Trao đổi với báo chí ngày 30-5, ông Nguyễn Quý Dương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đàn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện ở Lạng Sơn những ngày qua có quy mô đàn nhỏ.
Thống kê sơ bộ cho thấy diện tích tre vầu và cây trồng bị ảnh hưởng do đàn châu chấu tre lưng vàng tấn công ở Lạng Sơn khoảng 10ha.
"Hiện tại, tỉnh Cao Bằng đang chịu ảnh hưởng của dịch châu chấu tre lưng vàng.
Theo thống kê của chúng tôi, diện tích cây trồng bị thiệt hại (chủ yếu là cây vầu) do nạn châu chấu tre lưng vàng đã lên khoảng 500ha" - ông Dương nói.
Đồng thời, ông cho biết Cục Bảo vệ thực vật vẫn đang chủ động phối hợp với các địa phương giám sát thật chặt chẽ các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng, để có các biện pháp phòng chống phù hợp.
Theo ông Dương, trong chiều nay (30-5), một đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ lên Cao Bằng phối hợp với tỉnh lên phương án phòng chống dịch châu chấu tre lưng vàng.
"Trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã có báo cáo và khả năng tỉnh này sẽ công bố dịch. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ đánh giá quy mô ổ dịch châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không" - ông Dương nói.
Về biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, ông Dương cho biết chỉ có cách phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ.
"Thời điểm này, châu chấu mới ở tuổi 2, 3 (giai đoạn châu chấu non, chưa có cánh) nên hiệu quả phun phòng trừ rất tốt. Nếu sang tháng 7, khi bộ cánh châu chấu hoàn thiện, tốc độ di chuyển của chúng nhanh hơn thì thiệt hại càng lớn, lúc đó việc phun thuốc bảo vệ thực vật không những giảm tác dụng mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường" - ông Dương nói.
Ông Bùi Xuân Phong, trưởng phòng bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết vùng giáp biên 3 nước Trung Quốc, Lào và Việt Nam thường xuyên xuất hiện chấu chấu tre lưng vàng. Chúng thường xuyên bay qua lại giữa Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào (Nghệ An, Thanh Hóa).
Theo ông Phong, châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn. Đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Khi đến giai đoạn trưởng thành, chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn, di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng.
Năm nay, thống kê đến 30-5, tổng diện tích các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng khoảng 642ha, trong đó Cao Bằng 517ha, Điện Biên 0,5ha, Sơn La 10ha, Bắc Kạn 63ha.
"Châu chấu tre lưng vàng đang bùng phát vẫn là quy luật phát sinh gây hại hằng năm. So với cùng kỳ các năm trước, diện tích nhiễm châu chấu tre hiện nay cao hơn năm 2023 và năm 2022 nhưng thấp hơn năm 2021 (trên 1.000ha) và thấp hơn nhiều so với năm 2016 (3.700ha).
Cuối tháng 5 hiện nay là thời điểm các ổ châu chấu nở và bắt đầu phân tán, còn nhiều ổ chưa được phát hiện nên các địa phương cần phải chỉ đạo hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật cấp tỉnh, huyện và phối hợp với chính quyền cấp xã, thôn bản, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, người dân... để nắm thông tin ổ châu chấu non và phòng trừ càng sớm càng hiệu quả" - ông Phong khuyến cáo.
Châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận gây hại đầu tiên trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ.
Đến năm 2016, châu chấu tre lưng vàng đã bùng phát thành dịch, gây hại trên 3.700ha diện tích cây trồng nông lâm nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận