mọi thứ đã trở nên dễ dàng. Cô cũng ít khi đặt thức ăn qua mạng vì ngại nhận một mớ hộp nhựa và túi nylon, kể cả trà sữa. Trong các hội thảo, cô cũng không dùng chai nước suối được cung cấp sẵn.

"Thói quen ăn vặt của nhân viên văn phòng cũng sẽ kéo theo việc thải ra một lượng rác thải nhựa không nhỏ. Tôi thấy nhiều bạn cũng có ý thức bảo vệ môi trường, nhưng do làm việc cả ngày, nhiều khi đồng nghiệp rủ rê nên cũng mua linh tinh về ăn. Các hàng quán có thể bán cho khách mang về, giao hàng qua mạng trong những loại vật liệu thân thiện môi trường như hộp làm từ bã mía, bột sắn... và lấy giá bán cao hơn một chút cũng được", Minh đề xuất.

Dân công sở muốn thoát cảnh ly nhựa, hộp xốp có dễ không? - Ảnh 4.

Một bữa trưa công sở với đồ ăn bằng chén đĩa sứ, chai nước bằng thủy tinh - Ảnh: RA NY

Đoàn Bảo Châu (29 tuổi, làm việc ở tổ chức phi chính phủ Room to Read, Q.3) cho biết ở văn phòng cô có sẵn 5-6 cái tô. "Tới giờ trưa, ai muốn ăn cơm thì cầm tô đi mua. Ban đầu chỉ là vài nhân viên, sau đó tất cả cùng làm và cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu", cô kể.


Ngoài ra, cô cũng không nhận túi nylon khi đi mua thức ăn, không lấy muỗng nĩa nhựa. Khi buộc phải sử dụng, cô chỉ lấy một chiếc rồi dồn tất cả đồ đạc vào, hạn chế nhận nhiều túi.

"Mình từng thử đếm số túi nylon nhận trong một ngày, có khi tới 20 cái. Thật khủng khiếp. Nào là bọc và hộp xốp đựng đồ ăn sáng, các loại bọc khi đi mua sắm. Chỉ riêng việc mua một ly nước mang theo cũng toàn ly nhựa, nắp nhựa, ống hút, túi đựng...", Châu kể.

TTO - Bắt đầu thi hành quy định cấm túi nhựa từ đầu năm 2019, người dân ở nhiều bang tại Ấn Độ đang dần thích nghi với việc đi mua hàng không túi nhựa, bằng cách mang theo túi riêng, hoặc phải trả tiền lấy thêm túi vải dùng nhiều lần.

RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp