Aston Martin DBR1 1956 - Ảnh: RM Sotheby |
Khi các xe cổ bán được 327 triệu USD ở một sự kiện đấu giá
Chiều hướng mua xe cổ đang giảm dần. Tuy nhiên, tại sự kiện đấu giá xe cổ quy mô Pebble Beach Concours d’Elegance năm nay vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8-2017 đã thu được kết quả rất khả quan. Tổng doanh thu ở mức 327 triệu USD (so với năm ngoái 338 triệu USD).
Chiếc Aston Martin DBR1 1956 được bán với giá 22,5 triệu USD - Ảnh: NYTimes |
Các chuyên gia đánh giá doanh thu tốt từ sự kiện trên chứng tỏ thị trường xe cổ vẫn ổn định, có lượng khách nhất định và vẫn có thị phần tiêu thụ.
Một nhà sưu tầm, phục chế tại Durham, N.C cho biết: “Cuộc đấu giá ở Monterey là thước đo chính xác mức độ ổn định của dòng xe cổ trong thị trường ôtô thế giới. Người mua là những người có kiến thức, chịu khó tìm hiểu, doanh nhân thành đạt và dĩ nhiên họ mua có lý do chính đáng”.
Trong buổi đấu giá, chỉ sau 27 phút giới thiệu, chiếc Aston Martin DBR1 1956 và chiếc xe đua Porsche 917K 1970 đã có chủ sở hữu. Chiếc Aston Martin DBR1 1956 được bán với giá 22,5 triệu USD, cao hơn 10% so với giá ước tính ban đầu và chỉ sau 7 phút lên sàn, chiếc Porsche 917K 1970 đã được bán với giá 14,8 triệu USD.
Karmann Ghia 1966 tại triển lãm VIMS 2016 - Ảnh: Trùng Dương |
Hai con số trên kết thúc trong tiếng vỗ tay của những vị khách hàng danh dự trong buổi đấu giá “lịch sử” này. Bởi một chiếc xe du lịch phong cách châu Âu Avanti R2 1963 trước đây hiếm vượt ngưỡng 30.000 USD, nay được bán với giá kỷ lục 127.000 USD.
Người Việt và xe cổ
Vào tháng 7-2016, chiếc Rolls-Royce Silver Mark l đời 1982 bất ngờ xuất hiện trên đường phố Hà Nội khiến người đi đường không khỏi tò mò và thích thú. Chiếc Rolls-Royce Silver Mark l 1982 sở hữu khối động cơ V6 có dung tích 6.75L, hộp số tự động 4 cấp do GM sản xuất.
Chiếc Porsche cổ tại triển lãm VIMS 2016 - Ảnh: Trùng Dương |
Cũng như trong cuộc triển lãm xe quốc tế Vietnam Motor Show, ban tổ chức trưng bày nhiều dòng xe cổ, mang hơi hướng xưa cũ từ những năm 80s-90s…- cái thời những chiếc xe này là ngôi sao sáng trên đường phố Sài Gòn.
Không chỉ riêng người có tuổi, một số bạn trẻ chọn xe cổ góp mặt trong các sự kiện quan trọng như: chụp hình cưới, rước dâu, quay MV ca nhạc… hoặc thuê xe cổ để dạo quanh các đường phố Sài Gòn, Chợ Lớn.
Anh N.Đ.Tâm, một kiến trúc sư chuyên ngành nội thất có đam mê sưu tầm và thương mại các dòng Vespa cổ đến các dòng xe hơi cổ ở Sài Gòn cho biết:
“Không chỉ là phương tiện để đi lại, các dòng xe cổ còn mang trong mình những giá trị thiêng liêng gắn liền với những mảng ký ức xưa cũ của người dân Sài Gòn. Mặt khác, chúng ta có thể kết hợp đam mê để làm dịch vụ đem lại nguồn lợi kinh tế, như làm city tour, đưa đón vị khách quý, quan chức cấp cao nước ngoài từ sân bay, tạo ra những concept (ý tưởng) độc đáo cho khách hàng”.
Nhiều bạn trẻ yêu chuộng xe cổ trong những chuyến du lịch ngắn ngày - Ảnh: Trùng Dương |
Mặc dù trào lưu chơi xe cổ tại Việt Nam không lớn mạnh như ở các nước khác, nhưng không phủ nhận sự tồn tại của nó trước sự lớn mạnh của dòng xe hiện đại.
“Người yêu xe cổ vẫn thường xuyên tổ chức các buổi offline giới thiệu xe, chia sẻ kinh nghiệm bảo trì cũng như cập nhật tình hình xe cổ trên thế giới. Hiện có một số người yêu xe vẫn tìm mua những dòng xe cổ từ nước Mỹ, Đức, Brazil về chơi. Thậm chí, một số bác mở gara chuyên sửa những dòng xe hơi cổ.
Yêu xe cổ còn vì nghiện tiếng nổ của máy xe lẫn mùi khói khét. “Cái ồn đó là nét đặc trưng của mảnh đất Sài Gòn, cái mùi khét của pô là một phần “linh hồn” của ký ức xưa cũ” - trích dẫn câu nói từ một phóng viên trong bài viết về Vespa cổ, xe hơi cổ ở Sài Gòn của hãng tin CNN.
Trong giới, không ai không biết bác Bảy Nị, một thợ sửa chữa cừ khôi các dòng xe cổ, nhất là dòng Volkswagen Beetle của Đức” - anh T.Anh, một bạn mê xe cổ, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận