Minh họa: NOP |
“Khi tính dân chủ yếu ớt, tình đoàn kết lung lay, chắc chắn tập thể sư phạm đó chẳng thể vững mạnh để tập trung nâng cao chất lượng dạy và học" |
Trong bản tự nhận xét, tự kiểm điểm cá nhân luôn có mục đánh giá tinh thần phê và tự phê. Tuy nhiên, lâu nay dường như chúng ta đã quá dễ dãi khi nhiều người mượn nó để có được một gạch đầu dòng phần nhược điểm, hạn chế: “Tinh thần phê và tự phê chưa cao”.
Và quả thật, khá nhiều người đã tự “trói” mình vào nếp nghĩ “im lặng là vàng”, bởi nhiều lý do.
Và sự im lặng “quý báu” ấy đã dẫn đến tình trạng lệch pha giữa thực tế với những dòng báo cáo, đánh giá, nhận xét, góp ý một chủ trương, kế hoạch mới luôn tuân theo môtip “rất hay, thiết thực, nên nhân rộng, cần phát huy”…
Trong môi trường trường học, những mẫu phiếu đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng với những tiêu chí và thang điểm chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của người lãnh đạo. Bởi tâm lý chạy theo số đông, cùng với lối mòn suy nghĩ “đánh giá cho xong chuyện”, đã khiến người ta dễ dàng đặt bút chấm điểm cho có, nhận xét vài dòng cho đủ hình thức.
Vậy là những người dám lên tiếng, thường xuyên đóng góp ý kiến, mạnh dạn đấu tranh trở thành “hiện tượng lạ”, cá biệt trong nhà trường, rồi bị tập thể tẩy chay, xa lánh.
Người ta dễ dàng miễn cưỡng chấp nhận một mệnh lệnh, một kế hoạch không hợp lý từ lãnh đạo; nhưng lại khó chịu ra mặt khi người khác đứng dậy đấu tranh, làm “rắc rối, phức tạp thêm tình hình”; hoặc bĩu môi, chép miệng đánh giá người khác “có ý đồ gì đó”, “tính toán thiệt hơn”... khi có tiếng nói khác hẳn số đông còn lại.
Chính sự im lặng của tập thể là mảnh đất màu mỡ cho cái xấu có cơ hội nảy mầm.
Và lắm lúc vấn đề dân chủ trong trường học bị vi phạm nghiêm trọng bởi chính những người lãnh đạo có tính gia trưởng, độc đoán. Bất kỳ ý kiến đóng góp nào cũng đều bị họ gạt sang một bên, hoặc luôn gật đầu ghi nhận nhưng rồi cứ thế mà triển khai thực hiện theo ý mình.
Cá biệt, có trường hợp người góp ý bị “quan tâm” một cách đặc biệt theo kiểu “cho lên bờ xuống ruộng”. Nhiều phen bầm giập như thế, người thầy tự rút kinh nghiệm, cam chịu chọn giải pháp im lặng cho yên thân.
Ngay đến việc đóng góp ý kiến, trả lời phỏng vấn với báo chí cũng là một vấn đề nan giải với nhiều giáo viên.
Những bài viết ca ngợi người tốt, việc tốt của trường của lớp thì chẳng nói làm gì. Nhưng cứ hễ đụng đến những vấn đề nhạy cảm như tình trạng học sinh “ngồi nhầm” lớp, vấn đề thu tiền trường, căn bệnh thành tích…, hiếm có nhà giáo nào dám công khai lên tiếng mạnh mẽ. Bởi biết đâu sau đó là những lời “hỏi thăm” không ai muốn từ lãnh đạo nhà trường.
Vấn đề lớn cần ưu tiên hiện nay Khi tiếng nói dân chủ trong nhà trường bị vi phạm, tinh thần đấu tranh bị triệt tiêu thì hệ quả tất yếu chính là cái xấu có cơ hội len lỏi. Bên cạnh đó, thay vì những lời góp ý chân thành, thẳng thắn trong cuộc họp, thì mấy câu chuyện “buôn dưa lê”, “tám cho vui miệng” bên ngoài sẽ là mầm mống cực kỳ nguy hại cho tình trạng mất đoàn kết trong tập thể. Khi tính dân chủ yếu ớt, tình đoàn kết lung lay, chắc chắn tập thể sư phạm đó chẳng thể vững mạnh để tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, dân chủ trong trường học là một vấn đề lớn cần ưu tiên quan tâm hiện nay. Ở môi trường đặc biệt này, dân chủ sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa lãnh đạo nhà trường và giáo viên, cũng như chặn đứng mọi biểu hiện tiêu cực trong trường học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận