Ngày 31-1, chính quyền huyện Long Thành (Đồng Nai) đã bắt đầu chi tiền hỗ trợ cho người dân ở xã Tam An bị thiệt hại do nhà máy xử lý nước thải của Công ty Sonadezi Long Thành (gọi tắt là Sonadezi) gây ô nhiễm.
Phóng to |
Hàng chục hộ dân xã Tam An, Long Thành, Đồng Nai chưa đồng tình với cách áp giá và xác định mức độ thiệt hại - Ảnh: Hà Mi |
Theo danh sách niêm yết, có 169 hộ dân ở xã Tam An được mời đến nhận tiền hỗ trợ thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, cây trồng... trong hai ngày với tổng số tiền gần 11,8 tỉ đồng. Người được nhận tiền nhiều nhất trên 1,2 tỉ đồng, thấp nhất là 255.000 đồng.
Trong ngày đầu tiên có 94/120 hộ được mời đến nhận với số tiền trên 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, một bất ngờ đã xảy ra khiến dân thắc mắc và chính quyền địa phương cũng lúng túng. Đó là ngày 30-1, tại một cuộc họp Sonadezi chỉ chịu chi 3,6 tỉ đồng (bằng 30% tổng số tiền phải trả cho dân), trong khi địa phương đã thông báo tổng số tiền thiệt hại mà mỗi hộ dân được nhận. Ông Võ Văn Luật, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Tam An, nói với dân: “Tôi rất chia sẻ với bà con. Tôi biết trước khi chuẩn bị đi nhận tiền hỗ trợ, có bà con nghèo khổ đã tính toán tết sắp đến sẽ mua cái gì nhưng giờ chỉ nhận được 30% tiền thiệt hại, phải chờ tiếp thì chúng tôi cũng sốt ruột. Nhưng Sonadezi cam kết 70% số tiền còn lại (khoảng 8,2 tỉ) sẽ được trả tiếp trong tháng 6-2013”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành - giải thích: “Khi làm việc với ban chỉ đạo chi trả tiền bồi thường, Tổng công ty Sonadezi cho hay theo quy định công ty không thể chi hết 100% số tiền để đưa xuống dân. Công ty phải vận dụng chính sách bằng cách trích 30% (3,6 tỉ) từ quỹ phúc lợi của công ty để chi trả cho dân, còn lại 70% (khoảng 8,2 tỉ) phải đợi đại hội cổ đông vào tháng 4-2013 mới xin ý kiến cổ đông được”.
Theo ghi nhận, ngày đầu tiên nhiều người mang thư mời cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân đến các bàn hướng dẫn để làm thủ tục cam kết nhận tiền. Tuy nhiên vẫn có khoảng 40 hộ dân không đồng tình với cách chi trả hoặc thắc mắc về cách xác định thiệt hại của Viện Môi trường - tài nguyên đưa ra chưa làm dân tâm phục khẩu phục. Dân liên tục phản đối, chính quyền Long Thành đã cử người tổ chức đối thoại trong lúc chi trả tiền cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Trai, ở ấp 2, có bốn sào đất nuôi trồng thủy sản được xác định bị thiệt hại 33 triệu đồng, nói: “Cách tính để xác định thiệt hại cho dân tôi thấy có nhiều sơ sót. Người dân chúng tôi muốn công khai các chi tiết áp giá cho từng loại cây trồng, vật nuôi ở từng hộ để dân được biết nhưng sao không được công khai để dân so sánh. Bản thân tôi không nhận và sẽ kiện Sonadezi đến cùng nếu chưa giải thích thỏa đáng cho tôi”.
Trước phản ứng của người dân, ông Võ Văn Luật nói: “Nếu bà con thấy việc hỗ trợ còn thiếu sót hoặc thấy nằm ngoài vùng xác định thiệt hại nhưng vẫn khẳng định do Sonadezi gây ra thì bà con có quyền khiếu nại. Chúng tôi chỉ ghi nhận và sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét”.
Không có thời gian chuẩn bị tiền Về việc không chi trả hết một lần tiền cho dân, bà Đỗ Thị Thu Hằng - chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi - cho hay: “Do công ty niêm yết trên sàn nên phải chờ đại hội cổ đông để có ý kiến thống nhất trong việc trích lợi nhuận chi trả cho dân. Vì vậy chưa thể chuyển hết một lần tiền để chi hết cho dân được”. Trả lời vì sao không chuẩn bị tiền để trả một lần cho người dân, bà Hằng nói Viện Môi trường - tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) xác định mức độ gây ô nhiễm trên rạch Bà Chèo có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xả thải của Sonadezi Long Thành. Ban chỉ đạo đi xác minh thiệt hại và gần đây mới thống nhất được số tiền mà Sonadezi phải có trách nhiệm chi trả gần 11,8 tỉ đồng. Vì vậy công ty không có nhiều thời gian để chuẩn bị tiền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận