Mọi văn bản quy phạm pháp luật, hành chính về dân chủ trong ngành này đều đã ban hành đầy đủ nhưng dường như môi trường và cơ chế để vận hành dân chủ vẫn còn bị ách tắc ở không ít cơ sở giáo dục.
Nguyên nhân mất dân chủ trong nhà trường chủ yếu do tình trạng quyền lực tập trung vào tay một hoặc một số ít người. Văn hóa và ý thức dân chủ của những thành viên trong trường còn chưa được phát huy, lợi ích cá nhân và nhóm hình thành tạo ra những thế lực, khiến cho cán bộ giáo viên, học sinh không dám có ý kiến.
Những người này thậm chí còn vô hiệu hóa sự lãnh đạo cơ sở Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường, khiến cho những người ngay thẳng ngại lên tiếng đấu tranh vì sợ bị trù úm.
Sự bao che của một số lãnh đạo cơ quan quản lý cấp trên đối với lãnh đạo nhà trường theo kiểu “thân hữu” khiến cho lãnh đạo nhà trường càng thừa cơ lộng hành... Trong bầu không khí thiếu dân chủ như vậy thì những kẻ xu nịnh sẽ gia tăng, và dễ đưa nhà trường đến một xu hướng xấu.
Có một cơ chế công khai minh bạch trong ngành giáo dục đã triển khai cách đây xấp xỉ 8 năm, nhưng trong quá trình thực hiện đã thiếu sự đôn đốc, giám sát của các bên liên quan. Vì thế, quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều vụ vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn tiếp diễn.
Việc đánh giá giáo viên và cán bộ lãnh đạo trong trường học được làm một cách hình thức, chưa đi vào thực chất... làm cho nhà trường không hoạt động tốt và thiếu đi bầu không khí dân chủ, đoàn kết và sẻ chia.
Một cơ chế hội đồng trường cũng đã được thiết lập, nhưng hầu hết các trường rất ngại thành lập hội đồng. Phải chăng do sợ bị chia sẻ lợi ích, phải chăng do sợ lộ những điều mờ ám trong điều hành nhà trường về tài chính, tuyển dụng, bổ nhiệm, mua sắm, xây dựng? Vậy nên khi mọi thứ minh bạch thông qua sự giám sát của hội đồng trường thì việc hiệu trưởng “tự tung tự tác” xài tiền của trường sẽ gặp khó khăn bội phần.
Ở đây cơ quan quản lý nhà nước cũng chịu trách nhiệm, do vô tình hay hữu ý mà không có chế tài cần thiết khi các trường ngó lơ việc thành lập và đưa hội đồng trường vào hoạt động thực chất.
Có cơ chế dân chủ rồi vẫn cần xây dựng văn hóa dân chủ. Không chỉ trong mối quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo với giáo viên, mà văn hóa này còn phải được xây dựng cả ở mối quan hệ giữa giáo viên với nhau, và giữa giáo viên với học sinh, sinh viên.
Việc phân cấp, tăng cường quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đào tạo không phải chỉ đơn thuần là giao quyền lực cho người đứng đầu hay thông qua hội đồng trường, mà đây là một bước thực thi dân chủ, và cái quyền ấy làm sao phải đến được cả giáo viên và học sinh, sinh viên.
Bản chất giáo dục là khai phóng, là làm cho con người có quyền năng hơn. Vì thế, khi văn hóa dân chủ ngấm sâu vào máu của cán bộ, giảng viên thì ngay từng hành vi, mỗi bài giảng đều có thể giúp cho học sinh, sinh viên đưa ra các ý tưởng, tranh luận, phản biện về các hiện tượng tự nhiên xã hội, rồi rút ra chân lý cho mình.
Khi văn hóa dân chủ của giáo viên chưa đầy đủ thì việc giảng dạy trên lớp sẽ được coi như là “bố thí” tri thức cho học sinh và mang tính áp đặt. Có văn hóa, thói quen dân chủ công khai và xử lý kỷ luật nghiêm minh thì mọi ý kiến lợi dụng dân chủ, những sự kết bè kéo cánh, bôi xấu tố cáo nặc danh cán bộ lãnh đạo, giáo viên sẽ tự đào thải...
Cả nước đang quyết liệt tiếp bước công cuộc đổi mới giáo dục. Việc xây dựng môi trường và văn hóa dân chủ trong nhà trường có thể coi là cái gốc để phát huy nguồn lực, trí tuệ cho đổi mới và sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận